Chúng ta thiếu người hiểu đúng thế nào là làm nghệ thuật!

16/03/2009 09:17 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Tối 17 và 18/3, trong khuôn khổ LHP Pháp ngữ tại IDECAF (28 Lê Thánh Tôn, TP.HCM), khán giả có cơ hội “giáp mặt” Trăng nơi đáy giếng (chiếu miễn phí), bộ phim vừa được trao giải Cánh diều bạc 2008 và cũng là phim Việt Nam duy nhất tham dự LHP này, trước khi nó tiếp tục lên đường tới các LHP quốc tế khác, trong khi chưa có kế hoạch phát hành ở trong nước. Bị xếp vào dòng phim “được giải, ít được khán giả”, nhưng “cha đẻ” của Trăng nơi đáy giếng, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn lại có một cách nhìn “ngược chiều” về lợi nhuận của điện ảnh, nhất là điện ảnh Việt Nam.

Cuộc chơi không dừng lại 10 ngày

* Thắng lợi của Triệu phú ổ chuột ở Oscar 2009 khiến dư luận phải quan tâm trở lại với phim độc lập, kinh phí thấp, nhất là trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay. Trong khi ấy, ở ta vẫn còn lấn cấn giữa chuyện phim thị trường và phim nghệ thuật.

 Đạo diễn Vinh Sơn
- Ở nước ta, với phim do nhà nước đầu tư, kịch bản được chỉnh sửa, kiểm duyệt rất nhiều. Thực tế là đạo diễn được phân công chỉ đóng góp tay nghề để dựng phim, họ chưa chắc đã thích kịch bản, có rất ít chất riêng của mình trong tác phẩm. Mấy năm gần đây, có thêm nguồn phim của các hãng tư nhân. Chất tác giả cũng không có bao nhiêu là vì tư tưởng chủ đạo phải phục vụ cho càng nhiều người xem càng tốt, thu lợi tối đa. Hai hướng này không có vấn đề gì cả, nếu như không cho ra sản phẩm mà ai cũng biết, cũng quen xem hết rồi... Luồng phim độc lập hay ở chỗ đạo diễn có quyền nghĩ đến kịch bản, câu chuyện có yếu tố riêng, độc đáo, mình thật sự yêu thích và đưa vào sản xuất một cách tự do. Dĩ nhiên kiểu làm này đòi hỏi nhà sản xuất phải cùng “chịu chơi”, không nhắm tới doanh thu, muốn có một phim... cho ra phim. Tôi nghĩ, lúc này, có thể làm được, vì ngay cả một số nhà sản xuất xưa nay vẫn làm phim thị trường dần dần cũng nghĩ đến những hiệu quả rộng và sâu hơn, cả về địa lý lẫn về nghệ thuật.

Phim độc lập sẽ có điều kiện đi xa vì có chất riêng. Chúng ta cứ làm phim chạy theo những gì Hollywood đã làm thì không thể nào hiệu quả bằng người ta được. Phải thừa nhận, làm phim dạng thị trường như hiện nay đang làm, mình không thể nghĩ tới cái gì người ta chưa nghĩ, cũng không thể làm hay hơn những gì Mỹ, Hongkong, Hàn Quốc... đã làm, cho nên đời sống của phim chỉ loay hoay trong nước thôi. Khán giả có cảm giác xem cái đó ở đâu rồi mà cái xem ở đâu đó lại hay hơn.

* Nhưng đứng về phía kinh doanh thì rõ ràng là có lợi chứ thưa ông, như doanh thu tới mười mấy tỷ của phim Tết vừa rồi. Có ý kiến cho rằng, phim Việt bây giờ cần “sống” (có doanh thu, hút người tới rạp) trước đã, sau hẵng tính chuyện nghệ thuật.

- Về phía làm ăn, hẳn nhiên, loại phim độc lập chưa chắc lời, nhưng cũng chưa chắc lỗ, vì có những đường phát hành, những gặt hái khác so với loại phim chiếu Tết. Cuộc chơi không dừng lại ở 10 ngày rồi kết toán lời lỗ mà còn là xuất hiện, trình chiếu, bán buôn ở nước ngoài... Có nhiều kiểu khai thác mà cuộc sống của nó lâu, mạnh hơn, cũng như trồng cây ăn trái lâu năm sẽ rất khác so với trồng lúa, trồng khoai... thu hoạch tức thời. Xét cả kinh doanh lẫn chất lượng tác phẩm, chưa chắc bên nào hơn bên nào. Như Trăng nơi đáy giếng, nếu xin được tài trợ thì coi như đó là doanh thu trước mắt. Còn việc tham gia, giới thiệu, đạt giải thưởng thì đó là lời. Nhà tài trợ cũng chỉ mong muốn ngang đó thôi.
 
Cảnh trong phim Giải cứu thần chết

Ở đây, tôi chỉ xin ví dụ trường hợp phim Giải cứu thần chết, thành công khá lớn về doanh thu trong dòng phim thương mại, nhưng thực tế mà nói, người sản xuất cũng không “an toàn”. Trong 20 tỷ thu về, phân nửa thuộc về nhà phát hành, trừ kinh phí sản xuất, chi phí nhân bản phim, quảng cáo, PR..., lợi nhuận chia cho các đơn vị hợp tác sản xuất không nhiều như bên ngoài tưởng. Chưa nói, nếu vay ngân hàng thì khoản trả tiền lời trong một năm làm phim không nhỏ. Và nếu chỉ một lần thất bại thì mất hết phần lời của vài năm.

Thị hiếu của công chúng thì vô chừng, lành mạnh lẫn thấp kém. Cứ tìm cách thu hút đông công chúng, bất kể thị hiếu nào, có cái tốt nhưng cũng có mặt trái. Nếu coi vé của người xem là lá phiếu bỏ cho thành công của nhà sản xuất, đạo diễn, thì chưa chắc.

Hiện giờ, tôi nghĩ, nói là phim thương mại nhưng chúng ta chưa có dòng phim này, chỉ có phim Tết thôi. Các nhà sản xuất hô hào phim tôi thương mại lắm, hút khách lắm nhưng có anh nào dám chiếu vào dịp khác Tết không? Phim Tết dĩ nhiên cũng phải hay và hấp dẫn. Nhưng ngoài ra, cũng phải nói đến những yếu tố khác, đó là thời cơ, phong tục tập quán của dân tộc. Ngày Tết người ta đi xem phim cũng giống như chuyện không ăn cơm nhiều mà ăn bánh, mứt (bánh và mứt không phải thực phẩm chính của dân Việt Nam hàng ngày). Khán giả của phim Tết đa phần chỉ là “khán giả”, chưa thật sự là người thưởng thức điện ảnh đích thực, có thể gọi đó là “khán giả bánh mứt”. Phim ngày Tết cũng có thể gọi là “phim bánh mứt”.

Khi anh không đi trên đôi chân của mình, đi quá giang mà nói đi nhanh hơn người khác là chưa sòng phẳng. Thật ra, mùa phim hè, Noel của các nước cũng căn cứ vào thời gian làm việc, học tập của khán giả, cũng “quá giang” theo nghĩa nào đó. Nhưng Tết là phương tiện “quá giang” hết sức thuận lợi cho người làm phim. Tỷ lệ giữa thực lực và cơ hội chênh quá cao chưa hẳn hay.

* Mà nguy hiểm?

- Cũng không có gì nguy hiểm, nhưng tác phẩm chưa có sức sống đúng nghĩa. Thực tế chứng minh điều đó, nếu anh trật ra đường ray đó thì anh không sống được. Chọn sai phân khúc, thời điểm dẫn đến thất bại của Huyền thoại bất tử như đã thấy. Lưu Huỳnh đã nói với tôi, sẽ làm một phim hay để khán giả xem vào dịp Tết. Tôi công nhận phim của anh là phim thật sự, nhưng đem ra chiếu ngày Tết vô tình đồng hóa phim mình trở thành “phim bánh mứt”, cho “khán giả bánh mứt”, thất bại là điều dễ hiểu.
 
Một cảnh trong phim Trăng nơi đáy giếng

Đi hai hàng rất khó

* Có thể khôn ngoan chọn hướng đi trung dung hơn giữa khán giả và nghệ thuật không, thưa ông?

- Nếu dung hòa được, dĩ nhiên rất tốt, ai làm được, tôi rất thán phục. Nhưng thực tế ở ta, làm vậy rất nguy hiểm, vì khoảng cách giữa khán giả của giới phê bình và khán giả công chúng quá lớn. Khi “đứng giữa” như vậy, sản phẩm thành nửa nạc, nửa mỡ. Trừ những tài năng đạo diễn lớn, hiện nay tôi thấy nên chọn lựa và phải dứt khoát với chọn lựa ấy. Đi hai hàng rất khó đấy. Có một sai lầm mà cả giới truyền thông, giới sản xuất và sáng tác hay mắc phải là khích bác nhau, cho rằng thằng này làm phim mì ăn liền, thằng này làm phim nghệ thuật. Theo tôi nghĩ, một nền điện ảnh mạnh nên có cả hai yếu tố này song hành. Có những đạo diễn chỉ thấy thế mạnh của mình trong phim tác giả, chuyên với nó (cũng có thất bại chứ không phải không). Đạo diễn làm phim để có doanh thu cũng đòi hỏi tài năng, dũng cảm. Trời sinh ra mỗi người một kiểu, không nên hạn chế nhau kiểu đó. Dĩ nhiên, nước mình còn nghèo, những phim loại nghệ thuật cũng nên làm đơn giản, ít tốn tiền (dù tiền do được tài trợ đi nữa, cũng không nên phung phí).

* Vậy kết quả đạt được của Triệu phú ổ chuột có nói lên được gì không, thưa ông?

- Phim được lòng cả công chúng lẫn giới phê bình, dĩ nhiên là giới phê bình của Hollywood thôi. Tới giờ, Triệu phú ổ chuột chưa có giải nào ở những LHP nghệ thuật như Cannes hay Venice... Kiểu chơi của Hollywood là sòng phẳng, tính toán cả đôi đường, phim phải ra công chúng, đạt được hiệu ứng khán giả. Còn Cannes, Venice... thì ngược lại, anh phải chiếu đầu tiên ở chỗ tôi.

* Nếu không làm được việc kéo khán giả đến rạp, phim độc lập, nghệ thuật có chắc thực hiện được chức năng nâng tầm thẩm mỹ cho khán giả không, thưa ông?
 
- Vấn đề công chúng nằm ngoài quyền hạn của người làm phim, đó là của xã hội. Để có được công chúng thưởng thức điện ảnh, cũng giống như có công chúng để thưởng thức giao hưởng đâu phải đơn giản. Loại phim Việt Nam mình đang xem và tán thưởng bây giờ, thế giới đã xem từ những năm 1960 - 1970 rồi, chứng tỏ trình độ thưởng thức của khán giả mình đang còn thấp. Phải thừa nhận, phải báo động về trình độ thưởng thức văn hóa của số đông công chúng Việt Nam thì mới tiến bộ được. Kể cả giới sinh viên, giới trẻ nói chung, nhiều người không có nhu cầu đọc sách, tìm hiểu văn hóa... Họ chỉ xem nghệ thuật với mục đích thuần túy giải trí, đó là thưởng thức văn hóa ở cấp độ thấp nhất.

Giới báo chí có vẻ không nhìn từ mặt đó, đổ tội lên đầu những người làm phim, kể cả những người làm phim đàng hoàng. “Anh này làm phim để đi liên hoan chứ không chú ý tới công chúng. Tiền bỏ ra làm bộ phim chiếu được mấy ngày”, lập luận đó rất lạc hậu. Đi LHP cũng là cách thu lượm đó chứ, chỉ có điều khác với cách thu tiền tỷ ở phòng vé thôi. Anh có được 30 giây trên đài truyền hình nước ngoài nào đó phải tốn bao nhiêu tiền? Tờ báo nước ngoài nhắc đến điện ảnh Việt Nam là đáng giá bao nhiêu?

Ở LHP Busan, một ngày hội của điện ảnh châu Á, chẳng hạn, họ đâu biết Gái nhảy, Giải cứu thần chết đình đám trong nước thế nào, chỉ biết phim Việt Nam không có mặt ở đây, không ai biết. Tổn thất đó tính thế nào? Có phim Việt Nam ở đó, khán giả bỏ thời gian xem, thì hiệu quả đó tính ra sao? Nói về khán giả trong nước, số người đi xem ít thôi, nhưng cũng tạo ra sự tò mò, muốn hiểu biết về cái gọi là nghệ thuật. Điều đó cũng có giá trị chứ.

* Vấn đề quan trọng cuối cùng, nhưng cũng có vẻ là mấu chốt nhất, đó là tài của đạo diễn. Ông nghĩ sao về nhân sự đang làm phim trong nước?

- Thị trường Việt Nam hiện nay vừa mỏng về số lượng vừa yếu về chất lượng. Bước một bước ra gần ta thôi, như ở Thái Lan, có đạo diễn rất trẻ, chưa làm phim lớn, chỉ làm tác phẩm ngắn đi dự liên hoan, rất tự tin, mạnh mẽ. Lực lượng đó sẽ phát triển trong mấy năm tới, là nền móng của nền điện ảnh mạnh.

Còn nhìn lại nước mình hiện nay, số lượng người chịu lăn xả, tìm tòi, nghiên cứu sao cho ra được một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa (chưa nói đến hay) rất thiếu, nếu không muốn nói là chưa có. Chúng ta thiếu người tài và có tầm nhìn rộng mở, hiểu đúng thế nào là làm nghệ thuật. Một trong những cái nguy hiểm nữa là nhà quản lý thiếu thông tin, không vững quan điểm về sáng tạo nghệ thuật. Người làm báo chí, phê bình cũng có cái nhìn gần, không hiểu biết rộng nên có những cái nhìn đối phó.

Tôi cũng đang rất muốn làm phim thị trường

* Sau Trăng nơi đáy giếng, ông nghỉ ngơi hay lại bắt đầu vào một dự án mới?

- Hiện giờ tôi đang bắt tay thực hiện một bộ phim mới, dựa theo truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần. Kịch bản viết đã hai năm nay rồi, vẫn đang tìm cách nào đó thể hiện thật chỉn chu.

* Ông sẽ tiếp tục tìm đến những quỹ văn hóa để xin hỗ trợ kinh phí?

- Với phim này, tôi chưa nghĩ xin tài trợ. Mình có được một lần rồi mà xin nữa thì hơi lạm dụng lòng ưu ái của người ta, xác suất đạt được cũng rất khó. Thường quỹ tài trợ sẽ dành cho những đạo diễn chưa có cơ hội thể hiện mình, hoặc chưa có cơ hội để nhà sản xuất chú ý. Được rồi thì phải phải dùng phim của mình để thuyết phục nhà sản xuất khác, chứ không phải ngửa tay xin tiền hoài, tôi nghĩ vậy. Mình phải fairplay một chút, mới bước vào đời được dìu dắt thì bây giờ phải đi bằng đôi chân của mình.

Dự án này, tôi có thể kêu gọi bạn bè người thân tin tưởng mình cùng đầu tư. Dĩ nhiên cũng có tài trợ từ nước ngoài nhưng theo kiểu khác. Đã quay, dựng sơ rồi thì kêu gọi tài trợ phần hậu kỳ, nhẹ hơn. Chơi kiểu này cũng như đánh bạc, có thể thất bại, vốn liếng bay hết. Nhưng nếu làm cho ấn tượng, dùng nó để xin tài trợ tiếp, làm cho hoàn thiện hơn cũng là hướng tốt.

* Ông đã xác định cho mình chắc chắn hướng đi sắp tới là dòng phim tác giả, kinh phí thấp?

- Trước mắt là như vậy. Tôi không dám chắc, vì đâu phải năm nào cũng có xúc cảm, sáng tạo độc đáo được. Tôi cũng đang rất muốn làm phim thị trường, thời “mì ăn liền” cũng có làm rồi: Nước mắt giang hồ, Cảnh sát hình sự... Rồi cũng phải làm lại chứ!

* Cũng có mẫu số chung là câu chuyện ăn khách, diễn viên ngôi sao...?

- Cái đó cũng phải coi lại một chút. Có những luật chơi tôi không thể chơi hết mình được. Tôi nghĩ, nếu làm phim thương mại, cũng nên làm cho nó có đời sống lâu hơn một chút.

* Liệu có thể hy vọng một phim kinh phí thấp và hút khách không, thưa ông?

- Cái này khó. Thực sự làm phim Tết như chúng ta đang làm cũng là thấp lắm rồi so với người ta. Bây giờ lại yêu cầu làm thấp hơn nữa rất khó, chắc chỉ có đường đạo diễn phải thắt lưng buộc bụng lại thôi.

Đỗ Duy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm