Thành tích của Đặng Thái Sơn có liên quan gì đến Nhạc viện HN không?

15/10/2009 16:30 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Báo TT&VH số ra ngày 3/10/2009 có phỏng vấn GS.TS Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia (tên cũ là Nhạc viện Hà Nội, Trường Âm nhạc Việt Nam) với nhan đề “Học sinh Học viện Âm nhạc liên tiếp giành giải thưởng quốc tế- Vẫn còn khoảng cách xa so với giải của Đặng Thái Sơn”! Người phỏng vấn đã đặt một câu hỏi mang tính giả thiết: “Nói tóm lại, nếu coi giải thưởng của Đặng Thái Sơn là một thành tựu nổi bật của Học viện thì sau họ Đặng, đã có sinh viên nào của Học viện vượt qua chưa (về tầm cỡ giải thưởng)?”.

Mặc dù bài phỏng vấn hoàn toàn không nhằm mục đích nói về chủ đề to tát là “Giải của Đặng Thái Sơn là do công lao của ai hoặc do đâu mà có?”, mà nó chỉ là một giả thiết để nhằm so sánh với các giải thưởng của các học sinh khác.


Chính trong quá trình học tập tại nhạc viện Hà Nội,
 Đặng Thái Sơn đã được thấy Isaac Katz phát hiện tài năng

Tuy nhiên, sau khi bài báo ra, tác giả Nguyễn Đình Đăng (Nhật Bản) đã phản ứng về “giả thiết này”. Xin được trích bức thư mà ông gửi TT&VH: “Phóng viên TT&VH cho rằng giải nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin mà nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 là “thành tựu nổi bật” của Học viện, song bà Hà không hề cải chính”. Ông Đăng cho rằng: “Giải Nhất cuộc thi Chopin mà Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 phải được coi là thành tựu của Nhạc viện mang tên Tchaikovsky của Nga, nơi ông Sơn theo học 3 năm trước khi đoạt giải, và các giáo sư Nga của ông thì mới đúng. Tất nhiên, trước hết đó là thành tựu của cá nhân ông Đặng Thái Sơn, và còn là của các cụ thân sinh ra ông Sơn là cụ ông Đặng Đình Hưng và cụ bà Thái Thị Liên”.

Trong thư trao đổi với phóng viên TT&VH, ông Đăng còn nhấn mạnh “...giải Chopin của Đặng Thái Sơn KHÔNG PHẢi là thành tựu của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”.

Ý kiến của ông Nguyễn Đình Đăng đã đặt ra một vấn đề rất thú vị: Vậy thành tích của Đặng Thái Sơn nên do đâu mà có? Hay nói cách khác Giải thưởng nay có liên quan gì đến Nhạc viện Hà Nội - ngôi trường cũ của ông hay không? Nếu kể đến giải của ông như một “thành tích”, một niềm tự hào trong lịch sử Nhạc viện thì có phải là “háo danh”, “vơ vào” hay không?

Sau đây là một vài suy nghĩ của tôi, mời các bạn tiếp tục cho ý kiến:

1. Trước hết, tôi đồng ý với quan điểm của ông Đăng là cần phải khẳng định vai trò (trực tiếp, quyết định) của Nhạc viện Tchaikovsky đối với giải thưởng mà Đặng Thái Sơn đạt được – đó là lẽ đương nhiên. Chẳng ai có thể phủ nhận, và cũng không ai muốn phủ nhận làm gì.

2. Tuy nhiên, người VN có đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, có câu “học nửa chữ cũng là thầy”. Vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta không nên rạch ròi “một nửa” hay “cả cái” giải thưởng của Đặng Thái Sơn là công lao của “thầy” nào cụ thể (thầy Nga - Liên Xô hay thầy Việt Nam). Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần thiết phải tuyệt đối hoá vai trò của trường này hay của ông thầy này mà đi đến việc phủ nhận cho rằng giải thưởng của Đặng Thái Sơn không dính dáng gì đến Nhạc viện Hà Nội, và mọi việc kể đến thành tích của Đặng Thái Sơn đều là “háo danh”.

Chúng ta đều biết rằng Đặng Thái Sơn có cả chục năm học tại Nhạc viện Hà Nội (Tiểu sử của Đặng Thái Sơn ghi rõ: “Ban đầu Đặng Thái Sơn học piano với mẹ. Năm 1965, ông bắt đầu học nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Ông được nhạc sĩ dương cầm Isaac Katz khám phá vào năm 1974. Năm 1976 Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva”...).

Trong thư gửi TT&VH, ngoài chủ đề về giải của Đặng Thái Sơn nói trên, ông Đăng còn nêu 2 chủ đề khác (về vị trí của cuộc thi tại Jakarta tháng 8 vừa qua, về vị trí của Nhạc viện Hà Nội hiện nay trong khu vực) Nhưng vì nội dung quá dài TT&VH không thể trao đổi trong khuôn khổ trang báo này.

3.
Chắc hẳn chúng ta đều biết rằng, nước ta do điều kiện chiến tranh, rồi những năm tháng khó khăn sau chiến tranh và không chỉ có thế, cho đến tận bây giờ, nước ta vẫn luôn có những học sinh du học nước ngoài. Trong số đó, có những học sinh sinh viên xuất sắc trong các trường học, được Nhà nước cấp kinh phí để cử đi học. Trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc hiện nay cũng không ngoại lệ.


Vậy nếu coi thành tích của Đặng Thái Sơn không liên quan gì đến Nhạc viện Hà Nội (thậm chí phải “cải chính” nếu ai trót đặt giả thiết đây là thành tích của Nhạc viện như lập luận của ông Đăng), thì tôi thử đặt câu hỏi, thành tích của tất cả các sinh viên đi du học và rồi cả sự thành đạt sau này của họ trong cuộc sống nữa có còn liên quan đến ngôi trường đã cử họ đi học hay không? Và như thế, có còn liên quan đến đất nước quê hương nữa không? Tôi nghĩ rằng những người từng du học, đặc biệt là được cử đi học ở nước ngoài, hay những người Việt thành đạt ở nước ngoài luôn có câu trả lời hợp đạo lý trước hết cho chính bản thân mình.

      Chủ đề “Thành tích của Đặng Thái Sơn có liên quan gì đến Nhạc viện Hà Nội không?”, có thể có nhiều cách đánh giá khác nhau. Mời các bạn bày tỏ ý kiến của mình vào phần comment bài viết này trên www.thethaovanhoa.vn hoặc gửi về địa chỉ E-mail:docgiattvh@gmail.com về trường hợp Đặng Thái Sơn nói riêng và về thành tích của học sinh, sinh viên Việt Nam du học nói chung.


Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm