"Phá tan" huyền thoại về đàn Stradivari

11/01/2012 13:56 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Những cây đàn violon hiệu Stradivari được cho là có âm thanh hay nhất thế giới. Nhiều nghệ sĩ violon hàng đầu thế giới đã chi hàng triệu USD để được sở hữu những cây đàn 300 năm tuổi này. Tuy nhiên, huyền thoại về những cây đàn này dường như đã chấm dứt khi sau một cuộc thử nghiệm mới đây, các nhạc sĩ thấy âm thanh của chúng không hề khác với những cây đàn hiện đại.

Thí nghiệm "độc chiêu"

Từ lâu, những cây đàn do gia đình Stradivari làm ra đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Nhiều nhạc cụ dây do Antonio Stradivari (1644-1737) làm đã khiến các nhà khoa học đau đầu và cố gắng tìm hiểu xem yếu tố gì đã khiến chúng có được âm thanh du dương tuyệt vời đến vậy.

Nhưng mới đây, nhà nghiên cứu Claudia Fritz thuộc trường ĐHTH Paris đã tiến hành cuộc thử nghiệm với 21 nghệ sĩ violon tham gia một cuộc thi quốc tế ở Indiannapolis, Mỹ. Kết quả là hầu hết các nghệ sĩ lại cho rằng nhạc cụ hiện đại có âm thanh hay hơn 3 cây đàn violon có giá nhiều triệu USD.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, Fritz đã kể rõ về quá trình thử nghiệm của mình và các đồng nghiệp.

Có 3 nhạc cụ hiện đại được để cùng các nhạc cụ 300 năm tuổi, gồm 2 cây đàn của Stradivari (được làm vào năm 1700) và 1 cây đàn của bậc thầy Italia khác - Guarneri del Gesu (được làm vào năm 1740). Các nghệ sĩ phải đeo kính của thợ hàn và đứng sau một tấm màn. Dưới những ánh đèn mờ, các nghệ sĩ chỉ nhìn thấy được hình dáng cây đàn chứ không phân biệt được đâu là đàn cũ, mới. Để các nghệ sĩ không nhận biết được mùi hương của các cây đàn, các nhà nghiên cứu đã xịt nước thơm lên phần tì cằm của chúng. Sau khi đã được chơi thử cả 6 cây đàn, các nghệ sĩ được yêu cầu đưa ra những cảm nhận về chúng, đặc biệt là chất lượng âm thanh.

Đáng kinh ngạc là hầu hết các nghệ sĩ đều thích âm thanh của các nhạc cụ hiện đại hơn là những cây đàn nổi tiếng, chỉ có 8 nghệ sĩ nói rằng họ thích âm thanh của các cây đàn Stradivari và Guarneri hơn.

Chỉ là yếu tố tâm lý

Tất nhiên, đây mới chỉ là kết quả thử nghiệm với một số ít cây đàn violon. Nhưng bà Fritz cho biết, tiến hành cuộc thử nghiệm lớn hơn quả không dễ vì “khó thuyết phục được những người sở hữu cho mượn những cây đàn đắt giá để cho những người lạ chơi thử”.

Song ông Kai-Thomas Roth, Thư ký của Hiệp hội làm đàn violon Anh, cho biết, họ cũng đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm mà trong đó cả những người có kinh nghiệm và các nghệ sĩ đều không được biết họ đang chơi đàn violon gì. Kết quả cho thấy, tất cả đều không phân biệt được âm thanh giữa một cây đàn violon hiện đại với cây đàn cổ.

“Thực ra người ta đã thêu dệt nên huyền thoại cho các cây đàn cổ. Nếu ai đó được trao một cây đàn hiệu Stradivari, nhưng nó không phát ra thứ âm thanh mà họ mong đợi thì họ sẽ đổ lỗi cho bản thân và chăm chỉ luyện tập. Nhưng nếu đưa cho họ một cây đàn violon hiện đại thì họ sẽ bỏ nó đi nếu như thấy âm thanh của nó không hay. Đó là tâm lý. Thực ra người làm đàn có tiếng cũng có thể làm ra những cây đàn không hay” - ông Roth nói.

Vén màn huyền thoại

Nhạc cụ của Stradivari vẫn được đánh giá là có âm thanh hay nhất và đã có nhiều giả thuyết giải thích cho âm thanh du dương của cây đàn.

Năm 2003, các nhà khoa học của các trường đại học Columbia và Tennessee ở Mỹ tuyên bố, do hiện tượng mặt trời giảm hoạt động trong thế kỷ 17, những mùa Đông lạnh hơn khiến cây cối chậm phát triển, do đó gỗ đặc hơn và nhờ vậy mà chúng có những đặc tính âm thanh tốt hơn. Từ đó đến nay hiện tượng thiên nhiên này không lặp lại.

Năm 2006, các nhà nghiên cứu khác của Mỹ lại đưa ra lập luận, sở dĩ nhạc cụ của Stradivari có âm thanh đặc trưng như vậy là do ông sử dụng một chất hóa học để diệt mọt và nấm. Cũng có ý kiến cho rằng, Stradivari và nhiều nghệ nhân khác đã dùng gỗ từ các nhà thờ cổ hoặc họ bổ sung một thành phần bí ẩn nào đó vào gỗ hoặc sử dụng các kỹ thuật đã bị thất truyền.

Song nhiều nhà làm đàn thời nay lại thấy những giả thuyết đó không thuyết phục và họ cho rằng chất lượng âm thanh của những cây đàn Stradivari hoàn toàn dựa vào kỹ năng làm đàn của ông. Hiện có khoảng 650 cây đàn violon, violoncell và viola hiệu Stradivari còn tồn tại.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm