Đạo diễn Vinh Sơn: 10 người làm phim hết 9 thích Ozu!

01/07/2009 17:23 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Điện ảnh Nhật có những thể loại khá lạ như: phim võ sĩ đạo, phim khiêu dâm, phim mafia, phim cho thời đại Minh Trị thiên hoàng... đầy tính độc đáo, chuyên biệt. Nhưng có một dòng phim của đất nước này tồn tại theo dòng chảy độc lập của nó, đứng ra ngoài bạo lực, tình dục, kinh dị... đã có sức ảnh hưởng lớn đến điện ảnh toàn cầu, đó là những tác phẩm của đạo diễn bậc thầy Yasujiro Ozu - người được thế giới biết đến khi đã qua đời. Ozu cũng chính là người có nhiều ảnh hưởng nhất đến một số đạo diễn Việt Nam, trong đó có Nguyễn Vinh Sơn. Đạo diễn Trăng nơi đáy giếng cũng là một “fan” của điện ảnh Nhật Bản.

* Thưa, nét đặc sắc nào trong nền văn hóa điện ảnh của Nhật Bản đặc biệt thu hút anh?

 Yasujiro Ozu
- Bản thân nước Nhật đã có nếp sống, kiến trúc, văn hóa, phong tục tập quán khá lạ, mà người làm nghệ thuật của họ lại có ý thức bảo tồn nên rất cao, nên dù là những đạo diễn hiện đại đến đâu làm phim cũng đậm chất, không lẫn vào ai được.

Cái gọi là “tột cùng” chính là dấu ấn của điện ảnh Nhật. Họ làm cái gì cũng chạm đến đỉnh từ kinh dị, bạo lực, tình dục... Thú thật là có những phim mình xem không nổi nhưng phải nể phục vì tính mạnh mẽ.

* Dòng phim của Ozu rất điềm tĩnh, trữ tình và hết sức tinh tế, được coi là mẫu mực cho điện ảnh Nhật, có vẻ phù hợp với cá tính và cách làm phim của anh?

- Tôi rất thích dòng phim miêu tả cuộc sống của người bình dân Nhật, thoát ra những thể loại khác như kinh dị, khiêu dâm... Đầu tàu của thể loại này là phim của Yasujiro Ozu. Ông miêu tả những chuyện bình thường, xung đột nhẹ nhàng nhưng rất tinh tế. Và cái tinh tế của phong cách này cũng là... đến tột cùng. Và nó cũng đòi hỏi trình độ cảm thụ tương ứng của người xem.

Trong những liên hoan phim quốc tế mà tôi từng tham gia, có dịp trò chuyện với những nhà làm phim chuyên nghiệp, hỏi 10 người (kể cả đến từ châu Âu, Mỹ, Phi...) thì đã hết 9 đều coi Ozu là một phong cách, và cả 9 người đó đều nói đó là phong cách mình thích nhất.

* Tác phẩm mà anh thích nhất của Yasujiro Ozu?

- Những tên phim của ông nghe rất đơn giản như: Buổi trưa mùa thu, Hết hè,Thu muộn, Cỏ trôi, Mùa xuân sớm... Phim hay nhất đối với tôi là Câu chuyện Tokyo. Tác phẩm này nói rõ nhất phong cách của Ozu từ nội dung đến hình thức. Cốt truyện không có gì cả. Hai ông bà già ở quê lên thăm con ở Tokyo. Họ có con trai đang là bác sĩ, con gái làm nghề uốn tóc và cô con dâu chồng đã chết. Anh con thương ba mẹ nhưng vì bận rộn quá nên chuyển họ qua nhà em gái. Cô gái tỏ ra hiếu thảo nhưng lại vừa tiếp ba mẹ vừa cũng chộn rộn với công việc. Hai đứa con bàn nhau cho ông bà vào một resort nghỉ mát. Họ có vẻ sung sướng nằm bên bờ biển, nhưng lòng buồn rười rượi và nghĩ đến chuyện tới thăm đứa con dâu. Cô này tiếp đãi kỹ càng, săn sóc lo lắng cho cho ba mẹ rất chu đáo. Trước khi về lại quê của mình, hai ông bà khuyên cô nên đi lấy chồng... Câu chuyện chẳng có gì cả, nhưng xem vào xúc động ghê gớm. Bây giờ người ta vẫn coi đó là bộ phim kinh điển của cả thế giới.

* Sự nhẹ nhàng và tinh tế trong Trăng nơi đáy giếng ông chịu ảnh hưởng từ Ozu?

- Dĩ nhiên, mình cảm hứng từ phong cách đó và có cách sáng tạo của mình chứ không phải rập khuôn, nhưng đến giờ phút này mình cũng không thể tránh được vì có những người đã đi trước rồi. Họ đã chỉ ra những đường hướng chung nhất về kiểu làm phim như thế để thể hiện ý đồ của mình.

Khi trình bày cho nhà sản xuất và những người liên quan như quỹ tài trợ cho Trăng nơi đáy giếng, trong phần “ý đồ đạo diễn”, tôi nói rõ là thể hiện theo phong cách Ozu. Và hội đồng xét tài trợ chấp thuận cho phim này vì nhiều lý do, trong đó có “phong cách Ozu rất thích hợp cho kể câu chuyện này”.

Rất nhiều đạo diễn tên tuổi trên thế giới thừa nhận tôi chịu ảnh hưởng từ Ozu. Hầu Hiếu Hiền là một ví dụ.



Câu chuyện Tokyo

* Về kỹ thuật và phong cách nghệ thuật Ozu có thể diễn tả theo cách đặc trưng nào?

- Về kỹ thuật, máy của ông luôn tỉnh, không lia, không dolly..., đặt thấp (vì người Nhật ngồi trên nệm), không vào cận cảnh, chỉ vào trung cảnh. Còn về phong cách nghệ thuật là không đụng trực tiếp đến kịch tính, chỉ miêu tả những phần ngoài kịch tính mà qua đó người ta có thể nhận ra được kịch tính. Kiểu làm này rất ngược với kiểu làm của Hollywood. Theo Hollywood thì sẽ thấy sự việc, xung đột đang xảy ra. Còn kiểu của Ozu là hậu quả của những xung đột đó ảnh hưởng thế nào đến đời sống của những nhân vật.

* Giải thích cho sự lặng lẽ của dòng phim này một phần có phải vì nó thuộc dòng phim tác giả? Áp dụng phong cách làm phim này ở nước khác, như Việt Nam, chẳng hạn, thì có sự phù hợp và không phù hợp ở điểm nào?

- Sự phù hợp mà ở đâu cũng có là đòi hỏi sự tinh tế của người làm phim và của người xem phim, phát hiện những tình tiết nhỏ nói lên được cái cảm xúc của nhân vật. Ví dụ, mô tả cảnh vợ chồng, cãi nhau, đánh nhau thì đã dễ làm rồi và diễn viên cũng rất dễ diễn hơn, họ gào khóc, la hét gì đó. Nhưng để mô tả tránh những hành động đó mà vẫn nói lên bi kịch của hôn nhân thì cần sự tinh tế hơn. Phim của Ozu chỉ thấy những chi tiết rất nhỏ nhưng rất sinh động.

Kiểu của Ozu rất hợp văn hóa phong tục, tập quán Nhật. Nhà ở Nhật có cửa vào nhiều lớp, từng lớp cửa mở ra tạo chiều sâu cho khuôn hình. Cách chào đi đứng nói năng của người Nhật nhẹ nhàng, nền nã nên rất hợp với tiết tấu chậm chậm... của phim. Áp dụng ở một nước khác thì đúng là phải biến hóa nhiều.

Khi làm Trăng nơi đáy giếng, tôi muốn sử dụng chiều sâu khuôn hình qua kiến trúc nhà rường. Đó là theo cảm hứng của Ozu, nhưng trong không gian của Việt Nam.

* Việc áp dụng phong cách làm phim này có vẻ là thử thách với đạo diễn VN khi muốn tiếp cận khán giả ở đất nước của mình?

“Hollywood là kỹ nghệ câu khách, càng ngày càng có khuynh hướng tô đậm tính dữ dội, hoành tráng... thì không nói, nhưng đạo diễn của phim nghệ thuật, độc lập càng ngày càng trở về phong cách Ozu, câu chuyện đơn giản và tinh tế”

- Sau thời kỳ đuổi theo những câu chuyện cực kỳ hư cấu, kịch tính, chạy theo kỹ xảo trong đại phẩm, bom tấn... , điện ảnh thế giới đang trở lại với những cái gì rất đơn giản, gắn với cuộc sống đời thường. Càng ngày càng có nhiều đạo diễn trên thế giới tìm tòi và làm phim theo phong cách này. Hollywood là kỹ nghệ câu khách, càng ngày càng có khuynh hướng tô đậm tính dữ dội, hoành tráng... thì không nói, nhưng đạo diễn của phim nghệ thuật, độc lập càng ngày càng trở về phong cách Ozu, câu chuyện đơn giản và tinh tế.
Ở Việt Nam vẫn còn đang đuổi theo những cái người ta đã đi qua mà mình thì chưa đi tới. Nếu nhìn xa và thấy được chuyện người ta đã đi vòng lại rồi thì tôi nghĩ đạo diễn của mình nên tìm đến với phong cách Ozu. Cách đó vừa thích hợp với tâm hồn Á Đông, vừa thích hợp với điều kiện sản xuất. Phim dạng này chỉ hơn nhau ở chỗ phát hiện những cái tinh tế trong cuộc sống bình thường. Ở đâu thì người ta cũng phải sống cả. Đừng nghĩ đến những chuyện núi lửa, động đất, người bay, người dơi... làm gì, những cái đó người ta đã đi qua và phủi tay hết rồi, hà cớ gì mình cứ chạy theo?

* Còn vấn đề khán giả thì sao thưa anh?

- Nếu mình muốn coi điện ảnh là giải trí thì cứ làm như cách hiện nay, dạng phim thể loại: kinh dị, giả tưởng, mafia, hành động, hài hước... Cũng tốt thôi. Nhưng theo tôi nghĩ, cái đó phải chấp nhận đi sau người ta. Mình coi phim, thấy người ta thành công cái gì thì cứ theo đó mà làm, chất phát hiện và sáng tạo không có, mà chất thợ nhiều hơn. Dĩ nhiên áp dụng cũng đòi hỏi “thợ lành nghề”.

Bản thân tôi, với tư cách khán giả, khi nào trong người mệt mỏi, bức bối, thì cứ bật phim Ozu lên coi. Có phim coi đến hàng chục, hàng trăm lần. Nó đơn giản, ngọt ngào, dịu dàng cảnh vợ chồng con cái, bạn bè ngồi với nhau nói những câu bình thường, dễ thương giúp mình thư thái hơn. Phim Ozu coi đi coi lại tự nhiên mình sẽ phát hiện cái gì đó mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu tìm thông tin nữa, mà tạo cảm xúc. Trong khi đó coi Người dơi, 007 rất hay, nhưng coi một lần cho biết thì được rồi, coi nữa đâu có tác dụng gì, đúng không?

Đỗ Duy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm