Ca trù cắt suất vì bị… “tố”

01/02/2012 09:08 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Điểm diễn ca trù hằng đêm duy nhất ở Hà Nội do Giáo phường Ca trù Thăng Long tổ chức tại nhà cổ 87 phố Mã Mây đã thu hẹp quy mô sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động. Việc “xuống hạng” của điểm diễn này không phải bởi suy thoái kinh tế hay vắng khách, mà lý do là nhiều nhà dân xung quanh “tố khổ” với tổ dân phố vì bị “tra tấn”… lỗ tai hằng đêm…

Biểu diễn ca trù tại phố cổ Hà Nội

Giữa tháng 9/2011, Giáo phường Ca trù Thăng Long, do đào đàn Phạm Thị Huệ (hiện là giảng viên đàn tỳ bà tại Học viện Âm nhạc Quốc gia VN) làm chủ nhiệm, đã chính thức đỏ đèn hằng đêm tại nhà cổ 87 phố Mã Mây – Hà Nội. Chương trình “Ca trù trở lại” được các ca nương, kép đàn của Giáo phường thực hiện với hoài bão đưa ca trù trở về xã hội Việt Nam đương đại trong sự chờ đợi của những thính giả yêu ca trù trong nước và quốc tế. Chương trình từng có sự tham gia trình diễn của “ông trùm”, “bà trùm” nghệ thuật ca trù Thăng Long: nghệ nhân lão làng Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc. Cùng biểu diễn với 20 ca nương, kép đàn của Ca trù Thăng Long còn có đào nương Phạm Thị Mận và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến của làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh - Hà Nội). Chia sẻ hoài bão về chương trình, đào đàn Phạm Thị Huệ từng nói, việc duy trì điểm diễn hằng đêm không ngoài mong muốn để du khách khi đặt chân đến Hà Nội có thể tiếp cận với tinh hoa cổ nhạc của Việt Nam đã được cả thế giới ghi nhận.

Tuy nhiên, vừa gặp lại nghệ nhân Phạm Thị Huệ thì được chị cho biết, điểm diễn hằng đêm này đã thu hẹp quy mô chỉ còn ba buổi/tuần vào tối thứ Ba, Năm, Bảy.

Việc “xuống hạng” của điểm diễn này không phải bởi suy thoái kinh tế hay vắng khách, mà lý do là nhiều nhà dân xung quanh “tố khổ” với tổ dân phố vì bị tra tấn... lỗ tai hằng đêm... Theo lời chị Huệ, giữa năm ngoái, phố Mã Mây có một gia đình bị cháy nhà. Nhà cháy không được sửa, lại cứ nghe đàn hát não nề hằng đêm khiến chủ nhà phản ứng dữ dội. Thậm chí, một số hộ dân xung quanh còn bảo, nghe đàn, phách cứ như... kèn đám ma. Vì thế, để không gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của những hộ dân xung quanh, Giáo phường đã quyết định rút số buổi biểu diễn trong tuần. Đào đàn Phạm Thị Huệ bày tỏ, chị không lấy làm buồn vì điều đó bởi sắp tới, kế hoạch đưa ca trù vào lịch trình tour của các công ty lữ hành sẽ được triển khai. Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện ý tưởng này là chính các hướng dẫn viên hiện nay vẫn chưa hiểu, chưa yêu thích ca trù nên họ vẫn khá thờ ơ với di sản thế giới của dân tộc.

Dù bị thu hẹp quy mô biểu diễn, Giáo phường Ca trù Thăng Long đã “khai Xuân” khá sớm (từ 28/1, tức mùng 6 tháng Giêng ÂL) với ngâm thơ Thề non nước, làn điệu Hát nói, làn điệu Gửi thư, làn điệu 36 giọng... trong đó có phần tìm hiểu đôi nét về lịch sử và nhạc khí trong nghệ thuật ca trù và dùng trà. Chương trình bán vé đồng hạng: 200.000 đồng/người.

Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm