Thí sinh hát thật, nghệ sĩ hát nhép

27/02/2012 12:34 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Sau bốn năm gián đoạn, giải thưởng uy tín của sân khấu cải lương Trần Hữu Trang đã trở lại với những tín hiệu lạc quan lẫn sự băn khoăn cho một sân khấu biểu diễn vốn trì trệ nhiều năm qua.

Những ai yêu mến cải lương và quan tâm đến giải thưởng Trần Hữu Trang (với sáu đêm thi chung kết diễn ra từ 18 - 24/2) đều dễ dàng nhận ra mặt bằng chung thí sinh của mùa giải lần thứ XI này trẻ hơn, đồng đều hơn và được đầu tư kỹ lưỡng hơn hẳn những năm trước.

Một nguồn lực giàu tiềm năng

NSƯT - TS Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội đồng giám khảo chuyên môn, cho rằng sự đồng đều của các thí sinh đã thực sự “làm khó” BGK rất nhiều. Và đáng mừng hơn khi đã xuất hiện nhiều giọng ca đẹp, nhiều kỹ thuật xử lý ca lạ, hấp dẫn, nhiều nét diễn tinh tế, đa dạng lẫn sự chỉn chu, sáng tạo trong dàn dựng các tiết mục dự thi.

Năm nay, lực lượng thí sinh chủ yếu đến từ hai nguồn: đào tạo “nghề truyền nghề” (phổ biến ở các đơn vị nghệ thuật tỉnh) và đào tạo chính quy trường lớp (NH Cải lương Trần Hữu Trang và ĐH SK-ĐA TP.HCM). Qua đó, có thể nhận ra hai đặc điểm: nếu phần lớn thí sinh đến từ đoàn tỉnh sở hữu giọng ca khá đẹp cùng phong cách biểu diễn mộc mạc như: Hoài Vương (Tiền Giang), Phương Anh (Cần Thơ), Trúc Ly (Cà Mau), Thanh Nhường (Quân khu 9)… thì những thí sinh - học viên thường nghiêng về diễn xuất và có bản lĩnh sân khấu khá vững vàng (Hoàng Hải, Thành Tây, Thanh Toàn, Hoài Thanh…).

Khác với mọi năm khi thí sinh chỉ thích làm “đào thương, kép đẹp”, thí sinh ở mùa giải năm nay lại chuộng các vai cá tính, nhiều số phận mà nhất là vai lão, vai lẳng, vai độc. Sự đa dạng trong phong cách của các thí sinh cũng đã gây nên những “cơn đau đầu thú vị” cho BGK khi “cầm cân nảy mực” cũng như đem lại tín hiệu lạc quan về một lớp kế thừa giàu tiềm năng cho sân khấu cải lương.

Thí sinh Võ Minh Lâm (NH Cải lương Trần Hữu Trang), sinh năm 1989,
hoàn toàn thuyết phục BGK với trích đoạn Kiếp tằm. Ảnh: Silver

Đạo diễn quá lạm dụng “chiêu trò”

Theo dõi nhiều tiết mục dự thi, đôi khi khán giả phải băn khoăn tự hỏi: “Không biết là “thầy” thi hay “trò” thi?”. Nhiều tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu đến mức… lạm dụng, khi nhìn vào chỉ thấy dấu ấn của đạo diễn còn diễn viên - thí sinh thì trở nên nhạt nhòa, thậm chí bị “rối” với những “chiêu trò” tưởng sẽ tăng sức hút cho tiết mục. Cách dàn dựng đậm màu thể nghiệm, lạm dụng múa minh họa (như: Người cáo của thí sinh Hoài Thanh, Bão rừng tre - Nguyễn Thanh Toàn, Sáng mãi niềm tin - Ngọc Quyền…) hoàn toàn không phù hợp với cải lương, không chỉ làm giảm cảm xúc mà còn gây phản cảm cho người xem.

Một nghệ sĩ chuyên nghiệp nhận xét: “Cách dàn dựng rầm rộ, sử dụng múa hình thể, lấy người thay cảnh trí như thế không phải là phong cách dàn dựng của cải lương. Cải lương cần mới lạ nhưng vẫn phải giữ được chất của nó. Giải thưởng Trần Hữu Trang phải tập trung vào ca diễn của thí sinh chứ không phải là thủ pháp dàn dựng làm gây phân tâm thế kia”. Và nhận định của nhiều người trong nghề về việc Giải thưởng Trần Hữu Trang đang biến thành sân chơi để các đạo diễn thi thố hơn là cho diễn viên bộc lộ không phải là không có lý.

Việc đổi mới câu ỏi ứng xử tập trung vào kiến thức của thí sinh về vai diễn đã chọn ở vòng chung kết tưởng chấm dứt được kiểu “học thuộc lòng - trả bài” khi có sẵn danh sách câu hỏi - đáp án như trước đây thì các thí sinh lại rơi vào một kiểu “trả bài” sáo mòn khác. Mặc dù đã có chuẩn bị nhưng phần lớn các thí sinh vẫn rất lúng túng ở phần thi ứng xử, khả năng cảm thụ nhân vật thiếu chiều sâu và vẫn mang nặng tư duy “học trò” hơn là một người nghệ sĩ thực thụ.

Những phát ngôn kiểu “tập làm văn”: là nghệ sĩ nghĩa là mang lấy kiếp con tằm đến thác vẫn nhả tơ, nghệ thuật phải hướng đến “chân, thiện, mỹ”… gần như lặp lại ở khá nhiều thí sinh.

  *****

Liệu những chiếc HCV Trần Hữu Trang (lần XI) này sẽ tiếp tục tỏa sáng hay nhanh chóng chìm vào quên lãng như không ít chiếc huy chương vàng những mùa trước thời cải lương khủng hoảng vẫn là “một câu hỏi lớn chưa lời đáp”. Và câu trả lời có lẽ vẫn còn rất xa xăm khi mà những chiếc HCV Trần Hữu Trang các kỳ trước, và những nghệ sĩ chuyên nghiệp vẫn điềm nhiên… hát nhép trong các đêm chung kết vừa qua!

Đêm trao giải Giải thưởng Trần Hữu Trang (lần XI) đã diễn ra ở Nhà hát Truyền hình TP.HCM vào tối 25/2. Kết quả: Không có giải Xuất sắc, mà có 9 HCV triển vọng được trao cho: Nguyễn Ngọc Quyền (Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9), Hoài Thanh (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Ngọc Đợi (Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu - Bạc Liêu), Phương Anh (Đoàn Cải lương Tây Đô - Cần Thơ), Hoàng Thái Hùng (Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau), Đào Vũ Thanh (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), Lê Thanh Thảo, Võ Minh Lâm, Phương Trần (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).

Đêm Gala đồng hành cùng Giải thưởng Trần Hữu Trang sẽ diễn ra tại Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ) vào ngày 2/3 tới.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm