Phim nghệ thuật: Không mùa & không chết!

03/01/2012 07:11 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Nếu phim thương mại vẫn phải sống dựa theo các trào lưu và luôn đối diện với sự thoái trào thì phim nghệ thuật chưa bao giờ như thế. Dường như nó sẽ không bao giờ phải đối diện với cái chết bởi nó được sinh ra để dành cho những khán giả trung thành và bất khuất, cho dù việc thưởng thức phim dòng này có thể chỉ gói gọn trong một buổi chiếu nghèo nàn với rất ít khán giả, hoặc thậm chí là qua đĩa lậu.

Tuy nhiên, nếu như trước đây các bộ phim nghệ thuật, độc lập hầu như ít nhận được sự ủng hộ của các hãng sản xuất vốn chỉ mặn mà với phim thương mại thì nay, mọi việc đã khác.

Hollywood cũng quan tâm đến phim độc lập

Dòng phim độc lập có khả năng tối ưu hóa kinh phí làm phim thông qua nhiều lý do cá nhân của đạo diễn, nhưng tại Hollywood, các phim độc lập gần đây đã có sự nhúng tay mạnh mẽ của các hãng sản xuất, như One Day “hôn phối” cùng Focus Features, The Beaver “đám cưới” với Summit Entertainment. Một điều lạ là các phim này, với kinh phí trung bình của một phim tâm lý tình cảm, sau khi công chiếu đều bị các nhà phê bình “dập” tơi bời hoa lá. Chỉ có Midnight in Paris (sóng đôi cùng hãng phim huyền thoại Sony Pictures Classics), một phim có số tiền bỏ ra không nhỏ (17 triệu USD) của đạo diễn Woody Allen, là thắng lớn cả về doanh thu (xấp xỉ 145 triệu USD) lẫn giải thưởng với một vài đề cử danh giá tại giải Quả cầu Vàng 2012. Không nói ra thì ai cũng biết, Midnight in Paris là “chuyện đời chuyện người” của chính tác giả vì tình yêu của ông dành cho nước Pháp. Cũng tại đây, người ta tôn thờ Woody Allen như một vị thánh, hầu như bất kỳ LHP Cannes nào cũng đều có phim của ông được trình chiếu giới thiệu. Tiếng vang lớn từ chiếc thảm đỏ đắt giá nhất thế giới đưa Midnight in Paris trở thành phim thành công nhất của ông 10 năm trở lại đây. Woody Allen khéo léo trong cách tiếp thị tác phẩm của mình, giống như Vương Gia Vệ của ảnh đàn châu Á, Woody Allen chỉ toàn mời ngôi sao hoặc diễn viên đang lên để đóng các vai quan trọng, còn vai phụ xuất hiện thoáng qua, ông có biệt tài tuyển chọn gương mặt gạo cội, thậm chí cả phu nhân nước Pháp Carla Bruni, vào phim của mình. Với thanh danh lẫy lừng, dàn diễn viên thượng thặng, không khó để phim của Woody Allen (chưa hẳn đã là một phim nghệ thuật đỉnh cao hay độc lập) có tiếng nói riêng, độc đáo và khó quên. Có thể Midnight in Paris sẽ được Oscar dòm ngó, còn những phim khác thì sao?


Martha Marcy May Marlene - bộ phim bị Oscar chối bỏ dù đã gặt hái thành công tại Sundance

Hai điển hình cho phim độc lập bị Oscar “chối bỏ” là Martha Marcy May MarleneTake Shelter. Với bộ phim đầu tiên, Sean Durkin - tác giả - đem nó đến Sundance như một phép thử hiển nhiên. Thành tích mang về là giải Best Drama cùng những lời tán dương nồng nhiệt. Un Certain Regard ở Cannes sau đó cũng đem lại “một góc nhìn khác” cho tài năng chớm nở của Elizabeth Olsen, lần đầu đóng vai chính. “Nghịch cảnh” của Martha Marcy May Marlene hay nhiều phim độc lập nghệ thuật khác tại Mỹ là công tác quảng bá rất èo uột do hãng sản xuất nhỏ không đủ lực để đẩy bộ phim lên hàng hút khách tại rạp. Tuy nhiên Martha Marcy May Marlene không lỗ nặng trên hành trình chinh phục doanh thu phòng vé bởi bộ phim quay ở các ngọn đồi và thung lũng xung quanh New York nên kinh phí vận chuyển không quá cao. Xét về khâu sản xuất, Sean Durkin đã tính toán chi tiêu tiết kiệm tối đa. Trong khi đó, Take Shelter, mang đề tài khoa học viễn tưởng với kỹ xảo dàn dựng khá hiệu quả, cũng chung số phận về vụ tiền vé. Dù được các nhà phê bình tung hô nhưng ra rạp chả mấy người xem, thậm chí lỗ gần 4 triệu USD. Điểm bù lại cho những bộ phim này là nó hiện nằm chễm trệ trên Top 10 Phim hay nhất năm của khá nhiều cây viết phê bình phim tên tuổi. Và như một mệnh đề định sẵn, DVD hoặc đĩa Blu-ray của các phim này đầu năm 2012 sẽ được săn lùng và bán đắt như tôm tươi.

Chờ gì ở 2012?

Gần 6 năm kể từ ngày khởi xướng dự án võ hiệp kỳ tình, cho đến nay The Lady From Tang của đạo diễn gạo cội Hầu Hiếu Hiền vẫn chưa có đủ kinh phí để khởi quay. Tuy nhiên, vì Hầu Hiếu Hiền vốn không phải là một nhà làm phim độc lâp đúng nghĩa khi ông có công ty riêng hàng ngày vẫn làm ra những thước phim quảng cáo, casting và tuyển diễn viên cho những dự án điện ảnh mang tính thương mại, nên khán giả của ông vẫn mong chờ The Lady From Tang với tài diễn xuất của Thư Kỳ và Trương Chấn trong mùa LHP Venice sắp tới. Một tên tuổi khác của châu Á là Vương Gia Vệ thì hứa hẹn sẽ khiến làng điện ảnh dậy sóng với bộ phim võ hiệp nghệ thuật The Grandmasters, được dự đoán là một siêu phẩm hội tụ nhiều yếu tố hoàn hảo nhất cho đến nay. Bằng chứng là các bản dựng được “cân đo đong đếm” liên tục khiến cho tiến độ sản xuất của The Grandmasters chậm đi thấy rõ. Lỗi hẹn Cannes 2011, liệu Cannes 2012 có phải là “đất” để The Grandmasters tung hoành hay không còn phải chờ vào sự “lề mề” của Vương Gia Vệ.

The Grandmasters của Vương Gia Vệ hứa hẹn sẽ là
một siêu phẩm hội tụ nhiều yếu tố hoàn hảo

Một vài tựa phim còn lại trong năm 2012 cũng rất hứa hẹn như Django Unchained của Quentin Tarantino, quy tụ một dàn diễn viên nam ấn tượng: Leonardo DiCaprio, Christoph Waltz, Jamie Foxx, Joseph Gordon-Levitt, Sacha Baron Cohen… Hay cuốn phim hài chưa đặt tên của Pedro Almodovar với sự tham gia của Javier Bardem và rất có thể Penelope Cruz hay Kate Winslet sẽ vào vai nữ chính trong câu chuyện mới của Almodovar. The Nymphomaniac, tựa phim gây nhiều tranh cãi của Lars Von Trier với sự hội ngộ Charlotte Gainsbourg gây áp lực cho người hâm mộ khi “cặp bài trùng” này đã diễn những màn khủng khiếp trong Antichrist năm nào. Park Chan-wook cũng sẽ có phim mới ra mắt trong năm 2012, đó là Stoker với diễn xuất của Nicole Kidman, phim được ghi hình tại Tennessee hồi tháng 9 và có thể ra rạp Bắc Mỹ giữa mùa Thu năm nay. Hong Sang-soo, nhà làm phim độc lập “mắn” nhất khi mỗi năm đều đặn cho ra đời một phim, sang 2012 sẽ trình làng In Another Country, bộ phim tốn tiền thứ hai của Hong sau Night And Day hồi 2008. Trong In Another Country, dự kiến ra mắt ở Cannes 2012, Hong và diễn viên người Pháp Isabelle Huppert chắc chắn sẽ tạo nên một cặp bài trùng độc đáo với câu chuyện hài hước phảng phất phong cách dựng từ The Power of Kangwon Province, hay Virgin Stripped Bare by Her Bachelors trước đây của chính tác giả. Ngoài ra còn có Amour, tái hợp “cặp đôi hoàn hảo” Michael Haneke và Isabelle Huppert, hay phim ma cà rồng của Jim Jarmusch với diễn xuất của Tilda Swinton. Nhà làm phim người Thái Apichatpong Weerasethakul với Utopia cũng sẽ gây chú ý không kém.

Nếu chờ xem phim nghệ thuật hoặc độc lập trong năm 2012, trước tiên người ta phải hiểu ở Sundance chiếu gì, Berlin - Cannes - Venice sẽ có gì. Nếu phim nghệ thuật/độc lập chết đi, tức cũng là lúc sẽ chẳng có bất kỳ một LHP Quốc tế nào nữa, và thậm chí Twilight còn lên bục nhận giải Oscar Phim hay nhất nữa không chừng.

Kim Ki-duk đi đầu với Amen

Ở mùa phim nghệ thuật 2011, Kim Ki-duk xứng đáng được nêu tên đầu tiên. Đạo diễn đại diện tiêu biểu cho phong cách làm phim độc đáo của ảnh đàn châu Á đã có cuộc thoát xác ngoạn mục trong dòng phim “một nửa tài liệu” của mình, mở ra giai đoạn mới trong cuộc đời sáng tác với Amen. Amen thuyết phục gần như tuyệt đối bởi người ta đã mừng rỡ nhìn thấy Kim quay về thời kỳ đầu những năm 1990, nhưng bằng mẫn cảm điện ảnh xuyên suốt ngần ấy năm làm phim, Amen vừa sống động vừa tinh tế đủ để thế hệ trẻ ngưỡng mộ và thán phục.

(Còn tiếp)

Chu Trần Minh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm