Mua - bán độc quyền ca khúc: Gió sẽ xoay chiều?

10/07/2009 14:18 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Thời điểm hiện nay, xét trên nhiều khía cạnh liên quan đến quyền lợi (vật chất và tinh thần) của người nhạc sĩ, bán ca khúc cho ca sĩ độc quyền chưa hẳn là phương án ưu việt. Nhất là trong thời điểm mà những bài “hit” có lượng download trên mạng Internet lên đến hàng triệu lượt. Dù chưa nhận được tác quyền thỏa đáng đối với các dịch vụ khai thác ca khúc trên mạng, nhưng hầu như ai cũng nuôi hy vọng một ngày nào đó mình sẽ thu được nhiều tiền từ doanh số khổng lồ do chính ca khúc mình tạo ra. Bán ca khúc độc quyền đối với một số nhạc sĩ giờ không còn nữa!

Nụ cười & nước mắt

Không phủ nhận trong thời gian qua, những ca khúc độc quyền đã giúp nhiều ca sĩ thành công trên con đường ca hát. Nhất là ở những thời điểm mà thị trường âm nhạc hiếm hoi bài “hit”, độc quyền một bài “hit” được xem như là thành công trên thị trường âm nhạc, cả tiền bạc lẫn danh tiếng.

Ca sĩ Duy Mạnh nhờ “độc quyền” bài hát do chính mình sáng tác mà nổi danh như cồn với Kiếp đỏ đen, và sau đó giá cát-sê tăng cao gần bằng các “sao” hạng nhất, show diễn tới tấp và đĩa nhạc cũng bán chạy, mặc dù trước đó anh đã có thời gian đi hát nhưng ít ai biết đến. Khánh Ngọc sau khi vừa đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình, bài “hit” Vầng trăng khóc (Nguyễn Văn Chung) mà Công ty Nhạc xanh mua độc quyền, cái tên Khánh Ngọc (cùng với Nhật Tinh Anh) đã thăng hoa…


Với bài “hit” Vầng trăng khóc mà Công ty Nhạc xanh mua độc quyền,
cái tên Khánh Ngọc (cùng với Nhật Tinh Anh) đã thăng hoa

Độc quyền ca khúc thường gắn với việc ca sĩ đặt hàng nhạc sĩ sáng tác, trên lý thuyết, nếu người nhạc sĩ có nghề và làm việc cẩn trọng, giai điệu bài hát sẽ rất phù hợp với giọng hát, hoặc phát huy những thế mạnh trong giọng hát của người ca sĩ, làm cho sự thể hiện của người ca sĩ mang hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên cũng chính từ việc đặt hàng này mà đôi khi người nhạc sĩ phải sáng tác theo những yêu cầu “phi nghệ thuật” của người đặt hàng, như việc bắt chước 1, 2 câu trong một bài “hit” nước ngoài nào đó…

Ngoài ra trong thời gian vừa qua, ở lĩnh vực mua bán độc quyền ca khúc đã xảy ra vô số những kiện tụng do các ca sĩ, nhà sản xuất cố tình xâm phạm những bài hát đã được mua độc quyền, đình đám nhất có thể kể đến Đàm Vĩnh Hưng với Công ty Nhạc xanh trong vụ việc ca khúc Nửa vầng trăng (Nhật Trung). Có khi phải nhọc công kiện cả những “thủ phạm” tận bên Mỹ như trường hợp ông Hoàng Tuấn kiện trung tâm Thúy Nga vi phạm các bài hát độc quyền đã được mua cho Đan Trường.

Nhưng có lẽ trường hợp ca sĩ Quế Vân với việc mua độc quyền ca khúc Đừng xa em nhé của nhạc sĩ Thái Thịnh là trường hợp “đau” nhất. Bởi album chưa phát hành thì bài hát độc quyền này đã xuất hiện trong DVD Paris By Night 82 - Tiểu vương hội do Minh Tuyết thể hiện. Khi báo chí thắc mắc, chính nhạc sĩ Thái Thịnh nói rằng anh chỉ bán độc quyền trong nước, nên có quyền bán ra hải ngoại.

Chung quanh chuyện khóc cười từ việc mua bán độc quyền ca khúc, chúng như góp phần làm cho thị trường âm nhạc thêm phần “sôi động” trong bối cảnh mọi hoạt động âm nhạc gần như bị bão hòa!

Không còn mặn mà với việc bán độc quyền?

Phải thừa nhận rằng, ở những thời điểm mà quyền tác giả âm nhạc chưa đi vào kỷ cương nề nếp, ngoài các hãng đĩa, hoặc ca sĩ làm đĩa trả ba cọc, ba đồng, còn ngoài ra không thu được ở bất kỳ một hoạt động nào khác thì việc bán độc quyền cho ca sĩ với số tiền khá lớn được xem là “ngon ăn”. Ca sĩ chọn tác phẩm và mua độc quyền, hoặc đặt hàng nhạc sĩ sáng tác cho mình và mua luôn độc quyền… các nhạc sĩ sẵn sàng đồng ý.

Tuy nhiên, thời “khốn khó” đã qua, hiện nay việc bán độc quyền ca khúc đối với một số nhạc sĩ, họ không còn mặn mà nữa, nhất là các nhạc sĩ trẻ đang ăn khách trên thị trường hiện nay như Nguyễn Văn Chung, Minh Khang, Nguyễn Hồng Thuận…


Ca sĩ Khánh Phương “nổi tiếng” với bài “hit” không phải độc quyền - Chiếc khăn gió ấm

Nhạc sĩ Minh Khang nói rằng: “Hiện nay, không bị áp lực kinh tế nữa, nên việc bán ca khúc độc quyền cũng tính toán lại. Để nhiều ca sĩ cùng hát ca khúc của mình, ca khúc có nhiều cơ hội đến với khán giả hơn và cũng có nhiều cơ hội để phù hợp với một giọng hát nào đó mà trở thành “hit”, tránh trường hợp ca sĩ mua độc quyền, nhưng không sử dụng bài hát đó và đứa con tinh thần của mình xem như đã… chết”. Ngoài ra, Minh Khang cho biết, có bài hát anh bán tác quyền cho gần 10 ca sĩ, cộng với tiền hòa âm cho họ, “doanh số” gấp mấy lần bán độc quyền. Nhiều ca sĩ thì sẽ có nhiều fan, nhiều lần biểu diễn… tác quyền cũng sẽ tỷ lệ thuận với số lượng.

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận thì cho biết: “Một năm trở lại đây tôi không mặn mà với việc bán độc quyền ca khúc nữa, nếu có cũng chỉ thỏa thuận độc quyền ở lĩnh vực biểu diễn và sản xuất album”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng có ý kiến tương tự. Cụ thể như bài Chiếc khăn gió ấm, bài hát từng làm mưa làm gió trên các trang web download nhạc và hiện nay cũng còn khá “nóng” nhưng nó không thuộc độc quyền ai cả, bài hát có rất nhiều ca sĩ hát như Phan Đinh Tùng, Nhật Tinh Anh và đình đám hơn cả là Khánh Phương.

Cả Nguyễn Hồng Thuận và Nguyễn Văn Chung đều cho rằng, vấn đề bản quyền ngày càng cụ thể, nên việc bán tác quyền hoặc bán độc quyền hạn chế khai thác ở một vài lĩnh vực là hướng mà các anh lựa chọn.

Thị trường âm nhạc với ca khúc độc quyền rõ ràng đang có dấu hiệu dịch chuyển và có thể trong một thời gian ngắn nữa nó sẽ xoay chiều 1800?

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm