Hội ngộ đàn tranh lần 2: Bước chuyển mình của tiếng đàn Việt

23/07/2011 13:29 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vào lúc 19h30 ngày 23/7, tại Cung Văn hoá Lao động TP.HCM, CLB Tiếng hát quê hương sẽ tổ chức đêm Hội ngộ đàn tranh lần 2. Tham gia hội ngộ có nghệ sĩ Vân Ánh (giải Nhất Nhạc hội đàn tranh châu Á, 1995) trở về từ Mỹ. Chương trình lần này có nhiều tác phẩm mới và đặc biệt bên những tác phẩm truyền thống còn có những tác phẩm đương đại.

1. Trong số những nhạc cụ âm nhạc phương Đông, đàn tranh được đánh giá là khá phổ biến. Tuy mang những tên gọi khác nhau như kayagum (Hàn Quốc) koto (Nhật Bản), guzheng (Trung Quốc) và đàn tranh (Việt Nam) nhưng đều có sức sống lâu bền, là nét đẹp văn hoá và đan hoà vào tiếng đàn là đời sống tâm linh, tinh thần của mỗi dân tộc.

Ở Việt Nam, đàn tranh có mặt trong dàn nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ và nhã nhạc cung đình Huế với những âm điệu khác nhau nhưng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Nghệ sĩ Hải Phượng - giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh 1992

Cung Văn hoá Lao động TP.HCM đã tổ chức thành công 3 cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh vào các năm 1992, 1995 và 1998. Tiếp nối thành công từ 3 cuộc thi là Nhạc hội đàn tranh châu Á được tổ chức vào 2000 và 2008 đã gây tiếng vang rộng khắp trong và ngoài nước, và hiện tại, Cung Văn hoá Lao động TP.HCM đang có kế hoạch sẽ tiếp tục tổ chức Nhạc hội đàn tranh châu Á lần thứ 3 vào năm 2012 và dự kiến sẽ tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần.

Bên cạnh Nhạc hội là các chương trình Hội ngộ đàn tranh. Đêm Hội ngộ lần 1 đã được tổ chức vào cuối tháng 10 năm 2010. Và, vào lúc 19h30 ngày 23/7 này, chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 2 sẽ đánh dấu bước chuyển mình của tiếng đàn Việt với những bản phối mới, mang âm hương đương đại, có tiết tấu của rock, jazz và phong cách biểu diễn phá cách của các nghệ sĩ. 

2. Chương trình Hội ngộ đàn tranh gồm 2 phần: Phần 1 gồm là những tiết mục truyền thống gồm: Hòa tấu dàn nhạc Lưu thủy Kim tiền Xuân phong Long hổ (nhạc thính phòng miền Trung) và độc tấu đàn tranh với dàn nhạc Mùa Thu quê hương (sáng tác Phạm Thúy Hoan). Phần 1 còn có phần độc tấu của nghệ sĩ Hải Phượng với 4 tiết mục, đáng chú ý trong đó có Thoáng quê hương do chính Hải Phượng sáng tác và Cơn lốc của Minoru Miki (Nhật Bản).

Phần 2 gồm tạm gọi là “đương đại” do nhóm Mặt trời đỏ biểu diễn và phần biểu diễn của nghệ sĩ Vân Ánh. Trong 6 tiết mục biểu diễn của Vân Ánh, có khá nhiều sáng tác hoặc hòa âm của nhạc sĩ Đỗ Bảo với những tác phẩm dành riêng cho đàn tranh. Đặc biệt có bài Qua cầu gió bay do Nguyên Lê hòa âm cho đàn tranh, đàn bầu và giọng hát.

Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương sẽ hoà quyện trong ước muốn thổi lên ngọn lửa đam mê với việc thưởng thức, biểu diễn và sáng tác bằng nhạc cụ dân tộc. Các nghệ sĩ sẽ chứng minh nhạc cụ dân tộc có sức biểu cảm không thua kém các loại nhạc cụ khác. Đặc biệt, chương trình cũng vẫn được sự đồng hành của GS.TS Trần Văn Khê, dù tuổi cao sức yếu, GS vẫn sẽ đến dự và truyền lại những kinh nghiệm quý giá của mình cho thế hệ trẻ.

Vũ Thị Thùy Dương - BM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm