Phim "Hot-boy nổi loạn…": "Có thể ghét, chứ không thể khinh"

14/10/2011 13:31 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Bộ phim Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (tựa tiếng Anh là Lost in Paradise) công chiếu toàn quốc vào ngày 14/10 với một chủ đề chưa được nhìn đúng tại Việt Nam: đồng tính nam và đĩ đực. Có thể nói đây là một bước tiến của Vũ Ngọc Đãng về nghề nghiệp, trong đó rõ rệt nhất là việc nhận diện xã hội được gởi gắm qua ý tưởng kịch bản khá gai góc.

Lạc lối ở thiên đường

Cũng giống như tựa đề một bài báo hay cuốn sách, tinh tế thì dùng 1-2 chữ, phổ thông thì 3-5 chữ, bình thường thì 6-8 chữ, từ 9 chữ trở lên được xếp vào dài dòng. Phim của Vũ Ngọc Đãng gồm 16 chữ, một tựa đề dài hơn mức bình thường rất nhiều, nên chắc chắn đạo diễn có chủ đích.

Và rõ ràng là vậy, phim lần lượt đưa ra các thân phận khác nhau: những chàng đồng tính nam và đĩ đực; thằng Cười bị câm (Hiếu Hiền đóng); cô gái điếm Phước Hạnh (Phương Thanh đóng); con vịt (nở ra từ một trứng vịt lộn sắp bị cho vào nồi nước sôi). Bốn đại diện cho các thân phận này đều nhìn Sài Gòn như là một nơi chốn của thiên đường, nên muốn đến đó tìm kiếm cơ hội và tự do, nhưng thực tế không dễ sống như vậy.

Một cảnh chụp trong phim. Ảnh: BHD

Lam (Lương Mạnh Hải), Khôi (Hồ Vĩnh Khoa), Đông (Linh Sơn)... cũng như rất nhiều chàng đĩ đực trong phim này đều hé lộ cho người xem thấy rằng họ bị đẩy vào câu chuyện không lối thoát, nên phải sống bên lề một thiên đường chỉ có trong ước mộng. Bà Giovanna Fulvi (giám tuyển phim khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho LHP Toronto) khá tinh tế khi cho rằng: “Lost in Paradise miêu tả một cách táo bạo về những khó khăn của những con người sống bên lề xã hội ở Việt Nam; những nỗi ê chề trong thế giới mại dâm, sự kỳ thị đối với người đồng tính và những khó khăn của họ trong việc bảo vệ tình yêu của mình; những thiệt thòi của những người khiếm khuyết... Bộ phim đã cho chúng ta thấy những khía cạnh hiếm thấy của xã hội Việt Nam đương đại, những câu chuyện về cuộc sống của những con người Việt Nam mà ít ai biết đến”.

Phim cũng ngụ ý rằng bên cạnh một thành phố ngày càng hào nhoáng, đẹp đẽ vẫn còn đó những cảnh đời, những lối sống... mà không phải tự thân họ chọn lựa hoặc né tránh là được. Rất nhiều cảnh quay thể hiện rõ sự tương phản này, khi bên kia sông là những tòa nhà cao cấp thì bên này thằng Cười cô quạnh trong chiếc thuyền rách nát, chỉ có thể bầu bạn với một con vịt. Hoặc là cảnh cô gái điếm quá lứa Phước Hạnh đêm đêm ngồi đợi khách với những xa hoa và bất công đang vây bủa cô, đến mức cô phải giết người rồi ra đầu thú. Một cuộc đời trái ngược với “phước” và “hạnh” mà cái tên mong muốn. Hoặc là Khôi (đáng lý thi đại học thì bỏ vào Sài Gòn với ước mong người đồng tính như mình sẽ có đất sống, ai ngờ địa ngục kế cận, nên sau tất cả gian nan thì mới trở lại ôn thi đại học). Cho nên tựa đề quốc tế của phim này Lost in Paradise (tạm dịch: Lạc lối ở thiên đường) có vẽ sâu sát hơn, nếu xét về ý tưởng kịch bản và cách giải quyết vấn đề.

Cần cái nhìn bao dung

Kịch bản phim này không viết ra để kể, không có các kịch tính cố tình và cũng không có cái kết nhất định, nó như một lát cắt cuộc đời, vốn dài dằng dặc, mà 95 phút phim chỉ là một nháy mắt của số phận.

Sau phim Chuột, đây là phim đánh dấu sự trở lại với tinh thần bao dung của Vũ Ngọc Đãng, anh không chỉ cho người xem thấy được hiểu biết của mình về giới đồng tính và đĩ đực, mà qua đó biểu lộ một nhận thức tiến bộ. Phim có bi kịch và hài hước, nhưng không chọn cái nhìn phê phán hay mỉa mai để thể hiện, mà là cách đưa ra một hiện trạng gần như hiển nhiên của cuộc sống, rồi cảm thông và phân tích nó.

Ông Michael J. Werner (Chủ tịch Fortissimo Films, nơi mua độc quyền phát hành phim này ở nước ngoài) cho rằng: “Vũ Ngọc Đãng thuộc thế hệ đạo diễn mới ở Việt Nam, anh có cả sự nhạy cảm về thương mại và tầm nhìn nghệ thuật. Trong phim Lost in Paradise, anh đã sử dụng yếu tố tình cảm và hài hước để mô tả sự giao nhau trong cuộc sống hàng ngày của một cặp đồng tính nam, một chàng trai khờ khạo bị câm và một cô gái đứng đường, qua đó cho thấy sự phức tạp, vô lý của tình yêu và những mối quan hệ trong cuộc sống”.

Khi đi vào ngóc ngách, phim có thể rơi vào các nhược điểm như quay quá đẹp (nhiều chỗ giống clip) trong khi cuộc đời quá khốc liệt; thoại quá văn hoa và dài dòng (giống phim truyền hình), trong khi hoàn cảnh sống quá bạc bẽo, cộc lốc. Ví dụ như câu thoại của Khôi được chọn làm “biểu ngữ” cho phim: “Không ai được quyền chọn lựa giới tính của mình khi sinh ra, nhưng mình có quyền lựa chọn cách sống với giới tính mà mình đang có”. Nó hoàn toàn hoa mỹ so với xuất thân của nhân vật và hoàn cảnh đối thoại lúc đó, bởi cũng ý này, nếu viết thô và gọn hơn, chắc chắn sẽ mạnh hơn.

Còn về tổng thể, có thể nói như một khán giả trẻ, đây là phim làm cho bạn ghét, chứ bạn không thể khinh, vì nó nhìn được cái nhìn bao dung của thế hệ chúng tôi. Vì thế, nó đáng xem và xứng đáng nhận được sự bao dung của khán giả trước những câu chuyện tưởng như gây sốc, nhưng vốn không xa lạ ngoài đời sống hàng ngày.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm