Nghệ thuật hàn lâm (Bài 2): Tham vọng 5-10 năm nữa sẽ bắt kịp trình độ thế giới

08/09/2009 16:23 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Nhà hát nghệ thuật hàn lâm duy nhất của TP.HCM, bến đỗ của các tài năng nghệ thuật hàn lâm ở phương Nam - Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (GHNVK), hiện đang trong thời gian ăn nhờ ở đậu: văn phòng “ở nhờ” tại trụ sở hai của Sở VH, TT&DL TP.HCM, kho nhạc cụ nằm ở rạp Thanh Vân, đoàn vũ kịch thuê sàn tập ở Trường Múa TP.HCM. Và như xác nhận của nhạc sĩ Võ Đăng Tín, Giám đốc Nhà hát, hiện lực lượng nghệ sĩ của Nhà hát chưa đủ đáp ứng 50% yêu cầu của một chương trình biểu diễn hoàn chỉnh!

* Chương trình Giai điệu mùa Thu do Nhà hát tổ chức được xem như một cuộc “tổng kiểm kê” lực lượng hàng năm. Năm nay, ông “kiểm kê” được những gì?
 
- Vào ngày 9/9 tới đây, Nhà hát sẽ tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập, bởi vậy mà Giai điệu mùa Thu 2009 còn được xem như cuộc tổng dợt chương trình kỷ niệm này. Phải nói rằng lực lượng nghệ sĩ hiện tại có được là nhờ chiến lược đào tạo lâu dài của Nhà nước cũng như của Thành phố. Vừa rồi chúng tôi biểu diễn tại Đà Nẵng, Cần Thơ, các lãnh đạo ở đó cho hay, có nhà đầu tư nước ngoài tới địa phương, câu hỏi đầu tiên của họ là: Thành phố các ngài có dàn nhạc giao hưởng không. Vậy là các anh ấy hỏi lại tôi: Nếu chúng tôi (Đà Nẵng, Cần Thơ) muốn có nhà hát như các anh (Nhà hát GHNVK) phải làm sao? Tôi trả lời: Có hai cách. Cách thứ nhất là gửi người đi đào tạo, 15 năm sau các anh mới có được lực lượng như chúng tôi. Và cách thứ hai, như Singapore hay Malaysia làm, là bỏ tiền mua, ngay lập tức sẽ có!


Nhạc sĩ Võ Đăng Tín

Nhà hát GHNVK TP.HCM đã chọn con đường thứ nhất và có chiến lược đào tạo khá tốt. Với nhà hát đỉnh cao thì phải có những nghệ sĩ đầu đàn. Từ năm 2003, khi tôi về làm giám đốc, đội ngũ đầu đàn của Nhà hát liên tục được bổ sung và kế thừa, từ NSND Tạ Bôn (violin), NSƯT Việt Cường - Kim Quy (múa), Nguyễn Tấn Anh (cello), Nguyễn Hồng Nhung (flute), Trần Vương Thạch (chỉ huy)... đến Tăng Thành Nam (violin), Hồng Châu (múa)... Nguồn cung cấp lực lượng cho Nhà hát đủ cả: Nhạc viện TP.HCM, Trường Múa TP.HCM, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trường Múa Việt Nam. Tôi có thể khẳng định nhân tài của Thành phố hiện nay đủ sức! Bằng chứng là tháng Mười năm ngoái, Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát đi dự LH các dàn nhạc châu Á tại Tokyo được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được đưa tên vào “bản đồ” các Dàn nhạc giao hưởng châu Á và được đánh giá là nổi bật trong số các dàn nhạc ở Đông Nam Á. Còn về ballet và opera, theo tôi, lực lượng hiện có đã đủ sức dàn dựng những tác phẩm kinh điển của thế giới và Việt Nam.

     Theo dự kiến, “nhà hát trong mơ” của Nhà hát GHNVK TP.HCM sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2010 tại công viên 23 tháng 9 trên diện tích khoảng 12.000m2 (thay cho khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1 vốn là trụ sở Công ty Xổ số Kiến thiết TP.HCM được phê duyệt từ 10 năm trước), và có thể hoàn thành sau 3 đến 4 năm. 

* Vậy nhưng ông lại kêu là lực lượng nghệ sĩ nhà hát không đủ 50% yêu cầu dàn dựng một chương trình hoàn chỉnh?


- Đúng vậy. Lực lượng có thật không thiếu nhưng lực lượng theo chỉ tiêu chính sách thì lại thiếu. Dàn dựng một chương trình như Giai điệu mùa Thu phải cần tới 120 - 150 nghệ sĩ, nhưng trên thực tế chúng tôi chỉ có 68 diễn viên theo định biên, số còn thiếu phải thuê mượn cộng tác viên bên ngoài. Lực lượng vốn có của Nhà hát chưa đáp ứng được 50% yêu cầu cho một chương trình hoàn chỉnh. Đúng ra, dàn nhạc giao hưởng phải có tối thiểu 60 nhạc công, đoàn nhạc kịch phải có tối thiểu 50 diễn viên và vũ kịch phải có ít nhất 40 đến 50 nghệ sĩ, tức là phải gấp đôi lực lượng hiện có.

* Gây được chú ý tại các chương trình Giai điệu mùa Thu là những tài năng trẻ đã và đang học tập tại các quốc gia có nền nghệ thuật hàn lâm phát triển. Ông đánh giá thế nào về đóng góp của lực lượng này?



- Năm nay, Nhà hát chúng tôi được tiếp nhận một thạc sĩ nghệ thuật nằm trong diện 300 cử nhân được Thành phố gửi đi đào tạo  tại nước ngoài, là Nguyễn Mạnh Duy Linh. Trước đó còn có thêm Trần Nhật Minh vợ chồng Đào Nhật Quang - Cho Hae Ryong, Vũ Việt Anh và Nguyễn Anh Sơn. Chúng tôi đánh giá rất cao sự trở về đóng góp của những bạn trẻ này. Đây là những nghệ sĩ trẻ có khả năng phát triển xa, các thế hệ lớn tuổi có thể yên tâm về họ...

Ngoài ra Hồ Đăng Hội (violin) mới kết thúc khóa đào tạo ngắn hạn tại Dàn nhạc Texas, Mỹ; Hồng Châu mới kết thúc hai năm học biên đạo ballet tại Hà Lan và Phúc Hùng còn thêm một năm thực tập biên đạo ballet cổ điển tại nước này. Năm 2009, chúng tôi dự định đưa thêm sáu em đi học về ballet tại Lyon, Pháp, tuy nhiên phải chờ việc ký kết hiệp định trao đổi đào tạo giữa Lyon và TP.HCM. Tham vọng của chúng tôi là sau 5-10 năm nữa sẽ có một thế hệ nghệ sĩ đầu đàn bắt kịp trình độ của thế giới!

* Trong quá trình thực hiện tham vọng ấy, ông đã bao giờ phải nuối tiếc, kiểu như đã để tuột mất một tài năng trong tầm tay chẳng hạn?  

- Tiếc nhiều lắm, chủ yếu là do mình chưa có đủ cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ tốt cho các tài năng. Như trường hợp hai anh em Hữu Nguyên, Khôi Nam hiện đang làm việc trong Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp chẳng hạn, hai cậu ấy luôn đau đáu trở về, “gọi” về lúc nào là có thể về ngay, nhưng về rồi, với mức lương hiện tại của nhà hát làm sao sống được! Còn hai trường hợp Văn Hùng Cường, Tạ Tôn (Mỹ) chúng tôi cũng rất mong đợi ngày các em trở về.

Với những người đã về, chúng tôi đều xếp cho họ bậc lương cao nhất có thể. Vợ chồng Đào Nhật Quang đang hưởng mức lương cao nhất ở Nhà hát, nhưng cũng không cách nào xoay sở đủ cho cuộc sống ở TP.HCM.

* Với mức lương tương đương một nhân viên mới ra trường như thế, ông nghĩ sẽ giữ được các tài năng này bao lâu?  

- Chẳng có cách nào giữ được trừ phi họ không bỏ mình! Chúng ta đang chảy máu chất xám tại chỗ. Trong dàn nhạc của Nhà hát có người bỏ nghề học bác sĩ, giờ mua được nhà, sắm ô tô; có người vừa chơi trong dàn nhạc vừa phục vụ nhà hàng; có người vừa múa trong chương trình của Nhà hát vừa phải đi múa phục vụ đám cưới; một số khác đi dạy tư... Với mức lương hiện nay không ai có thể sống được bằng nghề. Chúng ta đang “mất người” ghê gớm. Đùng một cái, Thái Lan tuyển nhạc công, thế là “quân mình” đi tuyển, đi đi về về, có ngày mình mất sạch “quân”. Các diễn viên múa thì chạy sô ở Hà Nội, Thái Lan... nhiều người đi, về mình cũng không kịp biết, vì Nhà hát chỉ quản lý theo công việc, họ xin nghỉ phép là đi. Với Singapore mình cũng dễ “mất người” như chơi. Hiện Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Singapore có một nghệ sĩ Việt Nam. Mức lương khởi điểm trong dàn nhạc này là 4.000 đô-la Singapore. Dàn nhạc của Singapore chủ yếu thuê người, họ thuê cả chỉ huy người Trung Quốc với mức lương 10.000 đô-la Sing/tháng.

Ở các nước sở dĩ họ thuê, mua được tài năng như vậy bởi đứng sau lưng họ đều là các tập đoàn kinh tế lớn. Như dàn nhạc Philadelphia do Rockefeller tài trợ, đứng sau Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Malaysia là tập đoàn Petronas, ngay cả Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam hàng năm cũng được Toyota tài trợ 50.000 USD cho chương trình hòa nhạc xuyên Việt...

* Để “nuôi” một nhà hát như Nhà hát GHNVK TP.HCM cần bao nhiêu tiền một năm thưa anh?

- Một năm Nhà hát cần khoảng 200.000 USD. Nếu có 500.000 USD/năm thì quá tuyệt vời, khi ấy chúng tôi sẽ tập hợp hết các tài năng còn ở nước ngoài.


TOÀN BỘ NGHỆ SĨ NHÀ HÁT KHÔNG THỂ SỐNG BẰNG LƯƠNG!

Một số nghệ sĩ hiện đã có công ăn việc làm ở nước ngoài, nhất là những người đã lập gia đình như Hoàng Linh Chi (lấy chồng người Tây Ban Nha), Trần Hữu Quốc (vợ là người Hàn Quốc), Nguyễn Quốc Trường (vợ người Nhật sống tại Mỹ)... cơ hội trở về làm việc ở quê nhà là quá nhỏ...

 
Nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường về công tác tại Nhạc viện TP.HCM, có khi phải làm những việc ngoài chuyên môn, anh cho biết lương thạc sĩ khoảng hơn 2 triệu đồng, phải dạy thêm hautbois cho học sinh phổ thông nước ngoài, rồi dạy nhạc thêm ở một trường quốc tế mới đủ sống.

Người mới về Nhà hát năm 2009 như Nguyễn Mạnh Duy Linh, lương khoảng hơn 1,5 triệu đồng, chưa tính khoản bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn. Anh cho biết phải kiếm tiền thêm bằng nghề piano cũ của mình.
 
Nghệ sĩ Đào Nhật Quang từ bỏ môi trường làm việc khá tốt của hai vợ chồng ở Hàn Quốc, về Việt Nam từ năm 2008, hiện lương của anh cũng chỉ khoảng gần 2,5 triệu đồng, tiền bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn hàng tháng dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Lương vợ anh cũng không khá hơn, nhưng vợ anh, Cho Hae Ryong phải đi xe hơi (vì không đi xe máy được), hai con trai, một học trường Hàn Quốc, một học trường quốc tế. Anh Quang trước đây có dạy nhạc ở một trường quốc tế, nay dạy clarinet tại nhà, học sinh là con em người nước ngoài. Cho Hae Ryong nhận làm việc thêm với một dàn hợp xướng của Hàn Quốc. Tuy vậy, vợ chồng anh cũng chỉ trang trải được những chi phí hàng ngày, còn tiền học 15 ngàn USD/ năm cho con ở trường quốc tế thì phải nhờ gia đình... chi viện.

Gần như toàn bộ nghệ sĩ của nhà hát không thể sống bằng tiền lương của mình mà phải đi làm thêm những công việc khác. Năm ngoái, gần chục tài năng trẻ về với Giai điệu mùa Thu do có tài trợ vé máy bay. Năm nay do không có khoản hỗ trợ này, chỉ có Văn Hùng Cường và Nguyễn Nhật Quỳ về tham gia.

Thu Thủy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm