Guitar Gala 2011: 55 nghệ sĩ cùng hòa tấu

30/11/2011 13:26 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, từ 8 đến 18/12/2011 sẽ diễn ra Guitar Gala 2011 tại Nhạc viện TP.HCM nhằm kỷ niệm 55 năm ra đời của guitar TP.HCM. Đây được xem là gala lớn nhất của guitar TP.HCM từ trước đến nay với khá nhiều hoạt động, quy tụ khoảng 60 nghệ sĩ guitar trong nước và nước ngoài.

Ngành guitar cổ điển TP.HCM ra đời cùng lúc thành lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (1956). Trong quá khứ, TP.HCM được xem là nơi có phong trào guitar mạnh mẽ và là nơi có nhiều guitarist tên tuổi từng đoạt giải thưởng hoặc làm giám khảo tại các cuộc thi, liên hoan guitar lớn của thế giới. Trong những năm gần đây phong trào guitar không được “nồng nhiệt” như xưa và gala lần này mong đem lại một sinh khí mới cho phong trào để nó có thể có một tương lai phát triển khả quan.

TT&VH có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Thanh Huy, Quyền trưởng khoa Guitar - Accordeone Nhạc viện TP.HCM, đồng thời là Phó trưởng ban tổ chức phụ trách chuyên môn và điều hành gala này.

“Tổng động viên” lực lượng guitar TP.HCM

Nghệ sĩ Thanh Huy

* Cũng có hội thảo, masterclass và nhiều buổi biểu diễn sao không gọi là festival mà gọi là gala?

- Trong festival, thường có giải thưởng hay nói nôm na là có thi thố, còn gala chỉ là một dịp hội tụ mà không có thi thố, giải thưởng, chính vì vậy mà chúng tôi chọn tên gọi gala cho phù hợp với hoạt động của mình. Việc tổ chức gala nó cũng đa dạng, như trong gala này ngoài hội thảo (mà thực chất là thuyết trình), có rất nhiều buổi masterclass, tuy nhiên cái chính của gala vẫn là biểu diễn.

* Trong hội thảo tại sao không giới thiệu về đàn guitar hoặc chuyên môn nghệ thuật mà giới thiệu những vấn đề liên quan đến sản xuất đàn guitar?

- Việc giới thiệu những vấn đề liên quan đến sản xuất đàn, thực ra nó chỉ là “tiền đề” cho buổi hội thảo, cung cấp cho mọi người những hiểu biết để chọn một cây đàn ưng ý, chất lượng cho mình. Điều hấp dẫn trong hội thảo này là nghệ sĩ Lê Hoàng Minh sẽ sẽ giới thiệu cây đàn stauffer - một trong những nhạc cụ tiền thân của đàn guitar - qua những tiết mục biểu diễn của mình.

* Anh có thể nói về lực lượng nghệ sĩ tham gia gala này?

- Ngoài nghệ sĩ Nhật Bản Kozo Tate, nghệ sĩ Việt Kiều Lê Hoàng Minh còn có sự tham gia của 7 nghệ sĩ đến từ Học viện Âm nhạc Huế và 1 nghệ sĩ từ Học viện Âm nhạc Quốc gia. Còn TP.HCM thì quy tụ gần như tất cả các nghệ sĩ thuộc các thế hệ hiện đang sinh sống tại đây, có thể nói đây là dịp tập hợp lực lượng guitar lớn nhất từ trước đến nay. Chúng tôi có mời các nghệ sĩ Huỳnh Hữu Đoan, Võ Tá Hân… ở Mỹ, nhưng rất tiếc họ không về tham gia được, họ cũng rất nhiệt tình và đã ủng hộ gala ở nhiều phương diện khác.

* Có vài nghệ sĩ gần như “gác kiếm” ít thấy xuất hiện trên sân khấu, liệu họ có bảo đảm được chất lượng biểu diễn?

- Cũng có vài người không biểu diễn trong các chương trình guitar, nhưng ngọn lửa đam mê của họ thì không tắt, theo tôi biết thì họ vẫn đánh đàn hàng ngày, có người biểu diễn thường xuyên tại… quán cà phê của mình…

Lên dây cót cho guitarist

* Trong chương trình 2 đêm chính của gala, có tiết mục với 55 nghệ sĩ guitar hòa tấu, theo anh điều đặc sắc của tiết mục này là gì, ngoài số lượng đông đảo?

- Tôi và nghệ sĩ Lê Hoàng Minh đã thảo luận để chọn một tác phẩm bảo đảm về chất lượng chuyên môn nhưng phù hợp với nhiều trình độ khác nhau để mọi người có thể cùng biểu diễn. Tiết mục này đã được phân nhóm nhỏ và tập gần nửa năm nay. Đây là một tổ khúc dân ca Brazil với nhiều sắc thái khác nhau: lãng mạn, vui nhộn, sâu lắng… Tiết mục hấp dẫn như thế nào có lẽ sẽ tùy cảm nhận của người nghe. Nhưng ý nghĩa lớn của nó là sự hòa hợp của cộng đồng guitar thuộc nhiều thế hệ và khá nhiều địa phương trong nước như: Hà Nội, Huế, TP.HCM, Đồng Nai, Cà Mau…

* Tại sao trong nhạc mục biểu diễn của các chương trình, ít thấy những tác phẩm Việt Nam?

- Có hai nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm Việt Nam là Châu Đăng Khoa (biểu diễn 2 tác phẩm do mình sáng tác) và Trần Hoài Phương biểu diễn bản Đàn chim Việt (Văn Cao) chuyển soạn cho guitar. Thật ra trong gala này chúng tôi để các nghệ sĩ tự chọn tác phẩm mà họ yêu thích để phát huy tối đa sở trường biểu diễn của họ.

* Theo anh lý do tại sao mà các guitarist ít chọn tác phẩm Việt Nam để biểu diễn, không những trong gala này mà trong các buổi biểu diễn guitar nói chung?

- Theo tôi có nhiều lý do, nhưng tựu trung có 2 lý do chính: các tác phẩm guitar Việt Nam đa số là chuyển soạn từ ca khúc hoặc các bài dân ca, với hình thức nhỏ nên khó có thể tạo một tác phẩm có tầm cỡ. Không những Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng vậy, số lượng người viết cho guitar khá nhiều và không phải tác phẩm nào cũng được các guitarist chọn vào nhạc mục biểu diễn của mình.

* Anh nhìn nhận thế nào về tình hình guitar hiện nay tại TP.HCM? Gala lần này có tác động thế nào đến tình hình biểu diễn guitar hiện nay?

- Trong 3  năm trở lại đây, tại Nhạc viện TP.HCM mới có học sinh guitar của TP.HCM, còn hơn 10 năm trước đó là không có học sinh nào của TP.HCM cả. Nói như vậy để thấy rằng sự quan tâm đến guitar trong một thời gian dài đã bị “thờ ơ”. Những buổi biểu diễn guitar cũng ít dần, có lẽ ngày ngay mọi người có nhiều loại hình giải trí khác mà ít quan tâm đến guitar?

Gala lần này trước hết là “xốc” lại tinh thần hào hứng của chính những người làm nghề, thông qua hoạt động này cũng góp phần quảng bá guitar đến rộng rãi công chúng, để guitar có thể có sự phát triển khả quan hơn trong tương lai.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Bình Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm