Cuộc sống thay đổi, MTV cũng thay đổi (Bài kết)

26/08/2011 07:00 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Được biết đến với vai trò đạo diễn nhưng hiện nay Nguyễn Phan Quang Bình kiêm luôn cả vai trò Giám đốc kênh UTV, tức kênh MTV Việt Nam. Ở vị trí lãnh đạo của MTV Việt Nam, vị giám đốc này dường như vẫn còn nhiều điều chưa bày tỏ hết.

* Câu hỏi đầu tiên là một sự than phiền mà tôi để ý thấy trên các diễn đàn âm nhạc, MTV phiên bản Việt quá ít nội dung Việt, thực chất nó là MTV châu Á, cộng thêm việc âm thanh không được tốt, hình ảnh không rõ. Một sự khởi đầu chưa thuận lợi lắm, anh có nghĩ vậy không?

- MTV chính thức Việt hóa vào ngày 1/7 để kịp ra mắt cùng ngày với chiến dịch thay đổi logo mới của kênh MTV trên toàn thế giới. Tuy nhiên công tác Việt hóa được chia làm nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên là Việt hóa mắt chương trình hàng ngày MTV Thích mê với các ca khúc quốc tế và dịch thuật và làm phụ đề hai chương trình My Super Sweet SixteenMTV Crib. Giai đoạn hai sẽ dần dần tăng các nội dung Việt.

MTV không tập trung nhiều về số lượng và sẽ đi vào chất lượng của các video clip Việt Nam hơn. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, khi chuyển đường truyền kênh thu từ vệ tinh sang đường truyền cáp tại Việt Nam và phải kết hợp rất nhiều đài truyền hình nên chất lượng về âm thanh và hình ảnh chưa được rõ. Chúng tôi đã làm việc với các đài truyền hình trả tiền để nỗ lực khắc phục và hiện việc này đã được giải quyết xong. Duy chỉ có một số khu vực truyền hình cáp của VCTV bị nhiễu sóng với VTC nên chất lượng hơi bị nhiễu. Chúng tôi đang làm việc với VCTV để cố giải quyết tình trạng này. Với các hệ thống cáp khác chất lượng hệ thống đã ổn định.

Giám đốc UTV Nguyễn Phan Quang Bình

* Là một nhà quản lý tất nhiên sẽ có những cách nói an toàn cho chương trình của mình. Nhưng với tư cách cá nhân, mà vốn là một người rất mê nhạc, anh đánh giá phiên bản Việt của MTV thế nào?

- Hiện tại thực sự là quá sớm để nói về nội dung Việt hóa của kênh do giai đoạn đầu của việc Việt hóa mới chỉ chủ yếu là chuyển giao hệ thống phát sóng từ Singapore sang Việt Nam, đào tạo nhân sự, dịch thuật, làm phụ đề một số chương trình và phát sóng chương trình nhạc quốc tế theo yêu cầu của khán giả Việt. Tôi nghĩ mọi người nên chờ xem chương trình Made in Vietnam lớn đầu tiên của kênh - Giải thưởng video âm nhạc Việt 2011 sẽ được phát sóng từ ngày 18/9 để tự mình đánh giá phiên bản Việt của MTV.

* 14 năm sau lần xuất hiện đầu tiên trên VTV3, đến giờ MTV mới chính thức có kênh riêng tại Việt Nam. Theo anh, vì sao đang là một người đi đầu tạo nên rất nhiều dư luận, có rất nhiều cơ hội để trở thành kênh âm nhạc đầu tiên của Việt Nam mà giờ đây MTV lại trở thành một trong những người sau cùng? Chắc hẳn phải có nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là vì cái tên MTV?

- Quá trình đưa phiên bản Việt của MTV tới Việt Nam không phải là một quá trình đơn giản và ngắn hạn. Với chúng tôi, quan trọng nhất không phải là đầu tiên mà quan trọng nhất là bạn có thể làm được gì. MTV là một thương hiệu lớn, nên chính sách của công ty là không vội vàng. Nếu bạn nhìn ra các thương hiệu lớn trên thế giới trước khi họ bước chân chính thức vào một thị trường nào đó thì quan trọng là thị trường đó đã đủ lớn hay chưa chứ không quan trọng là đầu tiên.

Thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay đã bắt đầu phát triển đủ lớn, ngoài ra chính sách của Nhà nước về việc Việt hóa các kênh truyền hình trả tiền vào thời điểm này là những điều kiện thuận lợi để một kênh MTV Việt hóa được chính thức ra đời. Điểm mạnh của kênh MTV là có những cơ hội được tiếp cận với những nội dung cập nhật nhất tại những thị trường âm nhạc hàng đầu thế giới với thời gian ngắn nhất, ví dụ như vừa rồi khi ca sĩ Amy Winehouse qua đời, MTV là kênh truyền hình âm nhạc duy nhất có chương trình đặc biệt về cuộc đời và sự nghiệp của cô với những clip độc quyền chỉ MTV mới có. Chương trình đã được Việt hóa rất kịp thời và được phát sóng trên kênh MTV Việt Nam với bản được lồng tiếng Việt để khán giả được xem những thông tin về ca sĩ này trong thời điểm nóng nhất.

* Ở một thị trường có 3 triệu thuê bao và có tới 25 triệu người xem dưới 30 tuổi và cũng có cả một thị trường âm nhạc chưa chuyên nghiệp, theo anh đó là một cơ may hay là một khó khăn thách thức cho MTV Việt Nam?

- Tôi cho rằng đây vừa là cơ may mà cũng là một khó khăn thách thức không phải chỉ cho MTV Việt Nam mà cho tất cả những người làm nghề khác.

* SCTV, hệ thống cáp có người dùng rất nhiều tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM, hiện không thấy có mặt MTV mà chỉ có mỗi Yeah 1 và YanTV. Hình như có một thỏa hiệp nào đó ở đây hay thật sự MTV chưa chen chân vào được?

- Chúng tôi hy vọng trong thời gian gần khán giả của SCTV sẽ được xem kênh MTV Việt hóa. Ngoài ra, đối tác của MTV tại Việt Nam là VCTV, cũng là đối tác của SCTV.

* Về nội dung âm nhạc của MTV Việt thì đường đi của một bài hát nước ngoài muốn lên sóng sẽ phải qua những thủ tục nào, thưa anh?

- Chính sách của MTV là chiếu những ca khúc “hot” nhất, được khán giả quan tâm nhất và những ca khúc mới hay nhất theo đánh giá của những chuyên gia về âm nhạc của MTV. Vì vậy một ca khúc, cả trong nước lẫn nước ngoài, muốn phát sóng trên kênh MTV thì chỉ cần nằm trong 2 tiêu chí trên.

* Dân mê nhạc dạo gần đây khá sốc với những clip của Lady Gaga được phát trên sóng mà không cắt cúp gì cả, khác hẳn những kênh khác ở Việt Nam, có vẻ như MTV Việt được biên tập thoáng và cởi mở hơn?

- Lady Gaga là một ca sĩ lớn, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới và là một ca sĩ có nhiều hoạt động với MTV toàn cầu, vì vậy MTV châu Á cũng như MTV Việt Nam sẽ có nhiều ca khúc cũng như những chương trình đặc biệt về ca sĩ này.

* Thời lượng 2 tiếng/ngày cho những chương trình Việt hóa trên MTV rõ ràng là quá ít, những bước kế tiếp để làm đầy hơn nội dung là gì thưa anh? Bên cạnh đó, việc Việt ngữ hóa những tên chương trình tiếng Anh vốn rất nổi tiếng như MTV Most Wanted thành MTV Thích mê có vẻ không được thuận tai cho lắm?

- Trong khoảng 1 năm sắp tới MTV sẽ được Việt hóa hoàn toàn 24/24 tiếng chia theo từng giai đoạn. Việc Việt hóa tên các chương trình MTV đặt ra tiêu chí không dịch sát nghĩa từ tiếng Anh mà phải mang được không khí của chương trình cũng như không khí của giới trẻ Việt Nam. Đơn giản MTV Thích mê là một chương trình ca khúc phát theo yêu cầu - những ca khúc nào các bạn trẻ Việt Nam “thích mê” có thể yêu cầu MTV phát…

* MTV (hay những chương trình âm nhạc khác ở Việt Nam) đều có một cách thức như những chương trình âm nhạc ở nước ngoài, đó là âm nhạc thì ít mà show thực tế lại nhiều. Anh có so sánh nào với MTV trước đây và bây giờ, cá nhân anh thích thời kỳ nào và ở vị trí lãnh đạo, anh muốn MTV Việt Nam mang màu sắc nào?

- Trước đây MTV là một kênh truyền hình về âm nhạc. Nhưng những năm gần đây do công nghệ thay đổi, sở thích của người nghe cũng thay đổi… và MTV cũng thay đổi. Thanh niên hơn 30 năm trước đây khác với thanh niên ngày hôm nay. Và nếu như bạn nhìn vào logo mới của MTV, nó không có chữ Music Television nữa mà chỉ có MTV thôi. MTV ngày nay không chỉ có âm nhạc mà còn đề cập đến tất cả những vấn đề mà giới trẻ quan tâm như điện ảnh, thời trang, những chương trình tìm kiếm tài năng hay truyền hình thực tế… những câu chuyện từ góc nhìn của giới trẻ trên thế giới và ở Việt Nam. Tôi nghĩ không quan trọng việc mình thích gì mà quan trọng khán giả trẻ muốn gì. Khi làm MTV tại Việt Nam, những người làm sẽ thực hiện các chương trình sao cho MTV Việt Nam mang được hơi thở của thời đại, giúp giới trẻ được cập nhật nhất với các xu thế và thẩm mỹ âm nhạc trên toàn thế giới để không bị tụt hậu và cũng như giới thiệu được những thể loại âm nhạc hay và có gu thẩm mỹ, đáp ứng những gì giới trẻ cần.

* Cảm ơn anh.

Việt Cường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm