Hollywood hỏi, Trung Quốc trả lời

10/05/2012 08:15 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Một số bộ phim bom tấn Hollywood đã gặt hái thành công lớn khi kết hợp các yếu tố Trung Hoa, điển hình như bộ phim hoạt hình ăn khách Hoa mộc lan (1998) của hãng Disney và serie phim hoạt hình Kung Fu Panda của DreamWorks. Giờ đây, Hollywood đang muốn nhiều hơn thế khi kinh đô điện ảnh này muốn xâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. Nhưng để đổi lại, Trung Quốc cũng muốn có những lợi ích của riêng mình.



Đạo diễn Cameron và vợ được chào đón nhiệt thành ở Bắc Kinh khi ông đến dự LHP Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 2

Đổ bộ  

Trong khi doanh thu của nhiều hãng phim lớn ở Hollywood đã bị giảm ở thị trường nội địa, thì năm 2011 doanh thu của các bộ phim Hollywood ở thị trường hải ngoại đạt 13,6 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là một trong những thị trường chính làm gia tăng lượng vé bán ra. Năm ngoái, thị trường điện ảnh Trung Quốc thu về được 13,1 tỷ NDT (2 tỷ USD), trong đó 4,9 tỷ NDT (chiếm 37%) thu được từ lượng vé bán ra của các quả bom tấn Mỹ.

Từ khi Trung Quốc nhập khẩu bộ phim Mỹ đầu tiên, The Fugitive (năm 1994), cho đến nay đất nước này ngày càng góp phần gia tăng doanh thu của Hollywood. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ đuổi kịp thị trường điện ảnh Nhật Bản, nơi năm ngoái đã “bỏ két” được 2,3 tỷ USD.

Không nhà sản xuất điện ảnh nào dám lờ thị trường Trung Quốc và đạo diễn lừng danh James Cameron còn coi Trung Quốc là điểm đến chính cho các hoạt động quảng bá và quay phim của công ty mình. Bộ phim khoa học viễn tưởng ăn khách của ông, Avatar, đã trở thành phim ăn khách nhất mọi thời đại khi đã thu về được 2,78 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó có 200 triệu USD thu được từ thị trường Trung Quốc.

Theo đạo diễn Cameron, câu chuyện là yếu tố chính và là linh hồn của một bộ phim. Một câu chuyện hay, đặc biệt hơn, khi kết hợp những yếu tố con người, sẽ gặt hái nhiều giải thưởng và thành công doanh thu. Bởi vậy, nhiều nhà sản xuất phim thích đầu tư vào những dự án điện ảnh vừa có câu chuyện hay nhưng cũng mang yếu tố Trung Hoa, như thế mới đáp ứng được thị trường Trung Quốc rộng lớn và giải khuây được khán giả toàn cầu. Giữa tháng 4 vừa qua, vị đạo diễn nổi tiếng này đã đến Trung Quốc quảng bá cho bộ phim Titanic 3D được trình chiếu ở đây và song song đó ông cũng đang xúc tiến việc sẽ làm tiếp Avatar phần mới với bối cảnh là Trung Quốc. “Quan trọng là đôi bên cùng có lợi, tôi không đến đây tay không mà sẽ mang những thiết bị quay hiện đại nhất và điều đó cũng sẽ thay đổi tích cực cách làm phim ở Trung Quốc”, đạo diễn Cameron bày tỏ.

Trước đó không lâu, truyền thông thế giới cũng đồng loạt đưa tin về bộ phim sắp sản xuất có tên Iron Man 3, lần này nhà sản xuất sẽ là Walt Disney và công ty giải trí DMG của Trung Quốc, với giá sản xuất có thể lên tới cả tỉ USD.

Cần nhớ lại rằng, những bộ phim dựa trên những câu chuyện mang màu sắc Trung Hoa, ví dụ như phim hoạt hình Hoa mộc lan (1998) của hãng Disney đã thu về được 304 triệu USD hay serie phim Kung Fu Panda của hãng DreamWorks Animation đã trở thành phim hoạt hình đạt doanh thu lớn nhất thế giới và đã được đề cử nhiều giải thưởng, trong đó có giải Oscar.

Thêm nữa, bộ phim gay cấn Điệp vụ Boston (The Departed - 2006) được đạo diễn Mỹ Martin Scorsese dàn dựng theo phim Vô gian đạo của Hong Kong, đã đoạt 4 giải Oscar và thu về được gần 300 triệu USD trên toàn thế giới. Trung Quốc có bề dày hàng ngàn năm lịch sử và đó là một kho dữ liệu cho các câu chuyện phim. Hơn nữa, Trung Quốc đã trở thành một điểm quay phim hấp dẫn, một phần vì các đạo diễn và nhà sản xuất hy vọng các cảnh quay có bối cảnh ở đây sẽ lôi cuốn được khán giả ở đất nước này.

Đạo diễn Cameron nói rằng ông tìm được nguồn cảm hứng lớn từ những dãy núi và con sông ở Trung Quốc trong quá trình quay phim Avatar. Một dãy núi ở khu nghỉ mát Zhangjiajie của Trung Quốc đã tạo cho ông cảm hứng tạo nên chốn thiên tiên là dãy núi Hallelujah trong phim.

Và đạo diễn Cameron cũng nói thẳng, những chuyện này xuất phát tất cả cũng từ lợi ích kinh tế. Hollywood đang muốn vươn thêm ra ngoài và Hollywood cũng đang muốn thu lợi nhiều hơn từ các phòng vé. Bấy lâu nay tổng doanh thu bán vé ở Trung Quốc chỉ chia cho phía Hollywood 13-17% doanh thu, bây giờ trong tình hình mới rất có thể Hollywood sẽ được nhận khoảng 25% hoặc cao hơn thế. Các nhà sản xuất của Hollywood có thể không cần kinh phí góp thêm từ phía Trung Quốc nhưng nếu họ được đảm bảo từ nguồn thu phòng vé thì chắc chắn đây là sự hợp tác đôi bên đều cùng có lợi.



Disney đã rất thành công khi kể câu chuyện Trung Hoa cổ đại qua hình ảnh của bộ phim Hoa mộc lan

Trung Quốc được lợi gì?

Chẳng cần phải nghĩ ngợi cũng biết ngay: đó là cách làm phim chuyên nghiệp nhất thế giới.

Cách làm phim lồng ghép các yếu tố Trung Hoa của Hollywood đã gây hứng khởi cho một số nhà làm phim Trung Quốc. Tuy nhiên, “hứng khởi” là một chuyện còn để làm cho ra mùi hay không lại là vấn đề khác. “Các nhà làm phim Trung Quốc không thiếu các câu chuyện kinh điển, nhưng chúng ta chưa biết cách kể chuyện trong phim hoặc cách kể chuyện không hấp dẫn tí nào”, nữ diễn viên Lý Phi Phi cho biết và cô thấy tiếc khi các câu chuyện Trung Hoa lại do các nhà làm phim nước ngoài kể lại ở chính thị trường Trung Quốc.

Nếu chỉ đơn giản làm phim giống hệt theo cách của Hollywood thì nguy cơ thất bại rất lớn. Các nhà làm phim Trung Quốc nên đưa vào phim của mình những hiện thực của đất nước và những câu chuyện mang tính thời đại theo quan điểm của riêng mình.  

Tại một diễn đàn trong LHP Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 2, Jim Gianopulos, chủ tịch Tập đoàn Giải trí Fox, khẳng định muốn có một bộ phim hay phải biết kết hợp các công nghệ tiên tiến với câu chuyện hay mang giá trị toàn cầu, như vậy mới có thể chinh phục được khán giả khắp thế giới. Ngoài việc cố gắng thay thế các công nghệ làm phim lỗi thời, Trung Quốc còn đang hy vọng thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đồng sản xuất phim và học hỏi các tư tưởng tiên tiến của họ.
 
Đạo diễn Cameron đã tới Trung Quốc để tham dự LHP Quốc tế Bắc Kinh và ông đã ký hợp đồng hợp tác giữa Tập đoàn Pace Cameron với các đại diện của thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc. Hơn nữa, đội ngũ 3D của ông sẽ thực hiện phần kỹ xảo 3D cho The Art of War, dự án điện ảnh do Trung Quốc sản xuất kể về nhà chiến lược kiêm nhà tư tưởng Trung Hoa cổ đại, Tôn Tử.

Theo các nhà tổ chức LHP, đã có 21 hợp đồng điện ảnh lớn được ký kết và nhiều khả năng sẽ có hơn 100 hợp đồng khác sẽ được ký kết trong thời gian diễn ra LHP. Hãng Walt Disney cho biết họ sẽ làm việc với Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc để bàn về tiến trình thúc đẩy mạnh hơn nền công nghiệp điện ảnh của quốc gia này. Và sau đó, như đã lên kế hoạch, hãng Dreamworks Animation sẽ xây dựng một studio hiện đại nhất tại Thượng Hải.

Hồi đầu năm, Trung Quốc đã tăng thêm 14 phim trong hạn ngạch nhập khẩu phim bom tấn Hollywood hằng năm. Đây được xem như một cơ hội mới cho Hollywood và cả các nhà làm phim Trung Quốc.
Bảo Nguyên (tổng hợp)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm