Trở về cái nôi của điện ảnh “bưng biền

12/03/2010 15:07 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - LTS: Nhân kỷ niệm 57 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 2010) và chào mừng sự ra đời của Ngày Điện ảnh lần thứ nhất, xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Trung Sơn trong một chuyến tháp tùng cố đạo diễn Khương Mễ về cái nôi ra đời của điện ảnh cách mạng Nam bộ.

Buổi chiếu phim đầu tiên ở chiến khu Đồng Tháp

Hồi đó, tôi có may mắn được các anh làm điện ảnh đưa đi thăm lại vùng chiến khu xưa, quanh vùng bưng biền Đồng Tháp, nơi thành lập tổ điện ảnh đầu tiên bên dòng kênh Dương Văn Dương.

Đạo diễn Khương Mễ, bữa đó ngồi với tôi bên con kênh xanh màu nước phèn. Cả hai im lặng nhìn những chùm hoa Cát Đằng tỏa màu tím bâng khuâng vì đã qua nửa thế kỷ rồi, thời đó tôi còn là anh lính ở chiến khu Việt Bắc, nghe nói về Đồng Tháp, về bưng biền xa xôi mà nay mới được đặt chân tới.

Mắt như rớm lệ, Khương Mễ chỉ con kênh:

- Thời gian đi nhanh quá. Con kênh Bùi, rồi kênh 12, kênh Dương Văn Dương, qua bao con rạch chằng chịt, tôi theo nó lần vào tới ven đô, bắt liên lạc mua máy, mua phim để mang về chiến khu xây dựng ngành điện ảnh. Những thước phim, anh Mai Lộc quay trận Mộc Hóa vào năm 1948 cũng in trên chiếc tam bản dùng làm “xưởng phim”. Nó di động, đỡ bị địch phá lùng.

Tôi hỏi anh:

- Ai là người quyết định sự ra đời điện ảnh kháng chiến Nam Bộ trong lúc khó khăn trăm bề, một tấc phim cũng hiếm?

Anh trầm ngâm: “Anh Trần Văn Trà và Nguyễn Văn Vịnh, Tư lệnh khu 8 đề xuất việc làm phim. Buổi đó các anh xem triển lãm ảnh ở Thiên Hộ nhân kỷ niệm ngày 2/9/1947. Chỉ qua những tấm ảnh ghi lại các trận đánh đã đủ để bà con nức lòng. Nếu hình ảnh đó mà chuyển động thì chắc là hay lắm, vì bà con khi ấy ai biết chiếu bóng là gì? Khi chúng tôi được hỏi ý kiến, ai cũng nức lòng quyết tâm xây dựng xi-nê (khi đó quen gọi là xinê). Cả Ủy ban Kháng chiến Nam bộ cũng ủng hộ. Sau trận ném bom đánh phá chợ Thiên Hộ, các đồng chí ở miền Nam quyết tâm xây dựng ngành điện ảnh để động viên nhân dân kháng chiến tại chiến khu Đồng Tháp rồi tới khu 8. Khoảng tháng 10/1947, có quyết định lập tổ điện ảnh, nhiếp ảnh khu 8.

Anh ngừng lời rồi chỉ vào vùng xa: “Buổi chiếu phim đầu cũng ở vùng này thôi, nay không còn nhớ rõ địa điểm. Chiều đó các tướng sĩ, bà con ngồi bên vạt cỏ xem phim. Đồng chí Lê Duẩn cũng có mặt. Máy móc chiếu phim thì ậm ạch, vừa chiếu vừa sửa. Thế mà ai cũng hào hứng. Bữa đó anh Trà nói: “Bác Hồ kêu gọi toàn dân đánh giặc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng có gươm thì dùng cuốc, gậy gộc. Suy ra, tôi thấy nếu có điện ảnh sẽ là vũ khí lợi hại động viên bà con đánh giặc”.

Buổi chiếu phim hôm nay là kết quả bước đầu, gây dựng đội ngũ, củng cố phương tiện”.

Đạo diễn Khương Mễ nhấp ly nước, nhìn theo những chiếc xuồng, ghe ăm ắp lúa vàng lướt trên dòng kênh xanh bên chợ Tân Thạnh đông vui. Anh nói tiếp: “Hôm nay về lại còn thấy chút cảnh xưa, vài năm nữa chắc đổi khác nhiều, chả nhận ra. Cứ theo con kênh Dương Văn Dương này, cách đây vài cây số là nơi có rạp chiếu bóng đầu tiên của kháng chiến, đó là hội trường của hội nghị Quân Dân Chính toàn Nam Bộ. Buổi kết thúc có chiếu phim Trận Mộc Hóa. Tôi vẫn nhớ như in đêm đó. Anh Bảo Định Giang nói: “Thưa các đồng chí, xin để chiếu bộ phim đầu của điện ảnh kháng chiến. Cả hội trường im bặt, một luồng ánh sáng lóe lên. Anh bộ đội xông lên diệt giặc hiện trên màn ảnh trong tiếng vỗ tay vang dội. Cứ thế hình ảnh lướt nhanh đến khi tên quan ba đồn trưởng giơ tay hàng, chiếc tàu bay vút qua thì tiếng hoan hô ầm ầm cả hội trường, ngoài sân bãi. Buổi sớm hôm sau, hội trường chỉ còn trơ lại mái lá. Thì ra bà con kéo tới, gõ hết phên, trèo cả lên cây xem phim”.

Điện ảnh “bưng biền” có cơ ngơi

Vâng, điện ảnh từ đấy đã có cơ ngơi. Ở khu 9, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ cử anh Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền xây dựng tổ điện ảnh với số vốn ít ỏi. Quý nhất là cuốn điện ảnh của Pháp: Ciné Almanach Prisma, nó là cái vốn để mở các lớp điện ảnh. Năm 1950, phối hợp với chiến trường Việt Bắc, đạo diễn Mai Lộc và Lý Cương làm phim chiến dịch Cao - Bắc - Lạng theo kiểu hình vẽ, cắt giấy, có bản đồ, các mũi tiến công trên đường 4 biên giới. Còn Khương Mễ liều mạng làm phim “truyện” Hết đời đế quốc, có cả kỹ xảo bắt giặc nhốt vào chai”.

Vừa lúc đó, các học sinh tan học, qua đường trông thấy Khương Mễ ùa vào tíu tít hỏi: - Ông về đây quay phim ạ? Các cháu trẻ măng, mặc áo trắng quay quanh ông già có mái tóc bạc. Tất cả đứng quanh tượng đài giản dị ghi dòng chữ “Kỷ niệm nơi thành lập tổ nhiếp điện ảnh khu 8”.

Tôi thấy anh Khương Mễ thấm mắt, nghĩ anh xúc động về kỷ niệm xưa ở vùng bưng biền gian lao mà nay thấy các cháu ngoan ngoãn trong màu áo trắng tinh khôi.

Đứng đây, cái nôi của điện ảnh cách mạng “bưng biền” Đồng Tháp, tôi lại nghĩ về thời ấy, mình còn là anh lính trẻ ở chiến khu Việt Bắc, cũng có những chiều chạng vạng lốc cốc tiếng mõ trâu. Bản Bắc cũng là cái nôi của điện ảnh cách mạng với tối vui ở Đồi Cọ, đón nhận sắc lệnh do Bác Hồ ký thành lập Điện ảnh Việt Nam vào ngày 15/3/1953.

Trung Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm