Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và những bản Romance chưa từng công bố

30/03/2010 16:13 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Gặp Đặng Hữu Phúc, thấy anh tất tả với dự án thu âm mới. Bỏ tiền túi làm album công bố khoảng 20 bản Romance chưa được công chúng biết tới, anh lại chọn một gương mặt mới toanh như một thể nghiệm - ca sĩ Hoàng Quyên.

Ái Vân từng biểu diễn 20 bản

* Anh có thể cho độc giả biết một cách ngắn gọn: thế nào là Romance, nó khác ca khúc quần chúng ở đâu?

- Romance là một thể loại thanh nhạc có từ thời nhạc cổ điển Viên, cuối thế kỷ 18 ở châu Âu, phát triển mạnh ở thời kỳ lãng mạn cho tới ngày nay, đặc điểm của nó là trữ tình, vị nghệ thuật và được viết cho giọng ca với phần đệm piano. Đó là 2 phần không thể tách rời của một bản Romance (ta không thể tưởng tượng rằng: 1 Romance của F.Shubert, lại không đi với phần đệm piano của chính ông). Nếu phối lại cho dàn nhạc, kể cả dàn nhạc điện tử, thì người phối phải trung thành tuyệt đối với bản piano của tác giả. Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp, làm cho bản nhạc luôn luôn mang màu sắc của chính tác giả. Không như tình trạng ca khúc của ta hiện nay, bởi không có phần đệm do tác giả viết, nên luôn luôn do người khác phối một cách tuỳ tiện, chẳng khác nào người họa sĩ đi thuê người khác tô màu cho bức tranh của mình. Mỗi người tô mỗi kiểu, thật là một sự nghiệp dư hỗn loạn…

Ảnh Đặng Hữu Phúc và Chu Hoạch (2005)   
Trở lại với thể  loại Romance, các nhạc sĩ chuyên nghiệp kinh điển “chuẩn” trên thế giới đều có những tập “Romance và ca khúc cho giọng hát và piano” của riêng mình. Từ F.Shubert (viết tới gần 700 bài),  P.Tchaikovsky, S.Rakhmaninoff cho tới C.Debussy, M.Ravel, I.Stravinsky, D.Shostakovich v.v…đều như vậy. Đây là những kiệt tác trong kho tàng văn hóa nhân loại. Nhưng sự nghiệp khí nhạc của họ quá vĩ đại, nên mảng thanh nhạc của những nhạc sĩ đó người ta chỉ nhắc qua qua, dù họ viết chất lượng và số lượng đều ít ai sánh kịp.

* Vậy anh viết Romance từ khi nào? Anh có thể cho bạn đọc biết quá trình hình thành của tập “Tuyển chọn 60 Romance và ca khúc cho giọng hát và Piano” của anh.

Đặng Hữu Phúc (trái) và Phan Đan (1986)   
- Từ năm 1975 tôi đã bắt đầu viết Romance, khi đó tôi đang là sinh viên Đại học sáng tác và piano tại Trường Âm nhạc VN. Bài Romance đầu tay, tôi phổ thơ của Chu Hoạch (1941-2007): “Sau khi biết em/ Anh mới gặp mình thức đêm đến thế/ Trước đó là những đêm anh ngủ ngoan như đứa bé/ Chẳng kể mùa hè, chẳng kể mùa đông/ Nay biết em rồi anh mới hiểu độ sâu nông/ Của những đêm đèn không nhắm mắt…”. Là một họa sĩ và nhà thơ “chân đất” rất nổi trong làng văn nghệ Hà Nội không chính thống thời đó, Chu Hoạch chỉ làm thơ tình, không làm thơ chính trị, vì vậy lúc đó là “có vấn đề” và gặp nhiều phiền toái.                                           

Và những Romance đầu tay đó, tháng 11 năm 1978 đã được biểu diễn trong một Récital riêng của tôi ở Hội nhạc sĩ  51 Trần Hưng Đạo, chương trình gồm cả khí nhạc (như suite và Sonate polyphonique cho Piano solo…) và  thanh nhạc, gồm 5 bản Romance và 1 bản cho giọng Soprano với 2 piano. Toàn bộ phần piano do tôi chơi. Có thể coi đó là một Récital của một tác giả đầu tiên. Người đầu tiên hát cả 5 bản Romance của tôi khi đó là NSND Trung Kiên.

NSND Trung Kiên trong đêm Récital của Đặng Hữu Phúc 11/1978, Tác giả chơi phần piano

Sau đó tôi vẫn viết Romance nhưng phải tới năm 1986, được sự cộng tác chặt chẽ của nhà thơ Phan Đan về ca từ (cũng là một nhà thơ “có vấn đề” hồi đó vì làm thơ siêu thực) tôi mới viết tới 60 bài trong một năm. Rồi hoàn thiện phần piano và tuyển chọn lại, năm 2006 tôi ra mắt tập “Tuyển chọn 60 Romances và ca khúc cho giọng hát và piano”.


Ái Vân hát 20 Romance trong đêm tác giả Đặng Hữu Phúc 5/1987

Vào những năm 1980, Văn nghệ chưa được “cởi trói”. Hà Nội và cả nước oằn mình dưới cơ chế “bao cấp”, cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Chính trong những năm tháng ấy, ca sĩ Ái Vân, người bạn từ thuở học trò của tôi đã giúp tôi thu thanh và biểu diễn khoảng 20 bài trong tập Romance đó. Hát không thù lao với tất cả tấm lòng, chính nhờ Ái Vân mà những bài như “Trăng chiều”, “Ru con mùa đông”, “Tiếng mùa xuân”, “Cơn mưa sang đò”… đã tới và được công chúng yêu mến. Chỉ tiếc rằng với điều kiện thu thanh lạc hậu khi đó, những băng ghi âm bây giờ chỉ được giữ như những kỉ niệm của một thời.

Chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào viết một tập như vậy

* Có sự khác biệt nào trong những Romance của anh với truyền thống kinh điển trên thế giới? Ở Việt nam đã có nhạc sĩ nào viết những tập Romance như vậy chưa?

- Đặc điểm của những Romance của các nhạc sĩ hiện đại trên thế giới như C.Debussy, M.Ravel, I.Stravinsky…v.v là tính chuyên nghiệp hoá cao độ, nhiều tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật. Nhưng với môi trường nghệ thuật âm nhạc phát triển hàng trăm năm ở châu Âu, họ không phải lo người nghe không hiểu họ. Nhưng ở môi trường Việt Nam, tôi cố gắng viết những Romance gần với ca khúc (trong ca khúc có chất Romance, trong Romance có chất ca khúc) để có thể gần gũi hơn với trình độ người nghe, tuy không chiều theo thính giả, nhưng tôi muốn có sự dung hòa. Trong lĩnh vực thanh nhạc, tôi thiên về cảm xúc, trái tim nhiều hơn là kĩ thuật. Tôi có thể nói rằng cho tới thời điểm này, ở Việt Nam chưa có một nhạc sĩ nào viết một tập cho thanh nhạc có đầy đủ cả phần đệm piano như tôi. Chủ yếu là “ca khúc quần chúng không nhạc đệm”

* Anh đang thu những bài Romance chưa từng được công bố với giọng hát Hoàng Quyên. Anh có thể cho biết vì sao anh chọn giọng hát này, và kế hoạch thu thanh của anh như thế nào?

- Đã từ vài năm nay, tôi chỉ tập trung vào viết khí nhạc, vì vậy có sao nhãng mảng thanh nhạc (mà tôi cho thế là đủ rồi). Tuy vậy, những tác phẩm nó như những đứa con tinh thần của mình, nếu nó không có đời sống, mình vẫn cảm thấy canh cánh và rất muốn có thời cơ để đưa nó đến với công chúng. Mong muốn là như vậy, nhưng để tìm được một giọng hát hợp với chất Romance thì cũng khó, kể cả kinh phí để làm cũng không có. Còn khoảng trên 30 bài trong tập “Tuyển chọn…” chưa được công chúng biết tới. Thật may mắn đầu tháng 3 năm nay, tôi tình cờ phát hiện ra giọng của Hoàng Quyên, chất giọng đẹp, xúc cảm đến “run rảy”. Sau khi thu thử 2 bài tôi quyết định tự mình đầu tư để thu thanh khoảng 20 bài (mới toanh) với giọng ca này. Mỗi tuần thu 2 bài, và Hoàng Quyên cũng rất nhiệt tình nhận lời. Mặc dù chỉ mới là học sinh trung cấp thanh nhạc năm thứ hai tại trường Nghệ thuật Quân đội,  và mới chỉ
18 tuổi (sinh năm 1992) nhưng Hoàng Quyên hát rất bản lĩnh và “già dặn”. Và em cũng chỉ nhận số tiền thù lao tượng trưng nhưng vẫn rất chăm chỉ luyện tập, đến khi thu thanh, gần như thuộc lòng.


Hoàng Quyên trong Sao mai 2009 ( thí sinh trẻ nhất)
 * Nét mới của album này là gì? Kinh phí đầu tư là bao nhiêu? Bỏ tiền túi đầu tư, anh có hy vọng sẽ thu lại một phần vốn?  

- Đây không phải là làm album như các nhạc sĩ, ca sĩ thị trường (và cả những người nghiệp dư) đang làm ào ào. Mà là thu chơi, để thỏa mãn ý thích cá nhân, một thú chơi nghề nghiệp không quy ra vật chất và hoàn toàn không có mục đính kinh tế như thu hồi vốn v.v…

Điểm khác biệt thì có nhiều, và một trong những điều khác biệt chủ yếu là: chỉ có phần đệm cho hát dung dị bằng piano, dựng trung thành 100% với bản piano của tác giả. Dĩ nhiên là không có trống Jazz, các loại Guitare điện tử, các loại tiết tấu quen thuộc như Slow, Disco, Cha cha cha, Rumba, Tango v.v…Điều mà tất cả các album hiện nay coi như mặc định, là dĩ nhiên phải có (?)

(Bạn nào muốn nghe những bản mới thu bằng MP3 và có bản nhạc, có  thể liên hệ qua : phucnhacsy@yahoo.com)

Văn Nguyễn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm