Chiếu nội bộ Khát vọng Thăng Long: Cố đua với thời gian

09/10/2010 12:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Trái ngược với sự háo hức được tham dự buổi công chiếu Khát vọng Thăng Long (như ghi trên giấy mời) là cảm giác hụt hẫng sau khi xem bản chiếu chưa chính thức bằng DVD bộ phim này. Tại thời điểm chiếu, vào tối 7/10, phim chưa được cấp phép phổ biến vì đang phải sửa chữa một số chi tiết theo yêu cầu của Hội đồng duyệt quốc gia.

>> Chuyên đề: Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội


Lễ ra mắt khá hoành tráng của Khát vọng Thăng Long
Ở thời điểm hiện tại, sự kỳ vọng của khán giả dành cho Khát vọng Thăng Long là một điều dễ hiểu. Đó là bộ phim nhựa duy nhất về vua Lý Thái Tổ được sản xuất dịp này sau hàng loạt phim… thất bại. Đó cũng là bộ phim quy tụ một ê – kíp tên tuổi: đạo diễn Lưu Trọng Ninh; đạo diễn võ thuật: Johnny Trí Nguyễn; diễn viên: Mỹ Uyên, Quách Ngọc Ngoan…

Câu chuyện Việt về Lý Công Uẩn

Khát vọng Thăng Long kể câu chuyện từ khi Lý Công Uẩn sinh ra, được đặt trước cửa thiền và được sự nuôi nấng của thiền sư Vạn Hạnh. Năm 17 tuổi, Lý Công Uẩn từ Cổ Pháp (Bắc Ninh) vào kinh đô Hoa Lư làm quan cho triều Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ… Chứng kiến cảnh nhân dân lầm than, đói khổ trong chiến tranh, loạn lạc, khát vọng lớn nhất của chàng trai Lý Công Uẩn là đem lại bình an cho xã tắc. Năm 1005, vua Lê Đại Hành qua đời. Tám tháng sau cuộc chiến tranh giành ngôi báu, với sự hậu thuẫn của hoàng tộc, Lê Long Việt lên ngôi. Tại vị được ít lâu, Lê Long Việt bị Lê Long Đĩnh sai người ám sát…

Lòng trung quân khiến Lý Công Uẩn không thể theo Lê Long Đĩnh. Lý Công Uẩn đã rời triều đình. Đi khỏi kinh thành, Lý Công Uẩn tiếp tục chứng kiến những cảnh tang thương, con mất cha, vợ mất chồng, người già, trẻ nhỏ không nơi nương tựa… Lúc đó, Lý Công Uẩn mới ngộ ra rằng, chỉ có cách phụng sự triều đình, phụng sự nhà vua, mới mong mang lại sự bình an cho dân chúng…

Nhưng khát vọng ấy của Lý Công Uẩn không bao giờ trở thành hiện thực vì dã tâm của một kẻ tham lam, tàn ác, háo sắc như Lê Long Đĩnh…

110 phút của bộ phim khép lại bằng cảnh Lý Công Uẩn ngăn cản Lê Long Đĩnh đưa hàng vạn binh lính đi thực hiện giấc mộng bá chủ của mình. Lê Long Đĩnh định dùng cung tên giết chết người cản đường mình nhưng may thay, nàng Dạ Hương đã liều mình nhận thay mũi tên này. Sau đó, Lê Long Đĩnh chết. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, sau đổi tên là Thăng Long…

Bộ phim xây dựng hình ảnh nhân từ của Lý Công Uẩn xuyên suốt bởi hàng loạt điểm nhấn. Từ nhỏ, cậu bé Công Uẩn đã bênh vực những người bạn yếu ớt. Lúc trưởng thành, Lý Công Uẩn xót thương với thân phận con người, kể cả cô gái “không chồng mà chửa”, bị “cạo đầu bôi vôi”, bị xã hội phong kiến lúc bấy giờ lên án… Tướng quân Lý Công Uẩn cũng đã rơi nước mắt khi những người lính chết nơi chiến trận. Cái sự “quá tay” này của đạo diễn khiến không ít khán giả khó tính cho rằng hình ảnh Lý Công Uẩn quá… ủy mị, ở đó không có sự mạnh mẽ của một đức quân vương… Nhưng phải nói rằng, cốt cách người Việt là sự thuần hậu, nhân từ nên có thể hiểu rằng, những nhà làm phim muốn kể một câu chuyện Việt về vị vua này.

Ngoài cái kết hơi hẫng, vài lời thoại hiện đại, nội dung phim không có gì để phàn nàn.
    
Cho kịp Đại lễ

Nhưng sở dĩ người viết buộc phải kể lại nội dung phim dài dòng như vậy bởi vì ngoài câu chuyện nhân văn về hình tượng Lý Công Uẩn, những màn võ thuật, những đại cảnh chiến trận dàn dựng công phu, bản chiếu thử không mang lại nhiều cảm xúc cho người xem…

Phim chiếu tại một khán phòng cực đẹp của một khách sạn 5 sao vừa khai trương tại Hà Nội. Khán phòng tuy đẹp nhưng không phải chỗ chiếu phim nên rất bất tiện. Người ngồi sau hầu như nhìn vai và đầu người ngồi trước. Nhiều khách mời đến sau, ngồi ở quá xa màn hình đã vác ghế lên trên chiếm hết lối đi… Buổi chiếu nội bộ (như lời giới thiệu của BTC), nhưng có sự tham dự của khoảng 700 khách mời. Rất nhiều người trong số này dắt theo trẻ em, nên thỉnh thoảng lại có tiếng trẻ con khóc ré ở một góc nào đó.

Và quan trọng hơn cả, phim chiếu bằng bản DVD nên chất lượng hình ảnh và âm thanh không tốt. Nhiều đoạn không rõ lời thoại. Tông màu trầm khiến nhiều cảnh phim tối om. Hình ảnh diễn viên không rõ nét nên cũng chẳng rõ nhân vật có biểu cảm không? Quá nhiều đoạn nhạc phim cao trào, đồng thời với chất lượng DVD chưa tốt, hệ thống âm thanh phòng chiếu không chuẩn, nhiều đoạn khán giả như bị… tra tấn thính giác!

Câu hỏi là không hiểu vì sao, sau khi đã lập kỷ lục về thời gian thực hiện (theo chia sẻ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh kỷ lục này, nếu có, sẽ được trao cho đoàn phim Khát vọng Thăng Long vì ngày 13/6 phim bấm máy, và hoàn thành đúng kế hoạch vào ngày 30/9), phim vẫn chỉ có bản DVD?
    
Chờ duyệt bản nhựa

Chiều qua (8/10), ông Lê Ngọc Minh – Cục phó Cục Điện ảnh – cho biết, sở dĩ, phim Khát vọng Thăng Long chưa được cấp phép phổ biến vì theo Luật Điện ảnh, phim chiếu trên chất liệu gì phải nộp bản phim duyệt bằng chất liệu ấy. Tuy nhiên, ngày 5/10 vừa qua, Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng mới chỉ được xem bản DVD của Khát vọng Thăng Long. Về nội dung, Hội đồng cũng đã trao đổi với nhà sản xuất một số điểm cần chỉnh sửa. Vì đang trong quá trình trao đổi, nên ông Lê Ngọc Minh cũng không tiết lộ những chi tiết cần chỉnh sửa này. Ông cho biết thêm, giấy phép phổ biến phim chỉ được cấp sau khi Hội đồng xem bản nhựa đã chỉnh sửa.

Qua trao đổi với một số đạo diễn trong nghề, TT&VH được biết, nếu quay bằng phim nhựa thì thông thường phim sẽ in thẳng ra bản nhựa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết, việc in ra bản DVD sẽ dễ dàng hơn cho việc thực hiện lồng tiếng, làm phụ đề và kỹ xảo. Sau đó, phim lại in ngược trở lại bản nhựa…

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm