Vũ điệu chim công và tiếng hót họa mi

31/01/2012 10:30 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Hà Nội và TP.HCM hiện nay được xem là hai trung tâm và hai thị trường âm nhạc lớn nhất của cả nước. Năm 2011 và đầu năm 2012 hai thị trường này đang manh nha hình thành hai “trường phái” gần như đối lập nhau: nghe và nhìn. Sự phân khúc thị trường mang tính “vùng miền” này được xem là yếu tố tích cực để có thể hy vọng có những chương trình chuyên biệt, chất lượng cao phục vụ cho từng đối tượng công chúng.

14/2, chương trình Ngày chung đôi với hai cặp Hà Anh Tuấn - Phương Linh và Văn Mai Hương - Thanh Bùi diễn ra tại Bar Roof Top (83 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). 25, 26/2 tại khán phòng Ngụy Như Kon Tum (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội) với chương trình Không gian âm nhạc số 10 Bức thư tình chưa gửi (Tấn Minh và Uyên Linh). Dự kiến cuối tháng 3 Tiêu điểm âm nhạc sẽ thực hiện chương trình thứ hai của mình. Đó cũng là ba chương trình âm nhạc trong xu hướng khôi phục cái “nghe” đối trọng với thị trường âm nhạc TP.HCM đang bùng nổ yếu tố “nhìn”.

Phương Nam đất lành chim… múa

Các vũ đoàn tấn công sân khấu ca nhạc có thể nói khởi đầu là ở TP.HCM. Không phủ nhận rằng các màn múa minh họa đã làm cho các tiết mục ca nhạc thêm phần hấp dẫn, nhất là trong các show sự kiện cần sự hoành tráng, không thể thiếu vũ đoàn tháp tùng cùng các sao ca nhạc. Phong trào vũ đoàn minh họa nở rộ, đến mức có cả một live show riêng cho vũ đoàn (ABC show của vũ đoàn ABC vào tháng 8/2006 trong Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại TP Đà Nẵng).

Ca sĩ tuấn Ngọc trong chương trình Tiêu điểm âm nhạc Riêng một góc trời

Cho đến nay, sân khấu ca nhạc luôn có vũ đoàn nhảy múa tưng bừng, một live show ca nhạc tại TP.HCM hầu như không thể thiếu vũ đoàn. Vũ đoàn cũng tác động đến ca sĩ, đa số ca sĩ hiện nay khi trình diễn cùng vũ đoàn, họ nhảy múa cũng chẳng kém các vũ công, trong đó Hồ Ngọc Hà được xem là ca sĩ có vũ đạo điêu luyện vào bậc nhất hiện nay.

Có lẽ cũng từ chỗ minh họa múa tạo nên những hiệu ứng đặc biệt và vũ đoàn lâu ngày cũng trở thành quá đỗi bình thường với công chúng, những hiệu ứng về phần nhìn mang tính độc đáo, bất ngờ đã được chuyển qua khai thác bằng những “chiêu trò” sân khấu, từ clip chiếu trên màn hình LED đến mây mưa, khói lửa, dòng sông, tàu thuyền, xe ngựa… trên sân khấu, cho đến đỉnh điểm là máy bay (live show của Đan Trường) và phi thuyền (live show của Hồ Ngọc Hà), hoặc đu dây nhào lộn như diễn viên xiếc (Hồ Quỳnh Hương)… trong năm qua.

Có thể nói những live show tại TP.HCM trong những năm qua, yếu tố nhìn được đầu tư ngày càng nhiều và cũng vì vậy mà chi phí ngày càng cao và ca sĩ thực hiện live show dù thỏa thích “đã đời” nhưng phải gánh một khoản bù lỗ kếch sù… Bù lại họ đã đem đến cho người hâm mộ những chương trình ca nhạc giải trí hấp dẫn và ấn tượng.

Hà Nội gọi họa mi về nguồn

Có thể nói, nếu các show ca nhạc ở phương Nam hiện nay đang bị cuốn theo trào lưu nghe - nhìn thì ở Hà Nội hình thành một trào lưu khác: khước từ những “hoa hòe” trên sân khấu và chủ trương mang lại những chương trình âm nhạc đích thực.

Mở đầu cho trào lưu này là chương trình Âm nhạc trên tầng cao tại Bar Roof Top do nhạc sĩ Huy Tuấn làm đạo diễn, khởi động vào tháng 2/2011. Chương trình này khai thác những nghệ sĩ của từng dòng nhạc như: R&B (Hồ Ngọc Hà - Thanh Bùi), dance (Mỹ Tâm) semi classic (Mỹ Linh - Đức Tuấn), world music (Nguyên Lê - Tùng Dương)… Tuy trong không gian khiêm tốn khoảng 200 khách, một hoặc hai tháng thực hiện một lần, chương trình đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Sau Âm nhạc trên tầng cao, chương trình Không gian âm nhạc do ê-kíp Việt Tú - Thanh Phương - Chu Minh Vũ thực hiện ra đời vào tháng 4/2011. Mỗi tháng thực hiện một chương trình, chương trình này cũng chú trọng yếu tố âm nhạc như chương trình Âm nhạc trên tầng cao, mỗi cặp đôi nghệ sĩ được chọn là có những tương đồng trong con đường âm nhạc của mình: Tùng Dương - Lê Cát Trọng Lý cùng chung ý tưởng khám phá; Hà Trần - nhóm rock Ngũ Cung với chất liệu âm nhạc dân gian trong những tác phẩm; Tuấn Ngọc - Nguyên Thảo với giọng ca sâu lắng, trữ tình…

Không gian âm nhạc tọa lạc tại khán phòng Ngụy Như Kon Tum (khoảng 600-700 ghế), đã bước qua 9 chương trình và tạo một tiếng vang đáng kể trong đời sống âm nhạc của thủ đô.

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, chương trình Tiêu điểm âm nhạc do nghệ sĩ Hồng Kiên chủ trì với live show mở màn Riêng một góc trời (ca sĩ Tuấn Ngọc) vào tháng 1/2012.

Đây cũng là một chương trình để “nghe”, Tiêu điểm âm nhạc được xem là đánh dấu cột mốc hoạt động, là nơi người nghệ sĩ giãi bày với khán giả hành trình âm nhạc mà mình đã đi qua, khác với mục đích của hai chương trình đã nói trên và nó cũng không phải là chương trình tôn vinh nghệ sĩ như Con đường âm nhạc.

Cả ba chương trình nói trên đều với mục đích đem lại cho công chúng những vẻ đẹp đích thực của âm nhạc và đã mang lại những thành công bước đầu. Cả ba chương trình này không tiêu tốn nhiều tiền bạc vào chiêu trò sân khấu, giá vé khá cao nhưng cho đến nay cơ bản bán hết vé, nên hy vọng là nó sẽ trường tồn.

Hà Nội như đang mời gọi các họa mi về nguồn để cất cao giọng lảnh lót, thực hiện thiên chức của họa mi: đem tiếng hót hay đến cho đời, bên cạnh những vũ điệu của chim công đẹp mắt…

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm