Giai điệu mùa Thu 2011: "Nỗi niềm" opera

22/08/2011 10:29 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Đêm 19/8, kết thúc opera Cavalleria Rusticana đồng thời cũng là kết thúc 3 đêm diễn của chương trình Giai điệu mùa Thu 2011. Khán giả đã đứng dậy vỗ tay thật lâu như tiếc nuối những đêm nhạc hiếm hoi mỗi năm chỉ có một lần. Đèn nhà hát bừng sáng và hoa tràn ngập sân khấu, có lẽ đó là giây phút hạnh phúc nhất của những nghệ sĩ nghệ thuật hàn lâm…

Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đạt được, để Giai điệu mùa Thu trở thành một không gian thưởng thức nghệ thuật đúng nghĩa vẫn còn nhiều “nỗi niềm” mà nhà tổ chức cũng như những người đến tham dự còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Những điểm sáng…

Nhiều năm nay, những nghệ sĩ Việt Nam từ nước ngoài về, hoặc nghệ sĩ khách mời nước ngoài thường là nhân tố tạo nên sự hấp dẫn cho Giai điệu mùa Thu. Năm nay nó cũng không là ngoại lệ: nghệ sĩ violin Sergei Sivolgin đến từ Nga rất điêu luyện và tinh tế, đặc biệt đáng nói là anh đã thể hiện tác phẩm Việt Nam với một cảm xúc rất... Việt Nam. Những nghệ sĩ múa đương đại như Samuel Lefeure (Pháp), Francesca Imoda (Bỉ) cùng với Bùi Ngọc Quân và Quách Phương Hoàng trong tiết mục múa đương đại Từ trường đã đem đến cho khán giả những cảm xúc mới mẻ, hiện đại của nghệ thuật múa.

Nghệ sĩ khách mời tạo sự hấp dẫn cho Giai điệu mùa Thu.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả, như BTC công bố, Giai điệu mùa Thu năm nay hướng đến yếu tố “nội lực”. Chỉ huy Trần Vương Thạch đã lùi lại phía sau, chúng ta thấy Trần Nhật Minh, Nguyễn Anh Sơn, những tài năng trẻ về chỉ huy đã dần trưởng thành và đảm đương những trọng trách nghệ thuật khá thành công.

Năm nay chương trình cũng đã giới thiệu trọn vẹn 2 tác phẩm khí nhạc lớn của 2 nhà soạn nhạc trẻ Vũ Việt Anh (giao hưởng Vàng son) và Nguyễn Mạnh Duy Linh (Concerto cho violin và dàn nhạc)... Đó là lực lượng cơ bản của một nền nghệ thuật hàn lâm và có lẽ đó là điểm sáng đầy hy vọng cho tương lai...

Dàn hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc trong đêm 19/8 đã góp phần làm “mê hoặc” những ai chưa yêu thích hợp xướng. Vẻ đẹp của giọng hát, phong cách biểu diễn tươi trẻ, hồn nhiên và sinh động đã chinh phục toàn bộ khán phòng. Nhiều tràng pháo tay, tiếng vỗ tay bắt nhịp theo bài hát khi họ hát những bài hát của Việt Nam đã cho thấy rằng nếu biểu diễn hiệu quả, thì hợp xướng cũng chinh phục được đông đảo mọi người, nó không phải là cái gì khó nghe, khó cảm nhận.

Dàn hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc

Còn đó những “nỗi niềm”

Không những chương trình Giai điệu mùa Thu năm nay mà cả những năm trước đều được đánh giá là những chương trình nghệ thuật hàn lâm có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc lấp đầy khán phòng Nhà hát TP.HCM dường như là điều... không tưởng! Năm nay cả 3 đêm chưa có đêm nào khán phòng đầy ắp khán giả...

Trước đây, trong những chương trình hòa nhạc cổ điển, những tiếng chuông điện thoại di động, hoặc nói chuyện điện thoại ngay trong khán phòng hòa nhạc làm mọi người khó chịu, những điều này giờ đây dường như đã được khắc phục. Nhưng một “thảm họa” mới lại xuất hiện: chụp hình.

Khi nghệ sĩ và khán giả đang thả hồn theo điệu nhạc du dương (nhất là những đoạn solo với sắc thái rất khẽ), những tiếng “tít, tít” “lách cách” của máy chụp hình hiện đại sẽ trở thành những tiếng “loạch xoạch” rất phản cảm, phá vỡ không gian âm nhạc huyền ảo mà mọi người đang thưởng thức.

Đêm 17/8 trong chương trình hòa nhạc giao hưởng, một khán giả có lẽ là quá bức xúc, sau khi kết thúc một tiết mục đã đứng dậy nói lớn, cả khán phòng đều nghe, đại ý: Những người chụp hình phải có ý thức, không thể bừa bãi như thế được, (rồi anh ta nhấn mạnh) không thể được! Có thể nói đó cũng là “điểm nhấn” của Giai điệu mùa Thu năm nay! Hy vọng rằng những người chụp hình và cả BTC nên tính đến một phương án để bảo đảm không gian âm nhạc cho những đêm biểu diễn nghệ thuật hàn lâm.

Trong đêm 19/8 - đêm hợp xướng và nhạc kịch - một khán giả lớn tuổi tâm sự: Tôi đi để xem một vở opera như thế nào, nhưng họ chỉ đứng hát chứ đâu biểu diễn nhạc kịch. Đoàn nhạc kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch được thành lập vào năm 2005 (cùng năm bắt đầu chương trình Giai điệu mùa Thu), nhưng trong suốt 7 mùa Giai điệu mùa Thu vừa qua, Nhà hát vẫn chưa thể biểu diễn một vở nhạc kịch đúng nghĩa.

Một nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch (opera), ngoài giọng hát họ còn phải biết vũ đạo, diễn kịch trên sân khấu, nhưng các nhạc viện của chúng ta trong thời gian qua và hiện nay, gọi là đào tạo opera cũng chỉ chủ yếu là hát. Đó là chưa kể đến phục trang, cảnh trí sân khấu, hiệu ứng ánh sáng... Vì thế nói nhạc kịch là môn nghệ thuật tổng hợp của nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau mà trong đó âm nhạc đóng vai trò chính yếu.

Để biểu diễn một nhạc kịch đúng nghĩa, có lẽ đó là “nỗi niềm” lớn của Nhà hát và cũng là nỗi niềm của một bộ phận công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm...

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm