Phim nghệ thuật ở Việt Nam: Đi tìm một chỗ đứng

05/05/2011 07:10 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Nếu như nhiều năm trước, khán giả thực sự của dòng phim art-house chỉ có duy nhất một cửa để tiếp cận với các tác phẩm dòng này là… đĩa lậu thì nay, đặc biệt là từ đầu 2011, ngày càng có nhiều bộ phim dòng này ra mắt khán giả chính thức tại các cụm rạp hiện đại. Tuy nhiên, đằng sau đó lại cũng chứa nhiều nỗi niềm của cả nhà kinh doanh lẫn người xem.

>> Chuyên đề Điện ảnh: Nhìn qua khe cửa hẹp

Chỗ đứng ở thời “cinema gia đình”

Trước tiên phải khẳng định rằng, thông qua con đường băng đĩa lậu, hầu hết các bộ phim art-house, từ phim nói tiếng Anh, phim châu Âu đến phim của châu Á đều đã có mặt ở Việt Nam ngay từ khi hoạt động của các rạp chiếu bóng còn vật vờ, ngầy ngật và người Việt chủ yếu tiếp cận với các tác phẩm điện ảnh theo công thức “cinema gia đình = một đầu máy + một tivi”. Những tín đồ của dòng phim này luôn có các cửa hàng băng đĩa “ruột” chuyên cung cấp những bộ phim nằm trong danh sách phải xem của họ. Tại TP.HCM là những nơi như tiệm đối diện với rạp Cinebox ở Lý Chính Thắng hay tiệm Phúc trong Saigon Square (trước đây)… còn tại Hà Nội, địa chỉ của các fan dòng điện ảnh này từng được biết đến với việc thành lập và điều hành CLB điện ảnh Fansland trên đường Lý Thường Kiệt trước đây - Dũng Digital và một số cửa hàng băng đĩa ở phố Hàng Bạc, ngõ Bảo Khánh… Có những bản phim hiếm không có phụ đề tiếng Việt, dân ghiền đành phải xem với phụ đề tiếng Anh, thậm chí không có phụ đề trong khi đó là phim không nói tiếng Anh, nhưng điều đó chẳng làm giảm đi mấy cảm giác của họ với các tác phẩm rất khó xem cho dù có tường tận ngôn ngữ (tiếng nói) này. Vào lúc Internet còn chưa phát triển, chủ các tiệm băng đĩa kia có nguồn thu rất ổn định từ nguồn khách hàng đều đặn mà mỗi lần đến đều lấy vài chục phim mang về và họ cũng để riêng những đầu phim dòng này vào một nơi để thuận tiện việc phục vụ khách ruột thay vì bắt họ phải bới tìm trong muôn vàn những đầu phim dòng khác. Một chuyện khá “éo le” với dân ghiền phim art-house là thỉnh thoảng chẳng may đi lạc vào một tiệm băng đĩa bình thường thì lại cũng chẳng may nhìn thấy một vài bộ phim art-house nào đó nằm lẫn trong rổ đĩa được phân loại là phim “tâm lý” (chính xác là phim khiêu dâm), chẳng hạn như bộ phim Cánh cung của đạo diễn nổi danh số một trong lĩnh vực phim art-house Hàn Quốc Kim Ki-Duk, chỉ bởi vì bìa đĩa phim này là ảnh cô gái nhân vật chính... không mặc áo!

Để xem được phim nghệ thuật ở một không gian điện ảnh hơn, là các rạp chiếu, người hâm mộ không còn cách nào khác là chờ đến những LHP được tổ chức bởi các đơn vị ngoại giao như LHP châu Âu của phái đoàn Liên minh châu Âu, các cuộc chiếu phim trong khuôn khổ những chương trình trao đổi văn hóa do các đại sứ quán tại Việt Nam thực hiện như chương trình của Viện Trao đổi văn hóa với Pháp, Viện Goethe (Đức) hay ĐSQ Úc… Tuy nhiên, ở những hoạt động này, chỉ rất ít phim nghệ thuật, chủ yếu là những phim có nội dung không quá nhạy cảm, được trình chiếu tại những rạp nhỏ với chất lượng âm thanh, hình ảnh hạn chế. Chẳng nói đâu xa, mới đây nhất, LHP châu Âu 2010, khán giả đã rất phiền lòng khi vẫn còn phải xem những bản phim được chiếu ở màn ảnh rộng dưới dạng DVD với giọng thuyết minh lấn át âm thanh gốc của phim.

Chỗ đứng thời bùng nổ rạp

Giai đoạn đầu của thời kỳ bùng nổ rạp, khi hoạt động chiếu bóng nhộn nhịp hơn, các rạp hầu hết đã chuyển sang hình thức sở hữu tư nhân hóa thì cơ hội được thưởng thức các tác phẩm art-house một cách đúng nghĩa của người hâm mộ Việt Nam vẫn gần như đóng chặt. Thời kỳ đó, ở TP.HCM duy nhất có rạp Cinebox dành ưu ái cho phim nghệ thuật Việt Nam khi có hẳn một chương trình chiếu phim cho dòng phim này. Thời xa vắng, Mùa len trâu hay Mê Thảo - Thời vang bóng đã được chiếu ở Cinebox khá lâu trong khi đã “đứt bóng” tại các rạp khác chỉ sau vài ngày ra mắt. Tuy nhiên, hoạt động này được duy trì không bao lâu khi mà có những suất chiếu phải hủy vì không bán nổi một vé!

Nhà phát hành Galaxy với lợi thế là những cụm rạp của riêng mình đã từng có chiến lược phát hành phim của đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Trương Nghệ Mưu nhưng cũng phải dè dặt với các tác phẩm “khó xem” của ông. Bằng chứng là năm 2005, khi bộ phim nghệ thuật của Trương là Thiên lý tẩu đơn kỵ được phát hành song song với Vô cực, một bộ phim thương mại được mệnh danh là bom tấn Trung Quốc của đạo diễn Trần Khải Ca, Galaxy đã chọn Vô cực chứ không phải Thiên lý tẩu đơn kỵ.

Mới đây nhất, BHD, nhà phát hành “chuyên trị” phim châu Á, đặc biệt là phim Hong Kong, Trung Quốc đã buộc phải đưa Chuyện tình cây táo gai của đạo diễn Trương Nghệ Mưu vào chiếu trong khuôn khổ LHP quốc tế Việt Nam 2010 vì không thể đặt niềm tin vào các phòng vé khi phát hành thương mại mặc dù đã bỏ tiền nhập về với mục đích ban đầu là chiếu thương mại.

Ở Việt Nam, hiện tại có duy nhất một rạp chiếu phim dành cho các bộ phim không thuộc dòng thương mại, đó là CLB Cinémathèque ở 22A Hai Bà Trưng (Hà Nội) với khoảng 100 chỗ ngồi, do một fan hâm mộ nghệ thuật thứ bảy lập ra. Rạp được trang bị hệ thống màn hình, âm thanh hiện đại và ưu tiên chiến lược phát triển thành viên của CLB khi chỉ thu phí 50.000 đồng/năm/thành viên.

Các bộ phim được đề cử Oscar (hầu hết thuộc dòng phim nghệ thuật) năm nay được nhà phát hành lớn nhất Việt Nam, MegaStar, đưa hẳn vào một chương trình phát hành riêng, rất trân trọng, mang tên MegaStar Picks (trước đó MagaStar cũng đã từng phát hành một số phim dòng này, theo dạng đơn lẻ, như hai bộ phim đoạt Oscar năm 2008 và 2009 - Không chốn dung thân và Triệu phú ổ chuột). Rừng Na Uy, Bi, đừng sợ! được dự báo kén khách ngay từ khi chưa chính thức ra mắt, nhưng cả hai đều được Thiên Ngân, nhà phát hành phim nội địa có mạng lưới rạp lớn nhất hiện nay, nhận phát hành chính thức trong hệ thống rạp của mình. Công ty BHD dù mới tham gia kênh phát hành phim chưa lâu, cũng đã liên tục dành cho phim Việt, nhất là dòng phim tác giả, phim nghệ thuật, những tuần lễ chiếu phim đặc biệt…

Đại diện của MegaStar cho biết kết quả ban đầu của chương trình MegaStar Picks không nằm ngoài dự đoán của nhà phát hành này khi quyết định mở thêm hạng mục kinh doanh mới. Nhiều suất chiếu trong chương trình khán giả kín 70% số ghế trong rạp. Với Bi, đừng sợ!, con số hơn 3.000 lượt khán giả tới xem ngay trong 3 ngày chiếu đầu tiên được xem là một kỳ tích, dù con số này còn rất khiêm tốn và số đông khán giả mua vé vì tò mò với những cảnh “nóng” trong phim.

Trong Tuần lễ phim Việt mới đây, BHD đã đưa cả những bộ phim thuộc loại “khó xem” như Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng, Bi, đừng sợ! ra chiếu ở cụm rạp mới toanh của mình… Tuy nhiên, mặc dù nhận phát hành Chơi vơi, có chiến dịch PR bài bản, rầm rộ nhưng nhà phát hành Galaxy cũng chỉ xếp Chơi vơi vào những suất chiếu “giờ… đồng” là 10 giờ sáng và 12 giờ trưa - những suất chiếu ít người xem, đặc biệt là những ngày không cuối tuần. Và chỉ sau một tuần trụ rạp, Chơi vơi cũng bị nhà phát hành này cho “out” bình đẳng như bất cứ bộ phim vắng khách nào.

Với Bi, đừng sợ!, tuy thông tin những ngày chiếu đầu khá lạc quan, song có thể nhận thấy sự dè dặt của nhà phát hành khi chỉ cho “Bi” xuất hiện ở cụm rạp mới của Galaxy nằm tuốt dưới Tân Bình, một khu vực không tập trung những khán giả thật sự của dòng phim này, chứ không phải một trong hai cụm rạp ở trung tâm thành phố. Tương tự, Rừng Na Uy ra mắt tại Hà Nội và TP.HCM khá rầm rộ đúng dịp Noel năm 2010, nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khán giả vốn là fan của cả Murakami (tác giả tiểu thuyết) lẫn Trần Anh Hùng (đạo diễn phim), nhưng thay vì ra rạp chính thức ngay từ ngày 31/12/2010 như kế hoạch ban đầu, Rừng Na Uy buộc phải dời ngày khởi chiếu để nhường rạp vào những “ngày vàng” (Noel và Tết Dương lịch) cho những bộ phim giải trí của Hollywood. Tại Hà Nội, nếu khán giả có thể xem Rừng Na Uy tại hai địa chỉ là rạp Dân Chủ và cụm rạp Vincom, thì tại TP.HCM, phim chỉ chiếu trong cụm rạp Galaxy. Tuy vậy, việc công chiếu Rừng Na Uy tại Việt Nam chỉ sau thị trường Nhật Bản, trước nhiều thị trường Mỹ và châu Âu, đã đáng để ghi công nhà phát hành tư nhân Galaxy trong việc góp phần mở rộng hơn cánh cửa ra rạp của dòng phim nghệ thuật ở Việt Nam.

Bài kết: Phim giành Cành cọ vàng sẽ tới Việt Nam?

D.V.A

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm