Bài toán nghệ thuật & kinh tế (Bài 1)

03/05/2011 06:51 GMT+7 | Phim

Nhìn qua khe cửa hẹp

Không phải chỉ ở Việt Nam, việc phát hành phim nghệ thuật luôn bị xem là khe cửa hẹp…Cũng giống như bản thân việc sản xuất một bộ phim nghệ thuật (art-house), chuyện phát hành chúng ở khắp các thị trường chiếu bóng từ lớn đến nhỏ luôn gặp nhiều vấn đề và cần được hậu thuẫn từ nhiều phía bởi hoạt động này nằm ngoài guồng quay doanh thu thương mại. Nếu như ở châu Âu hay Mỹ luôn có những tổ chức, cá nhân sẵn sàng “bao thầu” cho hoạt động phát hành phim nghệ thuật thì ở Việt Nam, kể từ khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp trong điện ảnh, chuyện này còn hy hữu bởi những lý do không chỉ nằm ở phía các nhà phát hành.

Tuần này, chuyên đề Phát hành phim nghệ thuật mời bạn đọc thử nhìn qua khe cửa hẹp…

Tổ chức chuyên đề: DƯƠNG VÂN ANH


(TT&VH Cuối tuần) - Châu Âu vốn được mệnh danh là xứ sở bao cấp nghệ thuật, với những chính sách hỗ trợ trong nội bộ Liên minh EU. Với điện ảnh, ngoài chính sách riêng ở từng nước, Liên minh châu Âu đã đưa vào chương trình MEDIA từ năm 1991, đến nay đã trải qua mốc thứ năm với MEDIA 2007-2013. Chương trình hiện tại có tổng giá trị 755 triệu euro và được đầu tư chủ yếu vào việc hỗ trợ phát hành phim châu Âu (chiếm 55% tổng giá trị), khuyến khích phát triển dự án (20%), còn lại là dành cho quảng bá và đào tạo.

>> Chuyên đề Điện ảnh: Nhìn qua khe cửa hẹp

Nhờ sự bảo trợ đó mà đội ngũ làm phim độc lập và mạng lưới phát hành phim nghệ thuật ở châu Âu có thể tồn tại trong hai mươi năm qua. Danh sách những người từng được “chống lưng“ bởi MEDIA rất dài, trong đó có các tên tuổi nổi tiếng như Ken Loach, Michael Haneke, Wim Wenders, Lars Von Trier, Nanni Moretti, Pedro Almodovar, Roman Polanski, Jacques Audiard, Theo Angelopoulos, Aki Kaurismaki, Krzysztof Kieslowski, François Ozon, Stephen Frears. Tác phẩm của họ đã không thể được biết đến rộng rãi ở châu Âu và từ đó có cơ hội vươn ra thế giới nếu như thiếu vắng chính sách trợ giúp phát hành hướng đến các công ty phát hành và các rạp chiếu có quy mô vừa và nhỏ.

Chẳng hạn ở Pháp có những rạp chiếu chỉ có một phòng với số ghế không quá 100, chủ rạp là một đôi vợ chồng già vừa bán vé, vừa quét dọn. Những buổi chiếu của họ đôi khi chỉ có một hai người xem. Nhưng bộ phim vẫn được chiếu, nếu như có khán giả tìm đến coi. Đạo diễn Việt Linh luôn tỏ ra xúc động mỗi khi nhắc đến những tấm lòng yêu điện ảnh một cách đầy chân thành như thế. Còn tại Đức, phần lớn các rạp chiếu phim nhỏ và nghệ thuật có lẽ chỉ cầm cự được với sự giúp đỡ thêm từ nguồn ngân sách Liên minh châu Âu.

Trang trí sảnh chiếu tại rạp Kino 3001 ở Hamburg (Đức)

Tuy nhiên, cũng có những rạp thành công và sống tốt nhờ vào chính lượng khán giả của mình, như rạp chiếu bóng Abaton ở Hamburg, do có vị trí đắc địa ngay gần trường đại học và gần trung tâm. Hệ thống rạp chiếu phim nghệ thuật và độc lập ở châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ,...) được tập hợp dưới Hiệp hội CICAE (Confédération Internationale Des Cinémas D’Art Et D’Essai) với lịch sử ra đời từ năm 1955, đến nay có 3.000 màn hình chiếu phim khắp châu Âu thuộc sở hữu các thành viên của hội và phục vụ 100 triệu lượt khán giả mỗi năm. Hàng năm, CICAE đều cử các đại diện của mình đến các liên hoan phim quốc tế có chỗ đứng ở châu Âu như Cannes, Berlin, Venice, Festroia, Locarno, Hamburg, Sarajevo... để tìm kiếm và trao giải cho các bộ phim nghệ thuật cần được giới thiệu đến khán giả.

Châu Âu, với thế mạnh đa sắc tộc, đa văn hóa, biết rằng cần phải giữ gìn vốn quý đó và một cách hiệu quả nhất chính là đầu tư vào hỗ trợ điện ảnh. Điều này được thể hiện không chỉ qua các chương trình và hiệp hội lớn như MEDIA hay CICAE, mà còn có những tổ chức độc lập nhỏ hơn được hình thành bởi những con người mang tinh thần tranh đấu cho sự sống còn của một nền điện ảnh đa dạng. Ví dụ như ACID (Association Du Cinéma Indépendant Pour Sa Diffusion) - một tổ chức do người yêu điện ảnh lập ra năm 1991 tại Pháp, cho đến nay đã tồn tại được 20 năm và được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, công ty và cá nhân. Giải thưởng trị giá 8.000 euro được trao choBi, đừng sợ!của đạo diễn Phan Đăng Di trong Tuần lễ phê bình tại Cannes 2010 chính là để nhằm đưa bộ phim ra rạp chiếu, và mang tên ACID/CCAS. Trước đó, nhờ vào nhiều tổ chức khác nhau, các bộ phim của điện ảnh Việt Nam như Mê Thảo - Thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh, Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay Chơi vơicủa đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã được trình chiếu thương mại ngoài rạp tại các nước nói tiếng Pháp ở châu Âu.

Xếp hàng mua vé xem phim tại rạp La Clef ở Paris (Pháp)

Nhưng không phải mọi chuyện đều dễ dàng và việc hỗ trợ cứ được kéo dài mãi như thế.

Sự khủng hoảng của ngành điện ảnh nói chung do sự trượt dốc không phanh của lượng đĩa được phát hành ra thị trường, số người đến rạp xem phim nghệ thuật và độc lập có chiều hướng giảm, đã làm cho ngành công nghiệp nghe nhìn châu Âu với 1,2 triệu nhân lực đang lâm vào tình thế giậm chân tại chỗ và vấp phải chướng ngại lớn trong kế hoạch duy trì và phát triển. Đứng trước khó khăn đó, Ủy ban châu Âu tổ chức một cuộc hội đàm lắng nghe ý kiến và bàn thảo về tương lai của chương trình MEDIA vào ngày 18/3 ở Brussels (Bỉ). Những người làm trong ngành điện ảnh châu Âu, đặc biệt tại những công ty vừa và nhỏ, đang hết sức lo ngại rằng chương trình sẽ bị cắt giảm ngân sách. Trên trang web của MEDIA tại Đức hiện có phần lấy chữ ký của người dân để gửi kiến nghị đến Liên minh châu Âu. Vào một tháng trước khi diễn ra sự kiện này, 12 tổ chức điện ảnh lớn của châu Âu, từ sản xuất đến phát hành, trong đó có CICAE, đã cùng nhau gửi một bức thư khẩn cấp kêu gọi ông Jose Manuel Barroso - Chủ tịch Ủy ban châu Âu tiếp tục chương trình MEDIA. Cho đến nay, ông chủ tịch tuyên bố sẽ ủng hộ, thế nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng việc tái cơ cấu MEDIA sau năm 2013 là không thể tránh khỏi, do cục diện điện ảnh đã thay đổi khá mạnh mẽ, cũng như nền kinh tế ở một số nước châu Âu hiện vẫn đang gặp khó khăn lớn.

Lĩnh vực phát hành phim độc lập ở châu Âu cũng không thể nằm ngoài dòng chuyển động chung của toàn bộ nền điện ảnh và sẽ phải đối diện với bài toán hiệu quả kinh tế, mà không làm mất đi cơ hội được gìn giữ và truyền bá những giá trị nghệ thuật của điện ảnh.

Bài 2: Phim nghệ thuật giữa lòng kinh đô Hollywood

Mạnh Cường Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm