Hội Nhạc sĩ VN lên tiếng về VCPMC: Tán thành việc VCPMC tách khỏi hội

11/03/2012 15:56 GMT+7 | Âm nhạc



(TT&VH) - Hàng loạt thông tin trái chiều về hoạt động của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VPCMC) đã “hâm nóng” dư luận trong thời gian qua. Để có thêm góc nhìn về sự việc này, TT&VH đã liên lạc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN), cơ quan chủ quản của VCPMC.

Dù chưa có văn bản chính thức để bày tỏ quan điểm, Hội NSVN vẫn ủy quyền cho nhạc sĩ Vũ Duy Cương (Chánh văn phòng Hội) là người trao đổi với truyền thông về vấn đề này. Ông Cương cho biết:

- Nhìn chung, 2 việc khiến VPCMC gặp rắc rối trong thời gian qua bao gồm chuyện thu, trả tác quyền cho các nhạc sĩ và lá đơn kiến nghị tới Cục Nghệ thuật Biểu diễn về thủ tục cấp phép biểu diễn. Đáng tiếc, cho tới trước khi dư luận phản ánh, Hội NSVN không hề được Trung tâm báo cáo về những việc này. Hiện tại, chúng tôi đang chờ VCPMC gửi văn bản giải trình về những việc trên để trả lời dư luận cũng như các cơ quan chức năng. Nếu không ,Hội sẽ có công văn mời Giám đốc VCPMC (nhạc sĩ Phó Đức Phương) lên để làm việc khi cần thiết.

Nhạc sĩ Vũ Duy Cương

* Có ý kiến cho rằng VCPMC là đơn vị trực thuộc HNSVN nhưng luôn “vượt quyền” cơ quan chủ quản. Thực chất điều này là sao, thưa ông?

- Nói nhẹ nhàng hơn thì VPCMC có phần tự phát trong hoạt động. Lẽ ra, theo quy chế, là đơn vị cấp hai nên mọi ý kiến, phương hướng, giải pháp... của VPCMC nhất nhất phải báo cáo với cơ quan chủ quan là Hội NSVN.

Sự lỏng lẻo này đến từ nhiều lý do. Thứ nhất, khi thành lập vào 10 năm trước, VCPMC chịu sự quản lý trực tiếp từ Hội đồng quản lý của Hội. Hiện tại, các thành viên của Ban này theo thời gian đều đã nghỉ hưu và mối quan hệ của Trung tâm với Hội đươc thể hiện qua văn bản báo cáo Hội và tại hội nghị BCH.

Thứ hai và quan trọng hơn, các vấn đề về bản quyền dù sao vẫn là mới tại Việt Nam. Việc xây dựng mô hình trực tiếp thu và phân phối như VCPMC vẫn còn mang tính thử nghiệm, vừa làm vừa điều chỉnh. Đi vào hoạt động, quy chế quan hệ giữa VCPMC và cơ quan chủ quản thiếu sự nhất quán.

* Nhiều nhạc sĩ nhắc tới việc VCPMC “nhập nhèm” trong việc thu và trả tác quyền. Vậy quan điểm của Hội là...?

- Khi chưa có kết luận chính thức, chúng ta chưa nên áp đặt điều gì. Tôi chỉ thấy rằng Trung tâm có phần vắn tắt, sơ lược trong việc kê khai các khoản thu - chi. Điển hình, những báo cáo tài chính gửi của VCPMC gửi tới Hội trong những năm qua là vắn tắt, không kê khai chi tiết các khoản thu, chi theo yêu cầu của Hội.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương và VCPMC có những đóng góp tích cực trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc tại Việt Nam, đó là sự thật. Cá nhân tôi và nhiều nhạc sĩ khác đặt niềm tin vào sự công tâm của họ. Nhưng là chuyện tài chính, cần phải có đầy đủ các thủ tục, văn bản cần thiết minh bạch tạo niềm tin cho những nhạc sĩ đã ủy quyền. Chẳng hạn, nhiều người đang hỏi là số tiền tác quyền chuyển tới nhạc sĩ luôn chậm. Có thể là VCPMC làm vậy vì thu - chi theo kiểu “cuốn chiếu”, mỗi quý thanh toán một lần. Nhưng trong những tháng trả chậm ấy, tiền lãi của mức bản quyền này sẽ được sử dụng thế nào?

VCPMC muốn xin Huân chương Lao động

Ngày 27/2/2012, VCPMC đã có công văn gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề nghị tổ chức nghề nghiệp này xem xét đệ trình lên Nhà nước xin xét tặng Huân chương Lao động cho Trung tâm nhân kỷ niệm 10 năm thành lập ( 2002 - 2012). Theo công văn này, trong 10 năm hoạt động, VCPMC đã căn cứ Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật của Nhà nước để tích cực bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc, đồng thời nhận về nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN, Bộ VH,TT&DL...

* Còn việc VCPMC đề nghị Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa hợp đồng tác quyền vào danh mục hồ sơ xin cấp phép. Quan điểm của cá nhân ông và của Hội NSVN thế nào trước vấn đề này?

- Cá nhân tôi cho rằng đề nghị của VCPMC là có cơ sở. Thực tế, một số Sở VH,TT&DL tại các tỉnh phía Nam cũng đã làm rồi. Cần thiết phải có sự chỉ đạo nhất quán từ cơ quan có thẩm quyền.

Đáng tiếc là, trong lá đơn gửi lên Cục NTBD vừa rồi, phía VCPMC đã không xin ý kiến của Hội để cùng trao đổi.

* Có thông tin rằng VCPMC sẽ được tách ra khỏi Hội NSVN để hoạt động như một tổ chức độc lập?

- Cách đây vài năm, nhạc sĩ Phó Đức Phương có đề xuất lên Hội về việc muốn trở thành đơn vị độc lập tách ra khỏi Hội. Và gần đây Hội cũng nhất trí tán thành, và động viên VCPMC sớm thực hiện.

* Vậy còn đóng góp của VCPMC cho Hội Nhạc sĩ VN?

- Trước đây thì chưa có những đóng góp mang tính định kỳ. Năm 2012, phía VCPMC đề nghị mỗi năm được đóng góp 2% đến 3% nghĩa vụ với Hội. Tuy nhiên, lãnh đạo Hội chưa đồng ý, khi mà Hội chưa nắm bắt được cơ sở nguồn tài chính của VCPMC.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Minh Châu (thực hiện)


Hà Nội có thêm 29 nhà văn mới

Trong lễ trao giải thưởng văn học 2012 vào sáng 9/3, Hội Nhà văn Hà Nội đồng thời cũng tiến hành các nghi thức kết nạp cho 29 thành viên mới được xét gia nhập. Đặc biệt, tác giả Thụy Anh là một trường hợp thú vị, khi chị vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội, vừa nhận về giải thưởng văn học 2012 cho tập thơ Olga Berggoltz của tôi (giải Dịch thuật).
 
“Giải thưởng này là sự động viên rất lớn với tôi để có thể tiếp tục theo đuổi lĩnh vực dịch thuật như một niềm vui bên cạnh nghề nghiệp chính của mình”. Đang là tiến sĩ giáo dục và có nhiều năm học tại Nga, Thụy Anh chia sẻ: “Trước hết tôi phải cám ơn các dịch giả Bằng Việt, Ngân Xuyên đã từng dịch rất thành công thơ Olga tại Việt Nam trong những năm trước đây. Một lớp độc giả riêng của thơ Olga đã hình thành sẵn và “ưu ái” tiếp nhận. Bản dịch của tôi có thuận lợi rất nhiều”.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm