Phim underground Việt: "Ngầm" cũng nhộn nhịp (Bài 3)

17/12/2009 07:38 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Slumdog Mafia là bộ phim gây xôn xao dư luận cộng đồng người yêu điện ảnh trên mạng trong năm 2009. Đây là một tác phẩm được làm nghiệp dư của các bạn trẻ trường đại học quốc tế thuộc đại học quốc gia TP.HCM. Mang tố chất của một phim điện ảnh, nó hoàn toàn có thể được triển khai thành một bộ phim dài 90 phút chiếu trên màn bạc hấp dẫn khán giả.


Phúc Đoàn
Nhìn tổng thể, bộ phim như một bát bún thang với gia vị từ nhiều thể loại : bi, hài, võ thuật, xã hội đen, tình cảm, đồng tính... được chế biến một cách ngon miệng.


Tại xứ Slumdog, hai băng đảng do Công và Hải cầm đầu tranh nhau giành quyền kiểm soát các sòng bài và các phi vụ thuộc thế giới ngầm. Cuộc đối đầu này dẫn đến sự đụng độ quyết liệt giữa hai băng nhóm xã hội đen với các thủ đoạn và mưu kế thanh toán lẫn nhau, trong những day dứt của tình yêu, tình cảm gia đình và tình bằng hữu. Ở trung tâm câu chuyện là Phúc - người tham gia cả hai băng nhóm ở từng thời điểm khác nhau và Linh - người yêu của anh. Câu chuyện phim khá lắt léo với nhiều tình tiết bất ngờ đòi hỏi người xem phải chú tâm rất kỹ mới hiểu rõ được những khúc mắc của các nhân vật. Phúc Đoàn (sinh năm 1988) - trong vai trò người viết kịch bản kiêm đạo diễn, dựng phim và diễn viên chính – đã chứng tỏ một khả năng kể chuyện rất hấp dẫn lôi cuốn và hoàn toàn làm chủ nhịp độ diễn biến của phim. Nếu như phần đầu của bộ phim xoay quanh các mối quan hệ tại Slumdog, thì ở phần sau, câu chuyện tập trung chủ yếu vào quá trình đi tìm lại trí nhớ của Phúc, sau khi bị sát thủ băng nhóm đối phương đánh trọng thương làm tổn hại vùng não. Suốt bộ phim là sự chuyển biến tâm lý của các nhân vật với cá tính và mục tiêu rõ nét, đây là điểm mạnh mẽ nhất trong cách xây dựng nhân vật của Phúc Đoàn.

Với lối kể chuyện đan xen quá khứ - hiện thực, Phúc Đoàn đã dám thử sức với một thách thức cơ bản ở một câu chuyện không thuần tuyến tính: làm sao để mang lại cho người xem cảm giác thấu hiểu được câu chuyện mà không bị phô, không đánh giá thấp khả năng cảm nhận của khán giả. Cách dùng hình ảnh với độ tương phản ánh sáng cao cho các tình huống thuộc về quá khứ hay trong mơ đối lập với hiện tại được dùng khá nhuần nhuyễn giúp cho người xem theo dõi câu chuyện từ cái nhìn của Phúc - người đang đi tìm lại quá khứ lần theo những dấu vết của trí nhớ mờ ảo. Việc thu âm trực tiếp bằng máy chụp hình kỹ thuật số (toàn bộ phim được quay bằng máy chụp hình có chức năng quay phim) làm cho thoại không rõ ràng trong khi tiếng ồn hậu cảnh khá lớn. Để khắc phục điều đó, Phúc Đoàn đã dùng các bản nhạc nền tạo nhịp phim và lấn át tạp âm, hay nói cách khác, dùng âm nhạc để kể chuyện. Tuy nhiên thoại đôi chỗ bị chìm trong âm lượng nhạc nền và đôi lúc những dòng giải thích bằng lời “câu giờ“ để bản nhạc đi được đến cao trào tạo cảm giác thừa thãi.


Bù lại, bộ phim mang một tư duy hình ảnh với tính điện ảnh cao: những thử nghiệm về cách cắt cảnh được làm khá chuyên nghiệp giúp cho người xem có thể nhìn nhận câu chuyện từ phía nhân vật Phúc: những giằng xé, hỗn loạn, sự thơ ngây hay mưu tính trong con người phức tạp này. Ba phân đoạn tiêu biểu thực sự xuất sắc gồm: Phúc tỉnh dậy từ giấc mơ về Linh, Phúc gặp lại Linh tại nhà sàn và Phúc chạy lên cầu thang tìm Linh vừa bị sát hại. Ở phân đoạn đầu, Phúc, khi đang dưỡng bệnh ở châu Âu trong tình trạng mất trí nhớ, choàng dậy từ cơn mơ chạy ra ban công nhìn ngó xung quanh, phía xa là một tòa nhà cao tầng mang hình dáng của Slumdog (trong phim, giảng đường của đại học quốc tế - một tòa nhà đồ sộ được dùng một cách tượng trưng cho xứ Slumdog), rồi quỳ xuống trước một bức tượng Phật – hình ảnh gợi quê hương, sự cầu an và dẫn lối. Ở phân đoạn thứ hai, cuộc đuổi bắt của quá khứ và hiện tại được lồng vào nhau qua sự ẩn nấp nhờ những cột nhà sàn và cách dùng ánh sáng tương phản trong khi dựng. Còn ở phân đoạn ba, những bước chân chạy trên cầu thang gấp gáp với hình ảnh suy đoán về cuộc sát hại được cắt dựng rất uyển chuyển tạo cảm giác hồi hộp.

Riêng cảnh kết thúc phim đã đạt tới ngưỡng chuyên nghiệp về tư duy hình ảnh, khi máy quay dần dần rời ra xa, chia tay những nhân vật của Slumdog Mafia, và chia tay cả “Slumdog” sừng sững phía sau. Ngoài ra, trong toàn bộ phim còn nhiều cảnh quay đặc sắc khác gợi liên tưởng đến các tác phẩm điện ảnh nối tiếng của thế giới, ví dụ như đoạn Phúc bị tay chân của Hải xử lý khá giống với cảnh Nàng Dâu bị đánh hội đồng bởi tay chân của Bill trong Kill Bill. Tất nhiên, một bộ phim được làm nghiệp dư cũng không tránh khỏi những hạt sạn nho nhỏ như lộ máy quay hay áo lấm lem thành áo trắng tinh trong cùng một trường đoạn. Nếu để nói về một yếu tố dẫn đến thành công của bộ phim ngoài cố gắng cá nhân của Phúc Đoàn thì đó chính là tập thể những người tham gia giúp bộ phim hoàn thành. Là những bạn học cùng trường hay những người bạn quen nhau qua blog, họ đứng trước máy quay làm diễn viên, đứng sau máy quay làm người quay phim, tất cả hỗ trợ nhau để có thể giúp Phúc Đoàn kể được câu chuyện mình muốn kể. Các diễn viên đều lần đầu đứng trước máy quay và hoàn toàn diễn bằng bản năng nhưng đã lột tả rất rõ cảm xúc của nhân vật. Điều này có được là do Phúc Đoàn đã xây dựng tính cách nhân vật gần như đo ni đóng giày cho những người bạn của mình theo cảm nhận của cá nhân. Một cố gắng lớn lao khác là phần võ thuật trong phim với các diễn viên không phải con nhà võ nhưng đã thực hiện được những trận chiến mang tinh thần của một phim hành động võ thuật thật sự.

Giống cảm giác khi ăn một bát bún thang, bộ phim không những có thể làm người xem bùi ngùi hay cười vui mà còn gây trăn trở suy nghĩ. Triết lý của nhân vật Phúc, rằng cuộc đời này chỉ có ý nghĩa khi ta biết rằng ta không một mình, cho dù những người quanh ta có thể tốt hay xấu, giúp đỡ hay thù hận, đã mang lại cho bộ phim một tầng ý nghĩa khác, như cảm giác khi thưởng thức bát bún thang Hà Nội: đó là sự kết nối của vạn vật trong thế giới này: bún, trứng, gà, giò, rau răm, mùi tàu. Ăn xong, xuýt xoa vì ngon, mắt hơi dàn dụa vì cay, hay bởi sự tiếc nuối rằng bát bún đã hết mất rồi?

Mạnh Cường Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm