Roger Federer: Đối diện với nỗi đau

08/02/2009 08:10 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) -  “Chúa ơi, nó giết tôi mất…”, và Roger Federer chỉ kịp nói bấy nhiêu trước khi bật khóc với phần thưởng dành cho á quân Australian Open trên tay. Đã không ít lần những giọt nước mắt lăn dài trên má của tay vợt người Thụy Sĩ khi anh đăng quang tại các Grand Slam. Nhưng với thất bại lần này, cảm xúc đã khác xưa rất nhiều.

Đầu mùa giải 2008, Roger Federer để tuột mất chiếc cúp vô địch Australian Open vào tay Novak Djokovic sau khi phải gác vợt tại bán kết. Mùa giải năm nay, Federer lại có một khởi đầu giống hệt mùa trước, với chức vô địch Australian Open bị đánh rơi. Có khác chăng, nếu vào năm 2008, đó chỉ là một sự khởi đầu còn năm nay, đó đã là dấu hiệu rõ rệt của sự xuống dốc. Ai cũng thấy, “Tàu tốc hành” hiện đang chuyển động với tốc độ “chậm dần đều”. Mục tiêu cân bằng kỷ lục 14 danh hiệu Grand Slam của Pete Sampras mà Federer luôn khát khao vươn tới vốn đã rất vĩ đại, nay lại càng xa xôi và gian nan hơn.

Ở thời điểm này, sẽ là quá xa để dự đoán những gì Federer có thể làm được trong các giải Grand Slam tiếp theo. Thế nhưng, tại Roland Garros, không lý do gì mà trong thời kỳ khủng hoảng, Federer lại làm được điều mà ngay cả khi phong độ đỉnh cao anh đã không làm được: vươn đến đỉnh cao nhất. US Open vẫn là “đất” của Federer khi mạch chiến thắng vẫn chưa đứt trong 5 năm qua. Chức vô địch Wimbledon 2008 của Rafael Nadal, tuy vô cùng xứng đáng, nhưng vẫn chẳng là nghĩa lý gì so với năm lần đăng quang liên tiếp (2003 – 2007) của Federer. Đó chính là hai nơi để tay vợt Thụy Sĩ có thể tiếp tục nuôi hy vọng cho mục tiêu vĩ đại.
 
Những giọt nước mắt Roger Federer

Công bằng mà nói, có thể xem đây là thời gian mà biểu đồ thành tích của Roger Federer đang đi xuống, thế nhưng điều này không có nghĩa là “thời” của anh đã hết. Ngoại trừ những tay vợt có lối đánh khó chịu và đang dẫn trước Federer về hiệu suất đối đầu như Nadal hay Andy Murray, khi chạm trán với các tay vợt khác, “Tàu tốc hành” đều đủ sức khắc chế, thậm chí là có thể giành chiến thắng một cách dễ dàng. Trong chín lần đối đầu, tay vợt số 3 thế giới Novak Djokovic chỉ mới hai lần giành chiến thắng. Andy Murray tuy dẫn trước 5-2 trong bảy lần chạm trán nhưng vẫn chưa “có cửa” với kinh nghiệm của Federer nếu cả hai gặp nhau tại một trận chung kết.

Đối thủ sừng sỏ nhất còn lại chính là Nadal, người đã đánh bại Federer trong 6 trận chung kết Grand Slam kể từ năm 2006 đến nay. Lối chơi sung mãn, đeo bám lỳ lợm dựa trên nền tảng thể lực cực tốt của Nadal chính là vấn đề nan giải mà Federer chưa tìm ra lời đáp. Nhưng đó cũng chính là điểm mấu chốt. Lối chơi của tay vợt Tây Ban Nha là cực kỳ hao tốn thể lực và trong một mùa giải mà các cuộc tranh tài cứ diễn ra liên tục từ tuần này sang tuần khác, dù năng lượng dồi dào đến mấy tất cũng sẽ bị bào mòn. Thời điểm gần cuối năm sẽ là lúc Rafael Nadal để lộ “gót chân Achilles” của mình.

Roger Federer còn một bước nữa để cân bằng kỷ lục của Pete Sampras, và một bước nữa thôi để trở thành tay vợt xuất sắc nhất trong lịch sử quần vợt. “Anh ấy là một nhà vô địch vĩ đại”, Nadal đã nói như vậy trong lúc đăng quang Australian Open. Và anh sẽ là người vĩ đại nhất, hãy tin vào điều đó.
 
Nguyễn Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm