Bộ đôi "thế lực" nhất làng giải trí 2010

05/02/2011 07:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Không gây bất cứ một xì căng đan nào trong làng giải trí, không xuất hiện nổi bật trong các sự kiện văn nghệ đình đám, nhưng quyền lực của họ có thể làm lu mờ tất cả những bộ đôi được xem là quyền lực nhất của làng giải trí Việt Nam năm 2010, bởi vì họ chính là người sản xuất ra những cuộc đình đám: Bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử phim Tết (Những nụ hôn rực rỡ), Những bộ phim truyền hình gây xôn xao dư luận nhiều nhất (Ngôi nhà hạnh phúc, Cho một tình yêu), Chương trình truyền hình thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả (Vietnam Idol 2010), sự kiện điện ảnh lớn nhất trong năm (LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất), bộ phim gây sóng gió bất tận và doanh thu bất ngờ nhất trong năm (Cánh đồng bất tận), và còn rất nhiều thứ khác…

>> Chuyên đề: Vietnam Idol 2010 đầy kịch tính

Đó là bộ đôi: Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và Giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh.

Họ đều cùng tuổi con chuột, sinh năm 1972, cái tuổi nổi tiếng là đường đời như được sắp đặt với nhiều may mắn.

Nguyễn Phan Quang Bình là cháu ngoại cụ Phan Khắc Khoan - nhà giáo, nhà biên kịch, nhà thơ, người đầu tiên viết kịch thơ của Việt Nam, đã được Hoài Thanh - Hoài Chân phác họa chân dung trong cuốn sách nổi tiếng Thi nhân Việt Nam. Không đi theo nghiệp văn chương của ông ngoại, Bình say mê hội họa, anh học vẽ từ nhỏ với họa sĩ Phạm Viết Song, Thẩm Đức Tụ... Tốt nghiệp phổ thông, Bình vào học ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhưng không theo nghiệp vẽ được lâu. Cuộc triển lãm duy nhất của Bình là bày tại trường các tác phẩm đã vẽ, ngay khi vừa tốt nghiệp. Nhưng tỉnh dậy sau cuộc rượu ăn mừng, về lại phòng triển lãm thì tất cả các bức tranh đã… mất sạch.

Sau sự kiện mất tranh, Bình đi Úc du học, một ngành học hoàn toàn không liên quan gì đến hội họa: quản trị kinh doanh. Cơn cớ của chuyện đi học này xuất phát từ sau cuộc trò chuyện giữa anh với người ông họ, giáo sư sử học Tùng Chi. Ông hỏi Bình: “Theo cháu, người nghệ sĩ giàu thì tốt hơn hay nghèo sẽ tốt hơn?”. Bình lúc đó còn quá trẻ để trả lời thấu đáo câu hỏi này, anh chỉ nghĩ đơn giản rằng nghệ sĩ thì nên… nghèo, vì nghèo thì sẽ có nhiều thời gian để sống cho các tác phẩm của mình. Người ông đã kể cho anh nghe về Picasso, danh họa này không nghèo nhưng có cả một sự nghiệp tranh đồ sộ, để nói với anh rằng khi có khả năng về tài chính, người nghệ sĩ sẽ làm công việc của mình tốt hơn, thuận lợi hơn. Nhìn ra xung quanh, thấy các bạn họa sĩ của mình sống nghèo quá, Bình quyết định học kinh tế để về làm giàu rồi sẽ trở lại với hội họa cho nhẹ nhõm hơn.

Vợ chồng Bình - Hạnh với diễn viên phim Cánh đồng bất tận
Mấy năm sau trở về, Bình làm việc cho tổng công ty Viglacera, rồi làm đại diện thương mại cho một công ty xuất nhập khẩu thiết bị máy móc của Pháp và thấy… hối hận vì mình đã không kiên trì theo hội họa từ thời đó bởi những người bạn anh trước đây nghèo khó thế giờ đã kiếm bộn tiền từ việc vẽ và bán tranh.

Ngô Thị Bích Hạnh sinh ra trong gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật. Ba Hạnh là nhà văn – nhà phê bình Ngô Thảo, người rất thanh thế trong làng văn nghệ những năm 1940, từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Hạnh sống trong môi trường đầy ắp những sự kiện văn hóa nghệ thuật bởi bạn của ba là những nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Thu Bồn... Giống như Bình, Hạnh rất có ý thức về chuyện làm giàu. Chị thích sống trong không khí văn nghệ và yêu quý những người bạn của ba nhưng điều khiến chị băn khoăn là mỗi khi họ muốn đi nhậu thì đều phải… xin tiền mẹ chị. Vui thì vui thật nhưng họ nghèo quá. Và Hạnh muốn có nhiều tiền để có thể làm những việc mình thích, có thể sống nhẹ nhõm với những thứ mình yêu. Vậy là tuy viết văn từ năm 13 tuổi, có nhiều truyện ngắn in báo và tuyển tập truyện ngắn nhưng Hạnh không theo nghề của ba mà lại theo nghiệp mẹ, thi vào đại học Ngoại thương Hà Nội. Học năm thứ hai, Hạnh đã làm việc bán thời gian cho Yellow Line, một công ty phát hành phim của Mỹ, lúc đó đang hợp tác sản xuất chương trình Nghiêng 23o5 phát sóng trên VTV3. Suốt mấy năm đại học, Hạnh tổ chức rất nhiều chương trình văn nghệ rồi dạ hội sinh viên cho Đoàn trường. Chính việc tổ chức dạ hội sinh viên đã đem Hạnh và Bình đến gần nhau (trước đó dù hai gia đình họ vẫn có mối liên hệ qua lại nhưng Bình và Hạnh thường “gặp nhau làm ngơ” vì trong mắt Hạnh, một cô gái ngoan kiểu “con nhà lành” thời ấy thì Bình “khó chơi” và giống như nhân vật xấu trong các bộ phim vì Bình học kém và là học sinh cá biệt nhiều năm liền).

Năm 1989, một lần phải in poster cho dạ hội sinh viên nhưng kinh phí khá eo hẹp, Hạnh đã tìm đến Bình nhờ anh thiết kế và in ấn vì lúc đó anh đang là họa sĩ thiết kế cho tạp chí Quan hệ Quốc tế. Được “miễn phí” cho cả việc in ấn, Hạnh đành đi uống cà phê với Bình để bày tỏ lòng cảm kích. Họ trở thành bạn và yêu nhau lúc nào không biết. Khi Hạnh vừa tốt nghiệp thì họ cưới nhau và Hạnh sinh liền 2 cô con gái trong 2 năm, tập trung làm bà nội trợ và vẫn duy trì công việc bán thời gian với Yellow Line từ hồi còn là sinh viên. Bình vẫn kiếm tiền bằng công việc xuất nhập khẩu máy móc cho công ty Pháp.

Năm 1996, Hạnh thành lập công ty BHD và bắt đầu sản xuất một số chương trình truyền hình trong vai trò đối tác của VTV3 (lúc đó cũng mới thành lập) như Những bài hát còn xanh, rồi Địa chỉ văn hóa. Những bài hát còn xanh được sản xuất do BHD phải khắc phục việc không mua được chương trình có bản quyền nước ngoài bằng cách chế ra chương trình trong nước và mấy anh chị em trong nhà quyết định bắt tay làm thử. Năm 1997, BHD trở thành đại diện của MTV tại Việt Nam và việc này cũng mở ra một sự nghiệp mới toanh cho Nguyễn Phan Quang Bình: đạo diễn phim, Vũ khúc con cò - bộ phim đầu tay của anh được thực hiện cùng với chính Jonathan Foo, Giám đốc sản xuất của MTV châu Á. Vũ khúc con cò đã tham dự trên 20 liên hoan phim quốc tế và được giải phim truyện hay nhất của LHP Milano của Ý. Bộ phim cũng được phát hành cho khoảng 15 nước trên thế giới. Việc này lại mở ra cho Bình và BHD những mối quan hệ khác, những con đường khác mà đến nay, nó được xem là rất thức thời: quan hệ với các nhà phát hành phim nước ngoài và các nhà tổ chức LHP quốc tế. Nuôi dưỡng các mối quan hệ đó, BHD đã đặt nền móng cho việc tổ chức LHP quốc tế Việt Nam đầu tiên hồi tháng 10/2010.

Bình vẫn nói vui với đồng nghiệp và báo chí lúc bộ phim Cánh đồng bất tận đang là tâm điểm của dư luận rằng “Vũ khúc con cò là phim nhập môn còn Cánh đồng bất tận là phim tốt nghiệp” và “nếu thất bại, đây sẽ là bộ phim cuối cùng của tôi”, đó cũng là cách anh nhìn nhận về mình. Bình thích phim ảnh và học làm phim từ các đồng nghiệp chứ chẳng từ trường lớp. Bình bảo có lẽ “tố chất” học kém hồi xưa bây giờ lại rất có ích cho anh vì nó ép anh phải học nhiều hơn từ cuộc sống và những người xung quanh.

Anh quen với vị trí sản xuất hơn và thường đóng vai trò của người mở đường, khi công việc “chạy” rồi, lại bàn giao cho người khác. Bình làm đủ thứ việc cho công ty của mình, từ sản xuất chương trình, thiết kế - giám sát thi công rạp chiếu phim đến Tổng đạo diễn kiêm thiết kế sân khấu cho Vietnam Idol 2010… Bình chia mình ra làm hai, một nửa sống ở Hà Nội còn nửa kia ở Sài Gòn, anh ngồi máy bay có khi nhiều hơn đi bộ. Bình nói cuộc sống của anh gặp rất nhiều cái ngoặt rất bất ngờ, cái sau luôn tốt hơn cái trước và nếu có lúc ngồi nghĩ lại con đường mình đã trải qua, những việc mình đã làm thì thấy chúng chẳng có gì ăn nhập với nhau ngoài hai chữ duyên và may mắn. Còn Hạnh thì bảo công ty của họ có được ngày hôm nay chủ yếu do được làm những việc mình thích và tiền bạc thường đến bất ngờ ngoài dự kiến, chẳng hạn với Cánh đồng bất tận. Phim này lúc đầu họ xác định làm cho thỏa ý thích và sẵn sàng chịu lỗ, nhưng bây giờ thì đã thu được lãi. Điều đó từng diễn ra với nhiều dự án của BHD và thành công thường tới với những dự án mà khi làm, họ thật sự thích. Đó cũng là lý do vì sao BHD thường rất chiều các nghệ sĩ làm việc cùng, cho nghệ sĩ đủ quyền để tự quyết định các sản phẩm làm ra bất chấp việc người trong làng “phong” BHD là “vua thử nghiệm những dự án trời ơi đất hỡi”! Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà các nhân vật sừng sỏ nhất của showbiz luôn sẵn sàng cộng tác với BHD…

Ngày ra mắt Cánh đồng bất tận tại Hà Nội trong thời gian diễn ra LHP quốc tế Việt Nam, Bình nói về bộ phim, về mình rất ít mà người nói nhiều là Bích Hạnh, vợ anh. Hạnh đã bật khóc khi kể lại những việc chồng mình đã làm với bộ phim, về những điều anh đã trải qua khi làm phim và khi đang tổ chức LHP này. Sống với nhau gần 20 năm nhưng hai vợ chồng vẫn ríu rít như mới cưới và câu chuyện họ kể về nhau vẫn đầy sự ngưỡng mộ. Đến giờ, họ có ba cô con gái, cô lớn đã 15, cô nhỏ thì lên 8 và cả ba đều tên Đan: Thảo Đan, Linh Đan, Thi Đan. “Đan” chính là “D”, chữ cái cuối cùng trong cái tên BHD.

Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm