Lê Minh Sơn: Chưa bao giờ tán gái

24/01/2008 19:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Đàn Ông) - Đầu trọc, áo hoa da báo, quần jeans, giày D&G. Đó là Lê Minh Sơn, khác hẳn với 4 năm trước: tóc dài, áo phông, quần short và đi giày ba ta. Nhưng cách đối thoại thì vẫn không mấy thay đổi.

* Từ khi nổi tiếng đến giờ, anh đã thay đổi những gì?

Không thay đổi gì cả. Tôi vẫn nồng nàn, đam mê, cháy bỏng với âm nhạc và vẫn có những khoảng tiêng tư mà chẳng ai biết.

* Bây giờ nhìn anh "ông chủ" hơn nhiều so với thời "phất" lên với ca khúc "Bên bờ ao nhà mình". Vậy sáng tác của anh có còn ngây thơ, trong sáng như trước nữa?

Sự ngây thơ, trong sáng rất tốt, nhưng nếu cứ ngây thơ, trong sáng, bản năng mãi thì có lẽ nên sáng tác một bài, nhiều lắm hai bài. Cần phải kết hợp lý tính, lý trí với sự ngây thơ, trong sáng và bản năng, thì sẽ đi được một chặng đường rất dài, và có như thế mới trở thành tác giả lớn. Còn nói về độ trong sáng trong sáng tác của cá nhân tôi thì bây giờ trong sáng hơn. Tôi vừa làm cho Khánh Linh một đĩa nhạc pop trong vắt, và đó chính là con đường tôi đang đi. Nghĩa là những gì trong sáng, nhẹ nhõm, thanh tao, chứ không gào thét, đao to búa lớn trong âm nhạc.

Nhạc sĩ Lê Minh sơn và "quả đầu trọc".

* Ngày xưa anh giản dị với giày ba ta, còn bây giờ anh diện D&G sáng bóng, vì sao có sự "lên đời" này?

Tất cả chỉ là cái vỏ. Mình có một cuộc sống tốt thì cũng muốn cái cái vỏ thỏa mãn công sức bỏ ra. Mình chẳng ăn cắp ăn trộm của ai, chẳng lừa đảo ai, mình cũng chưa bao giờ lấy cái gì quá khả năng của mình.

* Anh ăn mặc cũng "hoa hòe, hoa sói" hơn xưa, anh nói gì về điều này?

Không phải, cái áo tôi đang mặc là con hổ, mà cậu con trai của tôi thích hổ lắm. Cu cậu gọi tôi là con hổ châu Á. Con tôi đẹp trai lắm. Cu cậu là niềm hy vọng, là lý do để tôi làm việc, tôi vươn lên. Nếu nghe bài Con trai bé bỏng tôi vừa viết cho đĩa Thanh Lam, bạn sẽ thấy điều đó.

* Không phải áo hình da báo, mà anh còn mặc áo hoa, áo hồng, trông bớt nam tính hơn, điều này nên hiểu thế nào đây?

Quan niệm về nam tính với một người nghệ sĩ là ở tác phẩm của anh ta. Là người nghệ sĩ, cái quan trọng nhất phải giữ gìn, đó là còn tim, còn mọi cái đều là vỏ. Tôi cắt một bộ tóc mà không biết bao nhiêu người tiếc. Phải nói thật là mái tóc cũ của tôi rất đẹp, dài đến 1 m, tôi xuống một cái thành cái đầu trọc luôn.

* Sao anh lại xuống tóc?

Vì tôi không có thời gian gội đầu.

* Chỉ thế thôi sao?

Chỉ thế thôi!

* Lâu nay anh vẫn nói mình là người bận rộn, còn hiện tại?

Từ nay đến cuối năm tôi sẽ không... thở được! Công việc rất nhiều, không ai có thể hình dung được khối lượng công việc của tôi đâu. Nhưng may mắn nhất là bên cạnh tôi có một ê kíp rất chuyên nghiệp. Cuộc sống luôn vận động và thay đổi. Nếu không thay đổi sẽ không đáp ứng được những người đến với mình. Như vậy là tự đào thải mình, nên phải làm việc, phải sáng tạo thật nhiều.

* Có những ai tiếc mái tóc dài của anh?

Nhiều lắm. Đó là những người yêu Lê Minh Sơn bằng cái vỏ.

* Thế còn "Người đàn bà" của anh?

Đó là người không bao giờ yêu mình vằng cái vỏ. Họ yêu bằng con người Lê Minh Sơn. Cái xấu, cái tốt cũng vậy thôi. Nhưng mục đích, triết lý sống của tôi bây giờ rất cụ thể và đơn giản: gắng sống là người tử tế và viết những bài hát tử tế.

* Anh nghĩ sao về những người rất ít nói?

Tôi chả sợ người không nói. Tôi chỉ sợ những người hèn. Bởi xưa đến nay các anh hùng đều chết vì tiểu nhân.

* Với khả năng nói nhiều, anh có thấy trong cái nói nhiều đó cả... nổ?

Tôi là người VN, và tôi tự hào về ngôn ngữ trong bài hát của mình. Nhưng đặc biệt tôi không biết "nổ" là từ gì? Tôi không hiểu thế nào là nổ! Vì từ xưa đến giờ tôi chưa bao giờ nói cái gì quá phạm trù của mình. Vậy làm sao nói là tôi nổ được. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, tôi không bao giờ thích hoa giả. Cái thật với cái giả khác nhau ở linh hồn, con người cũng vậy. Còn nổ là gì? Là cực hóa lên, là nói những điều không có, hoặc làm được một mà nổ lên đến một trăm. Nếu tôi nổ thì người khác phải bắn súng đại bác. Tôi chỉ nói những điều làm được trong phạm vi khả năng của mình. Những đêm nhạc tôi làm may mắn bán hết vé, và giá vé chợ đen rất cao, đó là điều rất hạnh phúc, vì người Hà Nội đã thay đổi, họ không còn thói quen trong chờ vào giấy mời để đi xem nữa.

* Tự đánh giá, anh thấy mình là người thế nào?

Tôi là người thực dụng nhưng chưa bao giờ lạm dụng sự thực dụng. Thực dụng là điều cực kỳ tốt trong cuộc sống này, chỉ có những người đáng bị lên án là lạm dụng sự thực dụng của mình.

* Còn trong chuyện thương lượng cát-xê?

Đó không phải thực dụng, mà là thực tế. Cái quần còn có số, có mác nữa là con người.

* "Năng khiếu... tán gái" của anh thế nào?

Đã bao giờ tôi tán gái đâu, vì tôi không thích những cô gái. Còn đàn bà thì không được phép dùng chữ tán, mà là sự chinh phục!

* Vâng, thế anh chinh phục đàn bà bằng cách nào?

Giỏi hay không, hãy cứ để đàn bà nhận xét. Mọi việc có thể làm được hết, nhưng dám chịu thì phải suy nghĩ xem cái nào nên chịu, cái nào không nên chịu. Tôi chưa làm điều gì mình chưa dám chịu, nhưng vẫn hy vọng! Bạn nói tôi ngây thơ, nói nhiều, khôn dại, nổ nữa, vậy hãy thêm một tính cách nữa đi. Làm sao không có bản chất sự lưu manh trong mỗi con người. Ai cũng có, vì có 7 con quỷ mà đức Phật phải chiến đấu dưới gốc cây Bồ Đề.

* 7 con quỷ của anh là gì?

Thứ nhất là con quỷ của lòng đố kỵ. Thứ hai là con quỷ của sự chém giết, của sự lưu manh. Thứ ba là quỷ xác thịt. Thứ tư là con quỷ... tôi không nhớ! Nhưng đó đều là sự ham muốn, dục vọng của con người. Tôi nghĩ con người nào cũng vậy, có như vậy mới là con người.


* Anh đã làm cái gì mà không dám chịu?

Chưa bao giờ. Đây là lời nói danh dự của một người bố! Còn danh dự của nghệ sĩ thì bình thường quá. Vì nghệ sĩ đang bị lạm dụng, nhiều nghệ sĩ quá.

* Nhiều người cho rằng anh tự tin thái quá, anh trả lời họ thế nào?

Chưa bao giờ tôi tự tin thái quá. Ngay từ bé, bố, rồi những ông bạn vĩ đại của bố luôn bên cạnh tôi, họ cho những điều mà càng ngày tôi càng thấy đúng: cái quan trọng nhất đối với nghệ sĩ là sự kiểm soát. Muốn kiểm soát tác phẩm, đầu tiên phải kiểm soát lý trí, tâm hồn của mình, còn người nghệ sĩ, đôi khi có những lúc bốc đồng, có những lúc rượu vào lời ra, tôi cũng từng bị trả giá vì điều đó, cũng từng gặp những người đến làm việc với mình với cái tâm rất xấu. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra, nghệ sĩ là người sáng tạo, chả cần chứng minh bằng lời nói, mà hãy chứng minh bằng tác phẩm. Tôi cũng không bị hào quang cũ rích đeo bám, giải thưởng là cái gì đó biến mất trong tôi từ lâu rồi. Có như thế mình mới làm việc được.

* Anh nói có những lúc anh bốc đồng, rượu vào lời ra, sao anh lại tự thú tật xấu của mình như vậy?

Đây cũng là sự cân bằng cho công việc, cho sự chỉn chu của con người. Nếu không có sự cân bằng, chúng ta điên hết. Nhưng đó là những lúc đáng yêu nhất. Vì những lúc uống rượu là những lúc người ta thật, chẳng có sao trong lúc uống rượu cả. Tất nhiên không phải lúc nào cũng thế. Tôi cũng thích uống lắm, nhưng không có thời gian, vì tôi đã uống là phải uống tới say. Tôi hay đùa đó là tiếng khóc trong hũ. Có thể rượu khóc, có thể mình khóc.

* Cái giá anh phải trả cho phút giây rượu vào lời ra là gì?

Nếu Lê Minh Sơn bản lĩnh như bây giờ chắc sẽ chẳng có điều gì cả. Nhưng cách đây 5 năm, có những cái giá mà mình phải rút kinh nghiệm. Mình làm những điều không phải là sai, nhưng có những lần đối nhân xử thế không được đúng lắm. Đấy không có nghĩa là ngụy biện cho tuổi trẻ hay đổ lỗi cho rượu vào lời ra, mà là sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của một cậu bé mới chập chững bước vào nghệ thuật và chưa trang bị cho mình ý thức về người nổi tiếng. Bây giờ tôi khôn hơn một chút, nhưng vẫn dại lắm, bởi không có cuộc phỏng vấn này mới là người khôn!

* Thời gian này, chuyện tình yêu của anh có gì mới mẻ?

Tôi có nhiều định nghĩa về tình yêu lắm. Với tôi, tình yêu là điều rất thiêng liêng và không được phép nói ra! Tình yêu là cái tuyệt vời nhất thượng đế ban cho loài người. Còn yêu là mù quáng, yêu thật sự cần mù quáng. Nếu tỉnh táo tình yêu sẽ biến mất.

* Thế cuộc sống vợ chồng anh thế nào?

Đã là tình yêu thì không nói, tôi vẫn giữ quan điểm như vậy.

* Còn nguồn tin nói anh và vợ đã ly dị, thực hư chuyện này ra sao?

Đấy cũng là điều tuyệt vời trong cuộc sống. Đến giờ mình thấy mình đúng, đúng ở chỗ, cái gì thuộc về mình, ông trời cho mình, thì chỉ có mình được hưởng. Vui, buồn, ngọt ngào, cay đắng, hạnh phúc, mình cất nó lại. Đó là điều tuyệt vời nhất. Đến cuối đời chả ai biết được cả.

* Anh lảng tránh khéo nhỉ?

Thế bạn còn muốn gì nữa?

* Tôi muốn nghe sự thật!

Hãy lắng nghe bằng âm nhạc, còn nếu nhìn hãy nhìn tôi là người đàn ông nghiêm túc, đứng đắn, hình như cũng đẹp!

* Anh đẹp trai nhưng... già so với tuổi, anh nghĩ sao?

Đàn ông già hay chứ. Tôi cũng thích những người già. Nói đến đây, có một câu chuyện vui mà tôi muốn kể: Nhạc sĩ Nguyễn Cường - ông bạn thân nhất của tôi - vừa đi tham dự Liên hoan âm nhạc tổ chức ở Thẩm Quyến, Trung Quốc. Sau khi về, ông ấy rất buồn và có nói với tôi một câu: "Sơn ạ, nghệ thuật của Trung Quốc và nghệ thuật của các nước khác là con voi hết rồi, còn chúng ta vẫn là chuột". Tôi có nói lại thế này: "Thế bây giờ mình hãy tự phong chuột đi". Tự phong chuột thì ông Phó Đức Phương được phong là "chuột đồng", ông Nguyễn Cường là "chuột núi", tôi đương nhiên là "chuột nhắt". Ông Trần Tiến tự nhận mình là "chuột sa chĩnh gạo", còn ông Dương Thụ là "dưa chuột". Dưa chuột vì to hơn chuột gọi là dưa chuột! Nhưng tôi thấy thương Nguyễn Cường, vì trong đôi mắt đó có sự thất vọng.
 
P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm