"Tôi thích tính đồng đội trong bóng đá“

27/06/2008 14:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Là một nữ diễn viên kiêm người dẫn chương trình truyền hình có tiếng ở Đức, Phan Thị Minh Khai thích được diễn trong những bộ phim hay, và thích được nói về cuộc sống ở Việt Nam của mình. Thế nhưng chính Bóng đá mới là sở thích được nhen nhóm sớm nhất nơi cô. Kể từ đầu giải Euro cho tới nay, trong nhà Minh Khai luôn treo quốc kỳ Đức, còn các thành viên trong gia đình (kể cả cậu con trai 3 tuổi) thì diện... trang phục thi đấu của „Mannschaft“.

* Thưa chị Minh Khai, chị có còn nhớ cái ngày mà lần đầu tiên được xem một trận bóng đá trên truyền hình không?

- Có lẽ khi đó tôi 3 hoặc 4 tuổi. Hồi ấy, cha tôi là người cực kỳ hâm mộ bóng đá, còn tôi thì cực kỳ hâm mộ cha mình. Thế rồi một ngày, khi chương trình „Sportschau“ (tạm dịch: Xem Thể thao)phát sóng, tôi ngồi cùng cha trước Tivi – ông chăm chú nhìn lên màn hình, còn tôi thì yên lặng quan sát ông.

Vài nét tiểu sử

Sinh ngày 19.2.1974 trong một gia đình trí thức người Việt sống ở Darmstadt (Đức), Phan Thị Minh Khai là một MC truyền hình có tiếng ở Đức, từng dẫn một loạt chương trình ăn khách: Minh Khai Music Box, Minh Khai & Friends của kênh VIVA, hay chương trình giải trí Hugo của kênh Kabel 1, One của kênh Pro 7, Modern Talking Special của kênh ZDF...

Chị còn là một diễn viên điện ảnh được hâm mộ ở Đức: từ 1997 đến nay đã tham gia đóng hàng chục phim nhựa và truyền hình, được đánh giá là “một nữ tài tử Đức với chất người Việt hút hồn người xem“. Minh Khai (cao 1,63 mét) còn từng là người mẫu cho các hãng thời trang và mỹ phẩm như Villi Bogner, Jean Pascale, Manhattan Kosmetik... Ngoài ra, chị còn viết cho các báo Đức như Spiegel, Die Welt, Cosmopolitan và trực tiếp sản xuất phim...

* Nghĩa là lúc đầu chị không chia sẻ với cha mình niềm đam mê của ông sao?

- Đơn giản là khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể thực sự hiểu được những gì đang diễn ra tại đó. Tuy nhiên, càng lớn tôi càng hiểu hơn sức hấp dẫn của môn thể thao này.

* Chị thích gì ở bóng đá?

- Với bóng đá mọi chuyện đều có thể xảy ra. Điều đó nghe có vẻ khuôn sáo, nhưng mà đúng là như thế đấy. Và tôi thích tính đồng đội ở môn thể thao này. Nói chung tôi thích những môn thể thao tập thể hơn là những môn đơn lẻ. Giữa những năm 1980, quần vợt quả là đã trở thành một môn thể thao cực kỳ được ưa chuộng, và Boris Becker thì thành người hùng của mọi gia đình yêu thể thao. Trong thời gian này, năm nào cha tôi cũng tìm cách gửi tôi vào một trung tâm huấn luyện quần vợt. Nhưng tôi thì chỉ muốn chơi bóng đá và trước hết là thích xem bóng đá.

* Khi ấy bóng đá có một hình ảnh nào đó đối với chị?

- Hồi còn nhỏ, việc xem bóng đá là chút gì đó hoàn toàn bình thường đối với tôi. Nhưng càng lớn tôi càng hiểu rằng bóng đá được gắn chặt với hình ảnh của một môn thể thao đại chúng và được yêu thích cuồng nhiệt. Nhưng phải cho tới khi xuất hiện các điểm xem bóng đá công cộng đầu tiên trên thế giới, bóng đá mới mang tính xã hội sâu sắc – đó là vào khoảng năm 1996. Hồi ấy, tại điểm P 1 ở Munich, người ta đã cho phát hình các trận đấu trên các màn hình lớn và các máy thu hình cực đại. Và bất đồ đến cả các bạn gái của tôi cũng quan tâm tới môn thể thao dường như chỉ dành cho đàn ông này.

* Nhưng cho tới thời điểm 2008 này, tính cuồng nhiệt, sôi động của bóng đá dường như đang nguội dần?

- Không, tôi không thấy như vậy. Tôi quả là cũng rất thích không khí sôi động của bóng đá. Ví như khi tới SVĐ xem một trận đấu của CLB Hertha Berlin, tôi thấy mình... „bốc hỏa“ như một trái „rốc-két“. Bạn trai tôi cũng là người thực sự thích sôi động. Tôi thấy khí chất này thuộc về bóng đá, và ở trên SVĐ nó cũng có sức hấp dẫn nhất định. Cậu con trai 3 tuổi của chúng tôi chắc cũng sắp đến lúc đòi được chơi bóng trong một CLB bóng đá, và khi ấy tôi sẽ được sát cánh với các phụ huynh „cùng chí hướng“ khác ở trên các sân bóng đá.

* Chị „cuồng nhiệt“ tới mức nào ở Euro này?

- Ồ, tôi nghĩ chúng tôi vẫn luôn là những fan rất cuồng nhiệt. Chúng tôi cắm một lá cờ trên ô-tô, một cờ trong phòng khách, mọi người trong nhà đều mặc trang phục thi đấu của đội tuyển Đức – cả con trai tôi cũng có một bộ. Đúng là có nhiều người giễu cợt cung cách „cờ quạt“ ấy, tuy nhiên tôi thấy chuyện này là tốt chứ, chí ít là cái cảm giác „chúng ta“ mà mình cảm nhận được thông qua đó.

* Trong những năm qua, quan niệm về „dân tộc“ của chị có đã thay đổi? Nhất là kể từ khi đội tuyển Đen-Đỏ-Vàng (tức tuyển Đức – ND) đăng quang tại World Cup 2006?

- Không thực sự thay đổi. Với tôi, một cảm xúc về „dân tộc“ chưa bao giờ bị ngả sang hướng tiêu cực. Việc người ta cảm thấy „được ở nhà“ tại đất nước mà người ta đang sống, điều đó luôn có ý nghĩa đối với tôi. Người ta không phủ nhận gốc rễ của mình, song trong phạm vi bóng đá, khi mà tại đó luôn được tranh cãi rằng cầu thủ này có „chất Đức“ hay „chất Pháp“..., thì điều đó lại hoàn toàn không quan trọng. Ví như con tim của Podolski luôn gắn bó với Ba Lan, nhưng anh thi đấu cho đội tuyển Đức,

Trong cuốn tự truyện Được nhà – Cuộc đời tôi ở nước Đức và Việt Nam (dày 272 trang, do NXB Diana ấn hành tháng 9/2007),Phan Thị Minh Khai bộc bạch: “Suốt một thời gian dài tôi cho rằng mình là người sống giữa hai nền văn hóa. Cho đến khi tôi chợt hiểu ra rằng, thật ra tôi không đứng giữa, mà sống cùng với hai nền văn hóa, đó là một nhận thức hết sức quan trọng đối với tôi. Vậy là tôi không còn phải quyết định mình là người Đức hay là người Việt nữa. Bỗng nhiên tôi hiểu: Tôi là cả hai, tôi nói trôi chảy cả hai thứ tiếng, tôi có rất nhiều chất Việt trong người, nhưng mang đầy phong cách Đức“.

vì đất nước này là „nhà“ của anh ấy. Với tôi cũng vậy, trái tim tôi gắn bó với Việt Nam, nhưng tôi có „nhà“ của mình ở nước Đức. Và thế là trong các trận đấu tôi luôn cổ vũ cho đội tuyển Đức. Tôi cho mình là người Đức và thấy rằng sẽ hoàn toàn ngớ ngẩn nếu như không xác định là như vậy.
* Thực ra thì Euro có một vị trí như thế nào ở Việt Nam?

- Có thể nói: người Việt Nam yêu bóng đá đến... „điên cuồng“, mặc dầu họ chơi bóng đá còn rất dở. Các ông chú, ông cậu của tôi ở Việt Nam đêm nào cũng để đồng hồ báo thức để không bị lỡ một trận nào của Euro.

* Chị có thể đàm luận thực thụ về... bóng đá với những người họ hàng của mình ở Việt Nam?

- Dĩ nhiên. Họ có phần còn hiểu biết hơn tôi – trước hết là về Premier League (Giải bóng đá hạng Nhất Anh) hay Bundesliga (Giải bóng đá Liên bang Đức); hầu hết các trận đấu của các giải này đều được phát hình ở Việt Nam. Có thời gian tôi có hàng xóm là 2 cầu thủ của FC Bayer Munich, khi tôi kể cho họ hàng của mình nghe về chuyện này, họ muốn được biết hết những gì có thể về hai cầu thủ ấy. Và sau đó, khi còn biết tôi đã từng phỏng vấn ban nhạc Modern Talking, rốt cuộc họ đã coi tôi là một... đại anh hùng (cười)

* Thế những người họ hàng người VN của chị có nói đội nào sẽ trở thành nhà VĐCA lần này không?

- Cho đến giờ, phần lớn mọi người tin rằng đội tuyển Đức sẽ làm được việc ấy, và tôi cũng hy vọng như vậy.

Thục Anh (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm