Cô gái 8X “bỏ nhà” theo Xẩm

20/04/2011 14:00 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Tôi gặp cô gái 8X Nguyễn Thị Phương trong khi “hiện tượng Uyên Linh” vẫn tràn trên mặt báo, giọng alto nữ (nữ trung) hiếm có trong thanh nhạc này đã chọn cho mình một lối đi được xem là “lạc hậu” với nghề ca hát và người trẻ hôm nay: xẩm. Trò chuyện với Phương, tôi ngỡ ngàng trước tình yêu bản nhiên của cô với xẩm.

Học chuyên ngành điện công nghiệp của Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, song Nguyễn Thị Phương lại thích ca hát, ở trường tham gia đội văn nghệ, ở thôn xóm cũng là người tổ chức các chương trình văn nghệ. Phương cũng hát những bài nhạc trẻ thịnh hành, cũng thần tượng ca sĩ này ca sĩ khác, nhưng lần nào được thi hát cô cũng chọn dân ca quan họ Bắc Ninh, dàn dựng tiết mục văn nghệ cho các em thiếu nhi trong xóm cũng vẫn là những bài dân ca trong sáng, tươi vui.

Theo tiếng gọi trái tim

Không xin được việc theo đúng chuyên ngành học, Phương cũng lăn lóc kiếm tiền nhưng chẳng việc nào cô làm trọn vẹn, cứ giữa chừng lại chán, lại bỏ dở đi làm việc khác. Duy chỉ có việc học các làn điệu quan họ, dân ca, xẩm, chầu văn qua băng đĩa là Phương miệt mài, ngày nào nghe và học cũng thấy thú vị, nghe đi nghe lại nhiều lần vẫn thấy là chưa đủ. Rồi sang Bắc Ninh, nghe quan họ cổ không nhạc đệm, nghe giọng hát vang, rền, nền, nảy của các liền anh liền chị Kinh Bắc, cô gái tuổi Ất Sửu cứ mê mẩn như bị bắt mất hồn.

Năm 2008, với mong muốn xẩm được hồi sinh, một nhóm các nghệ sĩ tâm huyết với xẩm đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển âm nhạc Việt Nam, mọi kinh phí hoạt động đều từ tiền túi của các thành viên. Những nghệ nhân xưa đều ở tuổi gần đất xa trời, hát xẩm lại bị gián đoạn suốt một thời gian không ngắn nên việc tìm những người trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này để đãi cát tìm vàng là điều quan trong nhất. Thời gian ấy Phương đang cùng bạn mở một trung tâm chăm sóc sắc đẹp ở Uông Bí (Quảng Ninh), thu nhập khá nhưng thi thoảng các liền anh liền chị cho đi biểu diễn cùng là cô lại bỏ việc, bỏ cửa hàng đi hát.

Nguyễn Thị Phương trên sân khấu xẩm

Một liền chị cho Phương biết Trung tâm Nghiên cứu và phát triển âm nhạc Việt Nam chỗ nhạc sĩ Thao Giang đang cần tìm người yêu mến loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Lúc ấy con đường mơ hồ bấy lâu nay trong đầu cô đã bắt đầu rõ nét. Nhưng chọn việc kinh doanh đang khấm khá hay đến nơi hoàn toàn xa lạ, chưa biết rõ sẽ ra sao? Mất đúng một tuần Phương mới quyết định bấm số điện thoại của trung tâm để trình bày rõ nguyện vọng được học, được tìm hiểu hát xẩm.

Nhưng rồi Phương vấp phải sự ngăn cản của gia đình “Bố mẹ mình vật vã khóc lóc bảo ở nhà đang làm ăn yên ổn, đi làm gì, lên đấy có quen biết ai đâu, không bạn bè, không một người thân thích”.

Lo cho con gái rượu một thân một mình nơi đất khách, bố mẹ cô hết khuyên nhủ đến nặng lời mắng mỏ, rồi đưa cả người yêu của con gái ra để giữ chân con lại. Anh bạn Phương đang làm phó quản đốc mỏ than cũng hết lời khuyên can: “Chẳng lẽ anh không nuôi được em, hát hò làm gì cơ chứ?”. 23 tuổi là nghĩ đến việc lập gia đình được rồi, bạn bè cũng đã yên bề gia thất, Phương cũng đã muốn từ bỏ ý định, muốn có “ngôi nhà và những đứa trẻ”, cũng hiểu rằng trong con mắt mọi người vẫn nặng nề lắm quan niệm “xướng ca vô loài”. Nhưng rồi cả bố mẹ, cả anh người yêu “quản lý một đội công nhân, oách lắm” cũng không ngăn được bước chân đi theo tiếng gọi trái tim của cô gái cá tính đến quyết liệt ấy. Đôi bạn chia tay trong nước mắt. Trước đam mê đến khó hiểu của con gái, ông Nguyễn Văn Hùng chỉ biết thờ dài: “Bố chỉ muốn con trưởng thành, làm việc gì đó thực sự có ý nghĩa”.

Có công mài sắt…

Nhạc sĩ Thao Giang nhớ lại lần đầu Phương gọi điện nói chuyện với ông:

- Nhạc sĩ Thao Giang ạ, em là Phương ở Quảng Ninh.

- A, anh chào “chú”.

- Anh ơi lên Hà Nội thì em ở đâu ạ?

- “Chú” cứ yên tâm, anh sẽ có nhà cho “chú” ở.

Đến khi nhạc sĩ Thao Giang ra bến xe Mỹ Đình, thầy trò í ới nhận nhau qua điện thoại thì nhạc sĩ mới biết học trò của mình là cô Phương chứ không phải “chú” (chất giọng của Phương khá lạ). Nhạc sĩ Thao Giang nghiêng nghiêng cặp kính “Harry Potter” tròn xoe: Lúc thấy Phương tay xách nách mang lỉnh kỉnh va ly túi xách tôi cũng đã hiểu được phần nào quyết tâm của bạn ấy. Khi gặp thầy Giang, tóc Phương còn nhuộm tới ba màu, câu đầu tiên mà thầy “chỉnh” là: “Nếu em muốn theo âm nhạc dân gian thì em phải đi nhuộm lại tóc”; cô bé Phương khi ấy lém lỉnh: “Nhưng thầy phải dạy em vài bài xẩm đã thì em mới nhuộm lại”.

Buổi Phương thử giọng bằng một bài quan họ không chỉ có thầy Giang mà còn có NSƯT Thanh Ngoan, Văn Ty và NSND Xuân Hoạch. Tất cả đều khấp khởi tin rằng Phương sẽ là hạt nhân của loại hình âm nhạc đặc biệt này. Sau buổi thử giọng Phương bắt tay ngay vào việc học, mỗi ngày tập luyện 10 tiếng đồng hồ: 8h sáng đến 12h trưa, 2h đến 4h chiều và 7h tối đến 10h đêm. Cái vốn của Phương về thanh nhạc chỉ vẻn vẹn có bảy nốt nhạc, các thầy dạy cách nhả chữ, cách rung, luyến và hát làm sao phải tròn vành, rõ chữ; rồi các thầy còn dày công sửa cho cô giọng địa phương.

Như con cá được thả vào dòng nước, Phương phát huy được hết năng khiếu thiên bẩm của mình, để rồi chỉ sau ba tháng ở trung tâm, cô được nhận làm nhân viên chính thức, vừa học vừa biểu diễn.

Nhớ lại ngày một thân một mình đặt chân đến Hà Nội, Phương vẫn thấy mình liều lĩnh, trong cô lúc ấy chỉ có một suy nghĩ rằng phía trước mình có một con đường, mình có ước mơ, có khát vọng thì mình sẽ vượt qua được mọi thứ. Song cô cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, từ ăn uống, đi lại đến đường sá; những ngày Phương mới lên Hà Nội, đúng dịp dịch tả đang phát triển, phòng trọ lại không ti vi, không đài nên cô cứ vô tư ăn bún đậu mắm tôm rồi suýt chút nữa là ngộ độc. Một thân một mình nhưng cô cũng không quen cơm bụi bởi khẩu vị của người đất mỏ có nhiều điểm khác, một mình nhưng cũng phải sắm đủ cả những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Phương lại hay bị mất tiếng, ở quê mẹ hay chữa cho cô bằng lá cây dẻ quạt chứ không quen uống thuốc tây. Rồi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bố mẹ, nhớ mối tình chia tay khi cả hai vẫn còn sâu đậm, cô là người ra đi và mang tiếng là tàn nhẫn... Những lúc ấy Phương lại tập luyện nhiều hơn, kéo dài thời gian học ở trung tâm hơn.

Phương đã từng mang xẩm đi Pháp

…có ngày nên kim

Thông thường để theo học hát xẩm, người học phải rất kiên trì, khổ luyện trong 2 - 3 năm, song với Phương, cô sinh ra như để dành cho xẩm, chỉ sau một tháng học những kiến thức cơ bản về thanh nhạc và luyện tập Phương đã được các thầy tin tưởng đưa lên sân khấu. Những khán giả yêu xẩm của chợ đêm Đồng Xuân bị giọng hát khàn khàn, nhấm nhẳng của Thu Phương (tên gọi khi đi hát của Nguyễn Thị Phương) những lúc tự sự, giãi bày lôi cuốn.

Hiện tại, Thu Phương là nghệ sĩ hát xẩm chủ lực của Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam. Cô luôn tâm niệm phải giữ được cái mộc mạc đặc trưng của bộ môn này: “Hát xẩm không bao giờ được điệu đà bởi nó là nghệ thuật kể chuyện, phải tạo được sự cuốn hút, giữ được cái mộc mạc, như những người bạn ngồi nói chuyện với nhau, đến với nhau bằng chân tình sẽ hiệu quả hơn là khách sáo”.

Phương không thể quên được lần biểu diễn ở quê nhà vào mồng bốn Tết năm Canh Dần. Cả đoàn hành hương Yên Tử nên Phương muốn tranh thủ phục vụ làng quê. Thông báo chỉ phát ra cho dân làng trước giờ diễn một tiếng đồng hồ, chờ mãi, chờ mãi không thấy người đến xem, Phương và mọi người bắt đầu lo lắng. Nhưng trước giờ diễn đúng 30 phút, bà con kéo đến nườm nượp, cả thanh niên trong làng ngoài xã nữa. “Khi nghe mình hát họ rất xúc động, lúc xuống sân khấu, bác hàng xóm kéo áo hỏi: “Tại sao cháu lại có thể hát hay đến vậy?” Khi mình lên Hà Nội, mẹ mình ở quê đi chợ, vẫn có những người níu áo, nắm tay “Sao cái Phương nhà chị hát hay thế, làm chúng tôi khóc hết nước mắt”. Ấy là khi mình hát “theo nàng trọn đời”, mình tái hiện hình ảnh xẩm xưa: người mẹ bế một đứa trẻ đi hát để kiếm sống. Mọi người đã khóc rất nhiều, đến lúc mình cúi chào thì các cô các bà mới sực nhớ “cái Phương nhà Hùng Phai hát chứ làm gì có bà mẹ bế con đi hát rong nào!”

Muốn kiếm nhiều tiền thì không khó, nhưng…

Ngoài việc là nghệ sĩ biểu diễn chính, Thu Phương còn là “cô giáo” cho những bạn trẻ tìm đến trung tâm theo học. Nói về những bạn trẻ 9X đến xin học, Phương thật thà: “Các bạn trẻ đến đây với ý tưởng ban đầu lớn lắm chứ không như mình, mình học đơn giản là vì thích, vì say mê chứ không hề nghĩ đến việc biểu diễn hay làm nghề; còn nhiều bạn 9X đến đây với suy nghĩ nghĩ phải thành một ngôi sao về hát xẩm, nhưng đến khi học câu hát đầu tiên, học cách nhả chữ thì nhiều bạn nản và dần dần từ bỏ ý tưởng. Song cũng có những trường hợp như em Qúy Anh, trong cuộc thi tiếng hát học sinh toàn quốc, em giành giải nhất với xẩm”.

Cô tâm sự: “Dù ở Quảng Ninh mình có thể mua cả một quả đồi, còn Hà Nội thì đi hát cả đời cũng không mua được một mét đất nhưng mình không nghĩ hay so sánh vì nếu muốn kiếm nhiều tiền thì với mình không khó, mình chuyển sang hát văn cho các giá đồng có khi còn nhiều tiền hơn ấy. Nhưng với mình theo đuổi và sống với điều mà mình say mê là quan trọng và ý nghĩa hơn cả”.

Một cô gái thông minh, lém lỉnh, thích giai điệu xẩm xoan vui tươi, một nhan sắc mặn mòi và một giọng hát trời phú, Phương có tất cả những điều mà nhiều người tìm đến làng ca nhạc ao ước, nhưng Phương đã hy sinh cả hạnh phúc, cả sức nặng của đồng tiền để chọn cho mình một lối đi riêng. Công cuộc bảo tồn và phát triển những loại hình diễn xướng dân gian độc đáo có thêm được những người như Nguyễn Thị Phương thì thật là đáng quý.

Uông Thị Bích Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm