Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (Bài 2): Nhìn từ bên ngoài

16/09/2010 14:36 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Trong khi bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đang chờ quyết định cuối cùng của Hội đồng thẩm định trung ương, các diễn đàn trên mạng vẫn xôn xao ý kiến trái chiều.

TT&VH ghi nhận những ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên môn về bộ phim này.

“Nên chiếu thăm dò trong phạm vi hẹp”

Đó là ý kiến của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Bà cho biết: Tôi đã được xem trailer của Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long trên mạng Internet. Nếu gạch chéo hai gạch không cho nhà sản xuất chiếu là chấm hết.

Nhưng xét một cách công bằng, trước hết cũng phải ghi nhận lòng thành của một doanh nghiệp tư nhân muốn góp tiếng nói nhân dịp Đại lễ. Chỉ có điều tấm lòng và sự dũng cảm nên ghi nhận, song có lẽ, nhà sản xuất không tinh lắm.


Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Đinh Xuân Dũng,
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (từ trái qua phải)
Họ chưa sản xuất phim bao giờ, hoặc quá tự tin ở mình và sự hợp tác với đối tác nước ngoài. Đạo diễn Trung Quốc theo tôi không hiểu hết văn hóa, phong tục tập quán VN. Hoặc họ cốt làm sao cho hấp dẫn... Tình huống này cũng giống như đạo diễn ta đi “làm thuê” vậy. Người dân ở Hoành Điếm chuyên đóng vai quần chúng, đấy là nghề kiếm sống của họ. Không trách họ được, mà trước hết phải trách chính mình. Đáng lẽ nhà sản xuất phải có người trợ lý, hoặc người tinh tường để cũng cái áo ấy, mình thuê của họ, nhưng phải ra chất VN. Quan trọng nhất là phục trang và bối cảnh. Anh thuê của người ta nhưng phải sửa chữa cho phù hợp. Vì thế người cầm trịch phải nắm được văn hóa Việt để biến tấu nó đi. Cái thấy rõ ràng nhất là phục trang và bối cảnh thì phải chú trọng. Dù là dàn diễn viên Việt, mà mặc trong hình thức ấy thì “chết” rồi...

Nhiều người tưởng sản xuất phim dễ. Nhưng cũng phải ở một cương vị nào đó, hiểu biết nào đó mới đảm đương được công việc nặng nhọc và rất phức tạp này. Nếu không giỏi thì phải có tiền mời nhiều ông cố vấn toàn tâm, toàn ý với dự án của mình...

Trong quá trình quay của bộ phim này, báo chí có đưa tin, tôi có nắm được. Điều tôi nhận thấy là nhà sản xuất chưa nắm được những điều phức tạp của hoạt động này. Thật là đáng tiếc...

Hiện giờ, phim mới chỉ được hơn chục thành viên Hội đồng duyệt xem. Vì thế theo thôi, giải pháp là nên chiếu thăm dò trong phạm vi hẹp với sự tham dự của các nhà sử học, đạo diễn điện ảnh, nhà báo... để họ cho ý kiến.

“Bối cảnh đúng hoàn toàn với lịch sử là điều không tưởng”

Đó là ý kiến của GS Đinh Xuân Dũng (UV thường trực Hội đồng LL-PB VHNT T.Ư). Ông nói: “Quả là điện ảnh Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để có những bộ phim về lịch sử. Trong khoảng 20 năm Hàn Quốc có khoảng 1.000 phim lịch sử...

Còn với Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long tôi nhận thấy chất Việt Nam độc đáo. Phim thể hiện sinh động, phản ánh trung thực với những nét cơ bản nhất bằng ngôn ngữ điện ảnh về một giai đoạn rất độc đáo của lịch sử dân tộc, giai đoạn Đinh, Tiền Lê và Lý với nhân vật trọng tâm là Lý Công Uẩn.


Cảnh phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long
Tuy nhiên, bộ phim cũng đứng trước thách thức lớn, hạn chế khi chúng ta không có trường quay, không có đạo diễn thực sự đủ tầm cho phim quy mô lớn, không có lực lượng diễn viên đông đảo, thiếu thốn đạo cụ, trang phục... Có thể sử dụng trường quay, trang phục (may tại Trung Quốc)... thậm chí cả đạo diễn Trung Quốc song tính cách nhân vật, mối quan hệ của người Việt Nam trong phim giữ chuẩn. Và cái nữa cần nhấn là âm nhạc Việt trong phim...

Tôi có thể kể ví dụ về một tác phẩm múa trước đây, kịch múa Xô Viết- Nghệ Tĩnh, tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật múa Việt Nam. Tác phẩm này thành công chính nhờ đạo diễn người Triều Tiên là Kim Hoàng dàn dựng.

Bối cảnh đúng hoàn toàn với lịch sử là điều không tưởng. Song từ bộ phim này cũng gợi cho chúng ta thấy cần phải có một trường quay Việt Nam, ê-kíp làm phim lịch sử Việt Nam... Bởi dòng phim lịch sử Việt Nam trong tương lai cần được phát triển. Con người càng vươn lên hiện đại càng phải trở về cái gốc. Lịch sử Việt Nam giúp chúng ta có nhiều bài học. Nhân vật lịch sử của chúng ta độc đáo lắm, vĩ đại lắm...”.

Chia sẻ với những người tái tạo lịch sử

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Những người ghi chép lịch sử nước mình hay các nghệ sĩ xưa chưa quan tâm đến phản ánh đời sống thường nhật mà thường chỉ ghi chép sự kiện và biến cố lịch sử. Những khoảng trống lịch sử này chính là mảnh đất màu mỡ để nghệ sĩ sáng tạo.

Tôi có hỏi một số nhà làm phim Hàn Quốc, rằng một số phim của họ được khán giả VN yêu thích có trung thực với lịch sử không? Họ nói, các nhà làm phim quan tâm đến lịch sử và nguyên tắc sáng tạo của họ là để lại sau mỗi bộ phim vẻ đẹp của lịch sử, từ trang phục đến bối cảnh, tính cách và hành động của nhân vật.

Tôi cho đó là điều ta cần học hỏi và hy vọng các nghệ sĩ bằng khám phá và sáng tạo có thể đóng góp cho lịch sử những giá trị nhất định. Ngay cả khi tìm ra sự thật cũng không thể nhân danh sự thật để bới móc tổ tiên mình vì cái đích cuối cùng khi tìm về lịch sử là đạo lý và bài học lịch sử. Hãy hàn gắn các đứt đoạn lịch sử bằng việc tôn trọng những gì đã biết và tìm tòi, bổ sung những điều chưa biết.

Vì vậy, dư luận xã hội nên khuyến khích và chia sẻ với các nhà làm nghệ thuật nói chung và các nhà làm phim nói riêng khi họ tái tạo lịch sử”.

Hải Đông - Thu Hằng (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm