Nguyên Lê người lạ hay quen?

13/07/2011 07:25 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Tin nóng đang lan trong giới mê nhạc: nghệ sĩ nhạc Jazz danh tiếng người Pháp gốc Việt Nguyên Lê sẽ biểu diễn cùng ca sĩ Tùng Dương vào hai tối 12 - 13/7 tại Hà Nội. Nguyên Lê, cái tên mà khi nhắc tới thì bất cứ một nhạc công chuyên nghiệp nào ở Việt Nam đều gật đầu nói rằng: Biết. Nhưng biết thật sự Nguyên Lê và âm nhạc Nguyên Lê thì không hẳn đã nhiều…

Nguyên Lê là ai?

Khó có thể xác định một cách cụ thể. Chỉ biết rằng, trong tiềm thức của nhiều người, vào quãng năm 1997-1998 trong giới nhạc chuyền tay nhau CD (có nơi là băng cassette) kèm theo lời tán dương đầy phấn khích về những âm thanh phát ra từ đó. Ngoại trừ một số ít nhạc sĩ, nhạc công biết rõ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm này, đa phần số còn lại hăm hở mang về nghe để rồi vô cùng thích thú và ngạc nhiên đến mức quên cả tìm hiểu chủ nhân của nó. Thích thú và ngạc nhiên vì lúc ấy những làn điệu như Bèo dạt mây trôi, Qua cầu gió bay, Trống cơm, Lý ngựa ô, Lý cây đa… đa phần là phát trên đài phát thanh, trên vô tuyến hoặc diễn ra ở các cuộc thi văn nghệ quần chúng với cách thức hết sức quen thuộc và đều đều, nay bỗng lột xác trở nên cuốn hút với những phách đảo của bộ gõ hiện đại, những âm thanh điện tử đặc trưng Tây phương đan xen các nhạc cụ dân tộc và giọng hát Việt Nam không lẫn vào đâu. Thế còn quên cả tìm hiểu chủ nhân của nó? Có lẽ do đói thông tin và những lầm tưởng rất ngô nghê. Trong CD mà họ được nghe, những âm thanh synthesizer đi đồng âm với saxophone, một số đoạn hợp âm dịch chuyển lên xuống ở quãng hai thứ cùng với những câu chạy của guitar theo thang âm nửa cung và toàn cung luân phiên (half-whole) khiến họ liên tưởng tới Chick Corea (một nghệ sĩ mà Nguyên Lê từng trả lời phỏng vấn trên tạp chí Down Beat rằng anh rất thích). Thế là một số cho rằng CD này là ban nhạc của Chick Corea chơi và lấy chất liệu dân gian Việt Nam làm vốn để phát triển. Có thể nhiều người buồn cười nhưng vào thời điểm đó, báo chí Việt Nam viết về những ban nhạc hay những nghệ sĩ như Chick Corea rất ít. Internet thì vẫn còn bập bõm. Cùng với một chút mơ mộng và mong mỏi để có cái tự hào nên sự nhầm lẫn của một bộ phận những người chơi nhạc lúc ấy cũng có thể hiểu được.

Nhưng rồi mọi người cũng biết Nguyên Lê, một Việt kiều sống ở nước ngoài. Nếu là một nghệ sĩ phương Tây có thể mọi việc sẽ diễn ra vẫn theo trình tự vốn có. Đó là nghe để mở mang, để cập nhật, học hỏi… Nhưng là một nghệ sĩ, nhạc sĩ Việt (tạm gọi như thế) thì lại khác. Nó mang lại sự kích thích, khích lệ, đánh động vào lòng tự tôn. Mình cũng là người Việt, có lẽ mình cũng làm được điều gì đó chứ. Nhất là mình đang ở trong lòng cái mỏ mà quơ tay một cái là lấy ngay được một chất liệu dân ca. Thế là thay vì chỉ nghe để thấy thích thú, giờ đây họ còn thâm nhập vào từng cung quãng, từng hợp âm để tìm hiểu xem sự độc đáo nằm ở đâu. Có nhạc sĩ từng thổ lộ rằng, trong trạng thái lâng lâng, anh có thể đọc ra từng bè của những bản nhạc Nguyên Lê chơi.

Quen mà lạ

Cho dù là nghệ sĩ gốc Việt, nhưng ngoài cái tên và khuôn mặt Việt Nam ra, Nguyên Lê còn gì Việt nữa? Chắc cũng không nhiều. Anh sinh ra tại Pháp, sống tại Pháp. Còn với Việt Nam, anh về được một đôi lần. Theo những người đã từng tiếp xúc thì tiếng Việt anh cũng không nói được. Nghĩa là ở anh có rất ít ký ức về gốc gác, không có những tháng ngày tuổi thơ để lưu giữ thành kỷ niệm Việt, không được sống giữa những chuyển động của văn hóa quê hương. Những thứ mà theo nhiều người là rất quan trọng với việc chuyển tải âm nhạc dân gian. Nói cách khác, anh là người phương Tây thứ thiệt. Vậy sao anh làm nhạc dân gian Việt Nam tài tình thế, hồn vía không lẫn vào đâu. Người nghe có thể cảm thụ qua cánh cửa của dân gian Việt Nam cũng được, hay cảm thụ theo lối âm nhạc phương Tây cũng được.

Với một người quan sát âm nhạc dân gian Việt Nam từ xa, có lẽ, anh nhìn mọi thứ rõ ràng mạch lạc theo cách riêng của mình. Giống như hiện tượng một nhóm người hút thuốc trong phòng, với họ, không khí rất bình thường. Nhưng một người từ ngoài mở cửa phòng bước vào. Chắc chắn mùi khói thuốc xông lên sẽ khiến người này cảm nhận được ngay. Phải chăng Nguyên Lê cảm nhận những làn điệu Bắc, Trung, Nam đậm đặc theo một nguyên lý như vậy? Vả lại, sự ít cọ xát về đời sống văn hóa tạo cho anh tập trung hơn vào cung quãng, vào sự luyến láy của các làn điệu để nhận ra cái độc đáo, tinh tế của chúng mà không bị chi phối bởi những yếu tố như sự trang nghiêm, tính e lệ, hoặc giả như cái này phải ở lễ hội này hay cái kia phải vào cuộc gặp kia… Những thứ mang nặng tính nghiên cứu để dạy trong trường học, với anh, tất cả chỉ là cao độ, nhịp phách. Sự kết hợp phóng khoáng, thoải mái, đầy sáng tạo được hỗ trợ từ cái “quan sát từ xa” đó khó có thể có ở những nhạc sĩ “bên trong”. Họ thường chùn tay bởi những định kiến như “bóp méo nhạc dân gian” hay “lai căng”…


Bìa album đầu tiên của Nguyên Lê được biết đến ở Việt Nam

Trong gia sản âm nhạc của Nguyên Lê có rất nhiều dự án, nhiều CD đã phát hành, trong đó rất nhiều chất liệu của các quốc gia được sử dụng: Algerie, Maroc, Ấn Độ, Trung Quốc… Ở Việt Nam, khi nhắc tới Nguyên Lê người ta thường mường tượng ra những tác phẩm kết hợp với nhạc cổ truyền Việt Nam. Đó cũng là sợi dây kết nối giữa Nguyên Lê và nhiều nhạc sĩ, nhạc công trong nước. Tiêu biểu phải kể đến 2 CD Fragile Beauty Huong Thanh & Nguyen LeTales From Vietnam. Trong đó Tales From Vietnam chính là CD mà phần đầu bài viết đã nhắc đến. Trong CD này, những Qua cầu gió bay, Người ở đừng về, Trống cơm, Lý cây đa… được trình bày hết sức bất ngờ. Những màu sắc dân gian được vang lên bằng những nhạc cổ sáo trúc, nguyệt, tranh, bầu... Bộ gõ rất phong phú, bên cạnh đó có những nhạc cụ điện tử. Guitar thì do chính Nguyên Lê chơi. Gần như toàn bộ các tác phẩm trong CD này đều chú trọng tiến hành các tuyến giai điệu theo chiều ngang. Tức là ít khi dùng hợp âm. Đó cũng là nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Các tuyến giai điệu đó chồng lên nhau và cùng chuyển động. Có lúc là giọng hát với đàn tranh rất thuần Việt, có lúc là giọng hát với những câu TUTI (tất cả chơi giống nhau) của dàn nhạc điện tử. Trong đó giọng hát vẫn là làn điệu dân ca quen thuộc còn dàn nhạc chơi cùng với lối đối vị bằng những thang âm mang âm hưởng nhạc Jazz. Đặc biệt những đoạn phát triển của dàn nhạc điện tử dựa trên chất liệu chủ đề được chia nhỏ rồi xen vào những chùm âm làm người nghe như cảm thấy một nghệ sĩ đang ngẫu hứng nhưng thực chất có hai hay ba nhạc cụ chơi đồng âm. Điều đó chứng tỏ bản nhạc được biên soạn chặt chẽ, trái với những chủ đề dân gian được trình tấu lúc đầu là thiên về trạng thái tự do và là đặc điểm chung của âm nhạc dân gian Việt Nam.

Không ở Việt Nam, không nói được tiếng Việt, nhưng nhạc Việt trong thế giới của Nguyên Lê Việt Nam đến ngỡ ngàng.

Không thể không nhắc tới tiếng đàn guitar của Nguyên Lê, ngoài những cách chơi thông dụng, anh còn dùng thang âm và cách nhấn nhá của vọng cổ để làm thành phong cách đánh riêng. Anh dùng nó vào cả những bài âm hưởng Bắc bộ (chỉ phảng phất). Đặc biệt trong dự án Nguyen Le “The Jimi Hendrix Project”, anh chơi những bản nhạc, ca khúc của Jimi Hendrix với lối đánh vọng cổ như ở trên. Hay trong CD mới nhất Songs Of Freedom, nhạc phẩm I Wish của Stevie Wonder được anh cùng ban nhạc chơi lại với đoạn guitar dạo đầu với cách nhấn của đàn phím lõm rất thú vị…

Ngày 12/7 này, trong chương trình Music On The Roof do nhạc sĩ Huy Tuấn tổ chức tại tòa nhà Pacific (Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Nguyên Lê sẽ chơi những bản nhạc nằm trong gia sản âm nhạc của anh. Đặc biệt sẽ có ca khúc Giăng tơ (Lưu Hà An) do Tùng Dương trình bày được Nguyên Lê phối khí hứa hẹn nhiều thú vị. Đồng hành cùng anh còn có tay trống Quốc Bình, Hồng Kiên (saxophone), Tuấn Nam (piano), Vũ Hà (bass) và Vân Ánh (đàn dân tộc), những tên tuổi hàng đầu trong giới nhạc công Hà Nội. Nguyên Lê sẽ chơi với những nghệ sĩ Việt Nam 100%. Vậy những bản nhạc đó sẽ Việt hơn hay Tây hơn?

Khanh Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm