Bài 2: Ngôi sao gốc Việt - Tài năng khẳng định chất lượng

06/07/2010 07:29 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Từ rất lâu, những hoạt động âm nhạc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang tồn tại như một dòng chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ.

Trong thời buổi mà khoảng cách về địa lý và khác biệt về ngôn ngữ không còn là rào cản đáng kể và việc tiếp cận những giá trị mới mẻ của các nền văn hóa trở thành một sự hiển nhiên thì giờ đây, không còn quá bất ngờ và lạ lẫm mỗi khi bắt gặp một bài báo, một câu chuyện về những thành công của các nghệ sĩ gốc Việt tại nước ngoài. Họ dường như cũng ngày càng có nhiều cơ hội để chứng tỏ mình để nhận lại những thành quả và sự công nhận xứng đáng không những trong phạm vi cộng đồng mình mà thế hệ những nghệ sĩ trẻ tại nước ngoài còn đang tự tin vươn ra chinh phục cả những đôi tai bản xứ.

Từ cựu trào…

Những ai có mối quan tâm nhất định đối với thể loại Progressive Rock, nhất là thế hệ khán giả sinh trước 1975, có lẽ từng biết đến Taï Phong. Thành lập vào đầu thập niên 1970 bởi anh em du học sinh người Việt: Khánh Mai, Tài Sinh cùng bộ ba người Pháp: Jean Jacques Goldman (người sau này đã đóng góp nhiều bài “hit”, góp phần giúp cho tên tuổi Celine Dion tỏa sáng), Stephane Caussarieu và Jean Alain Gardet. Chịu ảnh hưởng của làn sóng nhạc Psychedelic đương thời cùng đam mê chơi Rock, Taï Phong đã gặt hái những thành công đáng kể tại châu Âu với các đĩa đơn theo phong cách Prog/Art Rock như Sister Jane, Games, When It’s The Season…; đặc biệt là ca khúc Sister Jane từng nổi lên như một hiện tượng trên sóng phát thanh thời đó.


Khánh Mai, người sáng lập nhóm rock nổi tiếng Taï Phong.
Hiện Taï Phong vẫn biểu diễn với thành viên nguyên thủy duy nhất là ông
Thế hệ nghệ sĩ người Việt tiếp theo có thể kể đến những cái tên thực sự đã tạo được chỗ đứng trong làng nhạc nước ngoài như guitarist Nguyên Lê, anh em nhà Chris Minh Doky và Niels Lan Doky, trumpeter Cường Vũ… Một điểm tương đồng ngẫu nhiên nhưng khá thú vị của những nghệ sĩ kể trên chính là tuy không tự giới hạn những trải nghiệm ở nhiều thể loại khác nhau nhưng Jazz chính là đam mê và cũng là chìa khóa mở ra cánh cửa để lay động khán giả bằng chất tinh tế trong mỹ cảm Á Đông cùng lối trình diễn đầy ngẫu hứng và phóng khoáng hấp thu từ văn hóa xứ người. Từng chơi cho dàn nhạc French National Jazz Orchestra, chất hư ảo và vẻ đẹp lạ lùng trong âm nhạc của Nguyên Lê đến từ sự kết hợp Funk/Jazz với tinh hoa âm nhạc dân tộc. Trong khi đó, được biết đến như “một trong những tay bass tài năng nhất của làng nhạc đương đại” (nhận xét của trang All About Jazz), Chris Minh Dorky sinh ra và lớn lên tại Copenhagen, Đan Mạch nhưng lại chọn New York làm đất hứa. Chris không ngừng tìm tòi và dấn thân khai phá những khía cạnh mới mẻ, không chỉ ở Jazz mà còn với Pop, Rock và Electronica. Có trong tay 5 album cá nhân; trong đó It’s Mostly Residual nằm trong top 10 album hay nhất trong năm 2005 của nhiều bảng xếp hạng uy tín về Jazz; Cường Vũ tuy chưa phải là cái tên quen thuộc đối với khán giả Việt Nam nhưng con đường âm nhạc của anh đã được trải thảm đỏ bằng hàng loạt các giải thưởng danh giá (trong đó có hai giải Grammy dành cho Album Jazz đương đại hay nhất hợp tác cùng Pat Metheny) và rất nhiều lời khen ngợi dành cho phong cách trình diễn điêu luyện gần như mê hoặc người nghe của anh với cây trumpet.

Đến măng non

Như những làn sóng lan tỏa và nối tiếp nhau, những người Việt trẻ (và rất trẻ) tại nước ngoài vẫn không ngừng bắt gặp những đam mê, thôi thúc khẳng định và hòa nhập, đặc biệt trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Với thế hệ này (hầu hết sinh ra và lớn lên tại nước ngoài) một bản ngã mạnh mẽ, táo bạo hơn đã được hình thành mang đậm chất phương Tây tuy thi thoảng vẫn bắt gặp phảng phất “hồn” Việt Nam và cội rễ Á Đông vốn đã ăn sâu vào máu thịt của những thế hệ trước.


Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh - Ảnh: M.C
Đó là các trường hợp của những nghệ sĩ Indie Rock gốc Việt thành công như Thảo Nguyễn (Thao with The Get Down Stay Down) tại Mỹ với những âm thanh alternative folk rock đầy nhịp điệu và hứng khởi hay Catherine Trần tại Anh, người từng lưu diễn cùng những huyền thoại Van Morrison hay Robert Plant. Còn có thể kể đến nhóm nhạc hiphop trẻ trung Magnetic North tại New York với bộ đôi Derek Kan và Theresa Vũ, mà sức sáng tạo và tham vọng một lần nữa được khẳng định qua album mới nhất Home:Word hợp tác với nhà thơ R&B trữ tình gốc Á khác Taiyo Na; hay nhóm Alternative rock Thomas’ Apartment vẫn âm thầm cuộc chinh phục của mình ở miền Nam Cali (Mỹ). Gần gũi hơn là những cái tên đã và đang dần trở nên quen thuộc Phạm Quỳnh Anh với Bonjour Vietnam từng lay động trái tim của không chỉ cộng đồng người Việt tại nước ngoài mà còn chinh phục khán giả trong nước và bạn bè quốc tế hay những người đã không ngại thử sức tại các cuộc thi tài tại xứ người và nhận được phần thưởng xứng đáng là cơ hội để phát triển tài năng cũng như sự công nhận từ khán giả như Thanh Bùi (Úc) hay Alice Linh Svensson (Thụy Điển).

Con đường tìm kiếm vinh quang của những nghệ sĩ gốc Việt không đơn giản. Họ phải lao động miệt mài, tìm tòi và khám phá. Bonjour Vietnam thành công bởi trước đó người Bỉ không biết nhiều về Việt Nam qua mặt bằng ca khúc. Nguyên Lê định hình được mình bởi đem được yếu tố Việt vào những bản Jazz Tây phương…

Có thể nói hành trình khẳng định và chinh phục của những nghệ sĩ gốc Việt tại xứ người vẫn còn là một câu chuyện dài và rất dài nhưng họ cũng như những con sóng ở quê nhà, chưa bao giờ từ bỏ ước mơ vươn ra biển lớn. Đã có những người đi trước và thành công lớn thì sẽ có lớp măng non kế thừa và phát triển. Hãy cùng hy vọng những chương tiếp theo sẽ mở ra các cơ hội mới để khán giả trong nước và quốc tế có dịp chứng kiến sự tỏa sáng của các tài năng gốc Việt và cầu chúc cho niềm đam mê của họ luôn luôn là bất tận.

Bài Kết: Bản sắc Việt nhìn từ những con sóng phương xa

Lý Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm