Câu chuyện của một thế hệ làm phim mới

14/07/2011 07:39 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Tháng 8 này, Trịnh Đình Lê Minh (1986) lên đường sang Mỹ theo học ngành sản xuất phim tại University Of Texas Austin theo học bổng Fullbright. Còn Tạ Nguyên Hiệp (1982) hoàn tất một phim ngắn và bắt tay vào dự án phim 90 phút đầu tiên. Cuộc ra mắt của cả hai tại CLB điện ảnh Cà phê thứ Bảy mới đây với hai bộ phim ngắn, Chung cư của tôi Phía sau cái chết (*), đã khiến nhiều người xem sửng sốt về ngôn ngữ và xúc cảm điện ảnh.

Đại diện cho một thế hệ những người làm phim trẻ, sau những tài năng đã phát lộ như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Phan Đăng Di..., họ được kỳ vọng sẽ thật sự tạo ra một làn sóng mới của điện ảnh Việt Nam trong tương lai không xa. Câu chuyện của họ trong cuộc gặp gỡ với TT&VH Cuối tuần không đơn thuần là của hai cá nhân, mà còn là câu chuyện của một thế hệ những người làm phim mới…

* Chung cư của tôi của Lê Minh được làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp, rất gần với phong cách làm phim hiện đại châu Âu, mang hơi hướng dòng phim tác giả. Ngược lại, Phía sau cái chết của Hiệp rất chặt chẽ với các thủ pháp điện ảnh hấp dẫn, nghẹt thở đặc trưng của dòng phim giải trí Hollywood. Hai cách làm phim, hai cách kể chuyện rất khác nhau, khiến tôi tò mò: Điều gì thôi thúc hai bạn làm phim?

Trịnh Đình Lê Minh (TĐLM): Với tôi, làm phim là để chia sẻ. Khi học trung học, tôi tham gia Yxine là để chia sẻ với nhiều người những cảm nhận của mình về các phim được xem và sau đó nhận ra rằng biết đâu mình cũng có thể làm phim. Đến hồi thi đại học, ngoài các phương án an toàn, gồm kinh tế và báo chí, tôi thi thêm ngành đạo diễn tại ĐHSK&ĐA. Kết quả đỗ cả 3 trường nhưng quyết định học cùng lúc kinh tế và điện ảnh. Gia đình thì nói, thôi, học kinh tế là chính, còn điện ảnh chỉ để thỏa mãn niềm đam mê thôi. Nhưng tôi, dù rất mơ hồ, lúc ấy vẫn cứ nghĩ rằng sau này nghề chính của mình sẽ là làm phim, kinh tế chỉ là cái nền trợ giúp. Bây giờ thì tôi thấy mình may mắn vì đã đi trên con đường mình muốn.

Tạ Nguyên Hiệp (TNH): Nhà tôi có truyền thống theo nghề chụp hình. Ông nội trước đây chụp ảnh dạo ở Nguyễn Huệ. Bố “nâng cấp” lên chụp hình đám cưới. Từ năm học lớp 11 tôi đã lôi máy của bố ra để chụp. Đến khi thi đại học, thấy ngành quay phim Trường SK&ĐA có môn phân tích hình, nghĩ nếu là ảnh thì mình có chút kinh nghiệm, nên thử, ai dè đậu thủ khoa. Tôi học quay phim 3 năm, như được tổ đãi, học tàng tàng nhưng kết quả cứ xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa luôn. Ra trường đi làm phụ quay, nhiếp ảnh hiện trường, lang thang qua nhiều phim. Nhưng thú thật, đi quay tôi rất tức vì mình quay tốt nhưng đạo diễn, dựng phim không dựng ra được tiết tấu và không khí mình hình dung lúc quay. Bởi vậy mà tôi quyết tâm học đạo diễn. Ý muốn này có lẽ xuất phát từ việc tôi quan tâm đến vấn đề dựng phim, tiết tấu cảnh, cách kể chuyện, sắp đặt đến nhân vật…, được thôi thúc khi bộ phim tốt nghiệp của tôi được giải Ba phim ngắn toàn quốc (năm đó phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đoạt giải nhì).


Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp. Ảnh: Cafe Trầm

* Cùng thế hệ, cùng trường, nhưng những gì hai bạn thể hiện trong những phim ngắn đầu tay thể hiện hai phong cách, hai con đường hoàn toàn khác nhau. Tại sao Lê Minh lại chọn kiểu làm điện ảnh tài liệu trực tiếp còn Hiệp chọn dòng phim giải trí thương mại?

TĐLM: Lúc còn học trong trường, tôi không quan tâm đến phim tài liệu, cho đến khi xem phim của những người theo học khóa đầu chương trình đào tạo Varan. Ban đầu xem thể loại này cũng thấy nó cứ làm sao ấy, bay bay lâng lâng đâu đâu, nhưng càng xem càng thấy ngấm. Trước đó, xem một số phim tài liệu, dù dài có 20 phút thôi nhưng thấy như hàng giờ đồng hồ vì nhiều thứ trong phim như không thật, khi tác giả nói quá nhiều, nhân vật không có cơ hội nào để biểu lộ hay thể hiện chính kiến, quan điểm. Người xem cũng không có khoảng trống nào riêng cho họ trong câu chuyện ấy. Điều ấy ngược lại với phim tài liệu trực tiếp. Sau khóa học Varan, tôi hâm mộ trường phái này và quyết định sẽ theo đuổi xem mình sẽ đi được đến đâu. Năm ngoái, hai nhà làm phim tài liệu người Mỹ đến Việt Nam chiếu bộ phim Dòng nước dữ, sau khi xem phim của tôi nói rằng họ bất ngờ vì chúng tôi có chung cách tiếp cận nhân vật, tiếp cận sự việc tuy rằng hình ảnh có khác nhau, đó là điều động viên tôi rất nhiều, vì thấy mình đang đi đúng hướng.

TNH: Còn tôi thích phim Hollywood, thích nhất phim của đạo diễn Stephen Spielberg. Ông ta kể chuyện rất lôi cuốn, câu chuyện của ông rất dễ xem nhưng sau đó luôn đọng lại những vấn đề giữa con cái với bố mẹ, giữa con người với con người.

* Khi làm phim, các bạn quan tâm nhất đến điều gì?

TNH: Tôi quan tâm nhất là câu chuyện. Tôi thích một câu chuyện hấp dẫn và sau tất cả sự cuốn hút thì đọng lại điều gì đó cho người xem, về tình cảm giữa con người với con người, nhất là tình cảm gia đình.

TĐLM: Cái tôi quan tâm mơ hồ hơn anh Hiệp. Tôi quan tâm đến cảm xúc của người xem có được như mình mong muốn không. Cách thể hiện cảm xúc của tôi có thể thông qua nhiều cái lặt vặt như câu chuyện, nhân vật, hình ảnh, âm nhạc, mối dựng…

* Ai là người gây ảnh hưởng nhất với 2 bạn trong sự nghiệp làm phim?

TĐLM: Trương Nghệ Mưu. Lúc học cấp 2 tôi được xem phim Đèn lồng đỏ treo cao phát trên tivi và bị ám ảnh. Hình ảnh đó, những mối giằng xé giữa các nhân vật trong đó khiến tôi lờ mờ hiểu ra điện ảnh là gì dù rằng nếu chỉ bộ phim đó thì chưa đủ lý do để tôi quyết định học làm phim.

TNH: Tôi còn nhớ rất rõ cảm xúc khi xem Giác quan thứ sáu ở rạp Thăng Long. Hồi đó, tôi học quay phim năm thứ hai, rạp này chiếu thường trực, có thể ngồi xem đi xem lại cũng được, tôi đã xem liên tục 3 lần. Tôi thích cách kể và cảm giác mà người đạo diễn mang lại cho khán giả. Khi xem lần đầu chỉ thấy là phim rất lôi cuốn, hấp dẫn, lạ và có những bất ngờ khiến mình choáng váng. Xem lần thứ hai, thứ ba dưới góc độ nghề nghiệp thì thấy ông đạo diễn này giỏi quá, ông muốn người xem phải trố mắt ngạc nhiên lúc nào thì làm được ngay. Tay nghề đạo diễn cực giỏi, từ cỡ cảnh, âm thanh, góc máy, kể chuyện, diễn xuất… Cho đến giờ, với tôi, đó là một bộ phim hoàn hảo về câu chuyện, hình ảnh, nhân vật…, đó là bộ phim mà tôi muốn làm được gần giống nhất.

* Vậy còn với phim Việt Nam, có phim nào làm các bạn thích hoặc ấn tượng?

TĐLM: Phim Việt Nam có nhiều tác phẩm tôi thích nhưng để ám ảnh hay ấn tượng sâu sắc hoặc gây ảnh hưởng thì chưa. Nhiều người phê phán Gái nhảy nhưng với tôi đó là bộ phim mang lại cho mình niềm hy vọng rằng mình sẽ làm được phim ở Việt Nam. Sau bao năm điện ảnh ngủ quên giờ như được đánh thức, khiến tôi tự tin và vững vàng hơn để đi học điện ảnh. Gần đây thì tôi thích Trăng nơi đáy giếng vì nó mang lại sự ám ảnh và cảm xúc cho người xem.

TNH: Tôi rất thích Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Tôi rất bất ngờ vì không hiểu tại sao ở thời “xa xưa” mà người ta làm được phim hay như vậy, lấy được những khung hình rất chuẩn, đẹp mà bây giờ làm lại không được. Gần đây, tôi thích các bộ phim thị trường như Để Mai tính, Giao lộ định mệnh, Nụ hôn thần chết… Tôi thích cách các đạo diễn mang cảm xúc, sự lôi cuốn đến cho khán giả trẻ.

* Gái nhảy hay Cô gái chân dài là những bộ phim mang tính mở đường, đánh thức. Cái mở đầu thường có nhiệt huyết nhưng lại nhiều ngờ nghệch, lộ ra nhữngthiếu hụt. Hai bạn đánh giá cái đóng góp, cái được và những cái chưa được của những phim mở đầu đó như thế nào?

TNH: Thời kỳ này, kỷ niệm tôi gắn bó với Những cô gái chân dài rất lớn, tôi làm nhiếp ảnh hiện trường cho phim này, và xem nó như một trường cao đẳng thứ hai sau khi tốt nghiệp của mình. Tôi đã rất bất ngờ vì cách mà đạo diễn và nhà sản xuất làm, nó rất khác với những gì mình tưởng. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mở lại phim này cho cháu tôi xem, tôi thấy nó rất đáng yêu và trong sáng. Nếu phim đó làm vào lúc này, câu chuyện sẽ bị cũ và chán, mười mấy năm nữa không ai làm mà mình làm thì may ra mới hút. (Cười). Nhưng tôi nghĩ thời điểm ấy phải làm câu chuyện người ta có thể đồng cảm được, và anh Đãng đã rất khôn ngoan khi làm được một câu chuyện mà thiếu nữ và thanh niên Việt Nam xem sẽ rất đồng cảm.

TĐLM: Tôi nghĩ đó là một khởi đầu rất khá cho điện ảnh Việt Nam. Xét trên cả kịch bản, câu chuyện và diễn viên, 2 phim đó đều đạt mức khá nên đến giờ xem lại tôi vẫn không có cảm giác sống sượng, phim thể hiện sự làm việc nghiêm túc, cái tâm của người làm. Tuy không phải 2 bộ phim hoàn hảo nhưng tôi luôn trân trọng chúng.


Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Ảnh: Cafe Trầm

* Trong giai đoạn đó, những Lọ lem hè phố, Lấy vợ Sài Gòn, 2 trong 1, Chuông reo là bắn… được làm trong một không khí rất hồ hởi. Nhìn từ góc độ về nghề nghiệp một cách sòng phẳng, các bạn thấy sự chuyển động đó như thế nào?

TNH: Tôi có cảm giác sau thành công của 2 phim mở đầu, mọi người thấy làm phim dễ quá, ai cũng có thể làm được, nhà sản xuất háo hức, họ lao vào làm nhanh, làm nhiều mà thiếu sự chuẩn bị, thiếu sự đồng bộ nhân lực. Những phim sau yếu tố ăn khách bị đẩy lên quá mà không tập trung vào câu chuyện và thông điệp, theo kiểu càng nhiều diễn viên hài càng tốt, càng nhiều miếng hài càng tốt, càng nhiều cảnh nóng càng tốt. Một bộ phim quá nhiều những thứ đó, quá nhiều phim giống nhau ở cách làm đó sẽ khiến khán giả ngán.

TĐLM: Ở giai đoạn mà cả người xem lẫn người làm đều dễ dãi thì sẽ dẫn đến thất vọng, đổ vỡ. Đó là điều gây thất vọng vì sau những bộ phim được làm khá chỉn chu thì mọi thứ lại đi xuống đến mức người ta phải cảnh báo về sự trở lại của phim “mì ăn liền” lần 2. Nhưng rất may là đã có sự vực lại, không để đi xuống và rơi vào tình trạng bị cấm làm phim.

* Tôi có cảm giác việc nhà sản xuất hoặc người làm phim muốn tạo được sự đi lên liên tục thì phải đi trước khán giả chứ không chỉ làm liên tục những cái khán giả đang thích. Đáp ứng nhưng phải luôn luôn đi trước.

TĐLM: Tôi nghĩ trong một số trường hợp thì điều này đúng. Chẳng hạn như James Cameron làm được nhiều phim bom tấn nhưng sau mỗi bộ phim ông đều dừng lại và đi làm phim kiểu khác chứ không tiếp tục khai thác những cái đã thành công. Chẳng hạn, sau Titanic, ông ta có thể làm những phim thành công như vậy nhưng ông đi tìm một con đường khác, làm phim 3D, Avatar. Rõ ràng ông đã hiểu khán giả đói cái gì để đi trước khán giả và thành công gấp bội. Nhưng ở thị trường Việt Nam thì rất khó nói. Tôi không nghĩ rằng phim Việt Nam có cơ hội đi trước khán giả bởi đến giờ công nghệ của mình đang ở đâu mà đòi đi trước? Điển hình, phim 3D của anh Lê Bảo Trung cũng là đi trước, nhưng đã trở thành thảm họa trên màn ảnh và tôi không biết đến bao giờ thì người ta sẽ làm phim 3D thứ hai ở Việt Nam.

TNH: Tôi thấy sự phát triển của Internet đã đẩy nhu cầu của khán giả trong nước cao ngang với khán giả ở bất cứ thị trường điện ảnh phát triển nào. Cái mới của người trẻ Việt Nam giờ cũng ngang bằng với thế giới rồi nên nếu muốn đi trước thì phải đi trước cả Mỹ, điều đó rất khó. Vì thế, mình phải làm những cái trong tầm kiểm soát nhưng hợp với người Việt Nam, như Để Mai tính hay Cô dâu đại chiến là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và phù hợp. Khán giả Việt Nam coi phim Việt Nam cũng thông cảm nhiều, chỉ cần mới hơn những gì đã làm là ổn rồi.

* Những đầu phim các bạn nhắc đến hầu như là phim của đạo diễn Việt kiều, vậy theo các bạn sự vực dậy nhờ dòng phim Việt kiều có phải là cơ may không?

TĐLM: Thế mạnh của phim Việt kiều là họ làm đúng thể loại và kịch bản tốt. Một bộ phim mà làm đúng thể loại thì chắc chắn sẽ thu hút. Tuy nhiên, tôi thấy có những phim rất Việt Nam nhưng có phim Hollywood quá, chỉ khác là do diễn viên Việt đóng.

TNH: Điểm mạnh nhất là họ làm phim thực sự bằng những đam mê, họ chăm chút, chuẩn bị kỹ. Nói gì thì nói, phim họ dù rất Tây nhưng câu chuyện lại rất Việt Nam từ bối cảnh đến con người, trang phục. Chỉ những người xa quê mới chăm chú để thấy từng chi tiết nhỏ như thế.

* Quay trở lại chuyện của các bạn, thế hệ xuất phát sau dòng phim Việt kiều. Các bạn dự đoán con đường của mình sẽ thế nào?

TNH: Tôi thuộc thế hệ vừa khó vừa dễ làm. Trước đây anh Dũng, anh Đãng vừa ra trường đã có cơ hội làm phim 90 phút với dòng phim chính thống. Còn chúng tôi vừa ra trường là bị cuốn phăng đi bởi truyền hình thực tế, phim dài tập hoặc những show kiếm tiền. Tôi và Minh cùng nhiều người khác rất mong mỏi có nhiều cơ hội được thử sức với phim 90 phút. Bài toán khó nhất vẫn là những bài toán của chính bản thân mình thôi.

TĐLM: Trước mắt tôi đi du học đã.

* Hiệp hình như vừa từ chối một học bổng ngắn hạn ở Hàn Quốc?

TNH: Tôi rất muốn nhưng mỗi thời kỳ tôi có một mục đích. Du học là mục đích lâu dài của tôi. Nếu may mắn, sau khi làm được 1-2 phim tôi sẽ đi học như Minh.

TĐLM: Tôi thấy làm phim có nhiều cách học, học qua sách vở, qua việc đi theo các đoàn phim... Tôi may mắn vì có được cơ hội đi du học nhưng nếu điều kiện không cho phép thì tôi cũng sẽ vẫn tìm cách để tự học ở trong nước.

Nhìn vào việc anh Hiệp phải tự mình làm nhiều việc cũng xuất phát từ việc anh không thể tìm được người giỏi biên kịch, dựng phim, âm thanh... để làm chung với mình. Vậy là dù đạo diễn học ở nước ngoài nhưng những thành phần khác lại không được đào tạo bài bản theo công nghệ thì sao làm được.

(*) Chung cư của tôi được lựa chọn để chiếu ở Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế VIFF 2011 (Mỹ) trong chương trình New Voice From Vietnam. Phía sau cái chết được giải Phim ngắn hay nhất tại Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế - VIFF 2011 (Mỹ).

Thủy Phạm - Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm