100 năm, lịch sử Oscar sẽ gọi tên "The Artist"?

07/02/2012 07:16 GMT+7 | Phim


(TT&VH Cuối tuần) - Gặt hái liên tiếp những giải thưởng điện ảnh danh giá: Phim hay nhất của các nhà phê bình, giải Quả cầu Vàng 2011 và hiện dẫn đầu số lượng đề cử tại giải thưởng BAFTA 2012, bộ phim câm The Artist đang thẳng tiến đến lễ trao giải “tiền Oscar” sẽ được xướng lên vào ngày 12/2 tới đây tại London và Oscar 2012 vào ngày 26/2 tại kinh đô Hollywood. Nếu điều này thành sự thật thì The Artist sẽ trở thành bộ phim câm thứ hai trong lịch sử đoạt giải Phim hay nhất Oscar. 

“Phong trào” phim câm chưa bao giờ trỗi dậy mạnh mẽ, ngay cả lúc mà nó có những đại diện tiêu biểu nhất. Dòng phim khởi nguồn này giờ đây được coi là “hàng hiếm” giữa một rừng 3D, công nghệ IMAX và sự phát triển tột độ của âm thanh, hình ảnh. Đó là chưa kể đến phim có thoại làm sống động lại nghề biên kịch và cho đó là một trong những yếu tố làm nên một tác phẩm hay. Vậy thì cớ sao, The Artist, quay trở về giai thoại 1930 với một lối làm phim “ngược đời” so với thực tại, lại có thể qua mặt nhiều “anh tài công nghệ” tại các giải thưởng điện ảnh 2011 danh giá như vậy?

“Câm” vẫn giữ được “tiếng nói”

Để chiều lòng công chúng ngày nay, các nhà sản xuất không ngừng tăng lượng “ép-phê” của âm thanh, hình ảnh để kéo khán giả tới rạp, đó là chưa kể những tiểu xảo quảng cáo rầm rộ. Vậy nên Michel Hazanavicius, đạo diễn The Artist, được coi là can đảm khi quyết định làm phim câm, hình ảnh đen trắng, không ngôi sao, không kỹ xảo. Tuy nhiên cũng chính “cú liều” có tính toán này mà The Artist tạo nên một làn sóng nho nhỏ, giúp người ta, đặc biệt là các cô cậu trẻ tuổi, hiểu biết thêm về một góc của quá khứ mà người ta gọi là phim câm.

Đạo diễn Michel Hazanavicius

The Artist lấy bối cảnh Hollywood giai đoạn 1927-1932, kể về mối tình lãng mạn giữa hai ngôi sao phim màn bạc thời đó: George Valentin và Peppy Miller. Không có nhiều cao trào, kịch tính giật gân và tất nhiên, Michel làm đúng tinh thần phim câm những năm 30, tức là sẽ không có nụ hôn cháy bỏng hay một cảnh quay nóng nào giữa hai diễn viên chính. Bérénice Béjo - vợ của Michel cho biết, các nhà sản xuất đồng ý chấp nhận thử thách làm một cuốn phim câm thuần túy sau một hồi tranh cãi. Michel cho biết, lời thoại của diễn viên được tinh giản tối đa. Đạo diễn này không chỉ muốn làm một bộ phim “im lặng”, mà diễn viên cũng không mấp máy môi quá nhiều. Lối làm phim đó buộc diễn viên phải đầu tư cao độ, không nhắc lời thoại như cái máy. Đa phần họ phải vận dụng mọi khả năng biểu đạt từ ánh mắt, nụ cười để nuôi dưỡng trí tưởng tượng của cả người làm phim lẫn khán giả.

Từ lâu Michel đã muốn làm một phim câm trong khi những tay làm phim cùng thế hệ với anh, đều ái ngại hoặc thậm chí không quan tâm đến “lãnh địa” phim câm. Anh tìm xem lại các tác phẩm lừng danh của Hollywood giai đoạn đầu và quyết tâm giữ đúng kích thước khung hình 1.33:1 chuyên dành cho thể loại “silent film”. The Artist quay bằng phim màu sau đó chuyển sang đen trắng. Bảy tuần ghi hình tại Los Angeles, The Artist mang trong nó một không khí Hollywood xa xưa mà không phải bất kỳ đạo diễn Hollywood nào cũng có thể tạo ra được. Rất hiếm khi ta thấy một phim Pháp, kinh phí thấp (12 triệu USD), lại là phim câm mà vẫn giữ được “tiếng nói” của mình suốt 6 tháng trời kể từ ngày tranh giải LHP Cannes 2011.

Một giấc mơ đẹp, sao lại không?

Những năm gần đây, thỉnh thoảng người ta cũng thấy các phim câm rải rác xuất hiện. Chẳng hạn như Three Times của đạo diễn người Đài Loan - Hầu Hiếu Hiền, là một ví dụ đặc biệt, vì toàn bộ phim hầu như chỉ có âm nhạc và không thoại. Tuy nhiên Three Times chỉ lấy cảm hứng và sự tương tác giữa phim câm và melodrama cho tổng thể chứ thực chất, không ai gọi đó là phim câm. Năm 2006, Guy Maddin - một đạo diễn người Canada cho ra mắt Brand Upon the Brain! A Remembrance in 12 Chapters đúng chất phim câm. Với lối dàn dựng bất thường bằng cấu trúc riêng, Brand Upon the Brain! phục vụ số ít khán giả tại LHP Toronto trước khi phát hành DVD vào năm 2008. Guy Maddin đã dùng dàn hợp xướng của Toronto và giọng thuyết minh của nữ diễn viên Isabella Rossellini để kể cho khán giả nghe về câu chuyện bí mật trong dòng họ của chính Maddin trên phim.

Mặc dù nhận được vài lời ngợi khen (trang RottenTomatoes.com chấm 91%), Brand Upon the Brain! không có “thế” ở rạp chiếu và tại các LHP nên không lâu sau đó, nó dần chìm vào quên lãng. Cần nhắc đến Guy Maddin vì sự nghiệp điện ảnh của ông đã có đến ba phim câm, như Dracula: Pages from a Virgin’s Diary năm 2002 giành được một số giải thưởng nhỏ, và Cowards Bend the Knee năm 2003 - phim thể nghiệm dài 60 phút. Ở cả hai tác phẩm này, Guy Maddin đều chứng tỏ sự điên rồ trong câu chuyện cũng như hướng đi của kịch tính, khiến người xem choáng ngợp và gây ám ảnh. Khác với dòng phim câm “sáng sủa” hơn, Maddin chỉ thích hợp với các đề tài đen tối, bi hài.

Bên cạnh đó, một vài phim câm khác như Juha của Aki Kaurismäki hay Tuvalu của Veit Helmer cũng để lại những suy ngẫm cho người xem. Juha dựa theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên, do đó dù có thoại hay không, thì nội dung của bộ phim này đã rõ rành rành, Aki Kaurismäki sử dụng âm nhạc khá tốt như thường lệ, và ông đã chọn phụ đề chen giữa những lần đối thoại giữa các diễn viên để miêu tả kịch tính. Còn Tuvalu thuộc điện ảnh Đức thì ngược lại, quay trở về với thời kỳ sơ khởi của dòng phim câm qua tạo hình, diễn xuất và bối cảnh nhưng được cái, phim này xoay quanh mỗi chuyện tình cảm trai gái nên dễ dàng tạo được hiệu ứng nơi người xem ở nhiều độ tuổi.

Quay trở lại với The Artist, hiện vẫn đang là một trong những phim chiếm giữ nhiều đề cử quan trọng nhất (12 đề cử BAFTA, 10 đề cử Oscar và 10 đề cử César), liệu có làm nên mùa Xuân mới cho dòng phim câm? Và liệu nếu sự xuất hiện nhan nhản của phim câm sau “sự kiện” The Artist có làm cho khán giả ngán ngẩm và bội thực? Còn nhớ hơn 10 năm trước, khi Ngọa Hổ Tàng Long “áp đảo” giải Oscar, nó đã mang lại mầm sống mới cho dòng phim võ hiệp. Thế nhưng những tác phẩm võ hiệp sau đó, dù được đầu tư công phu hơn, cũng không thể có được thành công tương tự. The Artist tiến đến Oscar là một giấc mơ đẹp, bởi vì nó xứng đáng hơn là vì nó “độc-lạ” hay vì người ta đang “hoài cổ”.

* Kỷ nguyên phim câm hay điện ảnh câm được bắt đầu từ khi anh em Lumière khai sinh ra nền điện ảnh hiện đại vào năm 1895. Hầu hết phim được sản xuất trong thập niên 20 không có tiếng. Chúng được chiếu với phần đệm của đàn piano hay organ, thỉnh thoảng có cả người dẫn chuyện hay những diễn viên đứng sau màn ảnh. Năm 1927,sự xuất hiện của phim có tiếng đồng bộ đầu tiên, The Jazz Singer báo hiệu sự lụi tàn cho dòng phim câm.

* Nhân sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, hãng phim Paramount đã khôi phục lại bộ phim câm kinh điển - Wings (phim câm duy nhất đoạt giải Oscar Phim hay nhất), và đã cho trình chiếu cùng phần đệm đàn organ trực tiếp tại tổng hành dinh của Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh. Vào ngày 24/1/2012, bộ phim cũng đã được phát hành dưới dạng blu-ray.

* Đề cử Phim hay nhất Oscar 2012 gồm: The Artist, The Descendants, Extremely Loud and Incredibly Close, The Help, Hugo, Midnight in Paris, Moneyball, The Tree of Life, War Horse. 

Chu Trần Minh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm