Bài 1: Cả thế giới nhìn về Oscar 2009

16/02/2009 14:14 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Đêm hội của một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh Oscar (lần thứ 81) đang tới gần. TT&VH xin gửi tới bạn đọc những điều thú vị xung quanh giải này.
 
Cái tên Oscar vẫn còn gây tranh cãi
 
Ngày nay, nói đến Oscar, tất cả những người yêu thích nghệ thuật thứ 7 trên thế giới đều biết đó là giải thưởng điện ảnh lớn nhất, danh giá nhất, tuy nhiên cái tên Oscar lại chẳng có ý nghĩa gì về mặt ngôn ngữ (điều này rất khác với các giải thưởng được tìm đặt với nhiều cái tên đầy ý nghĩa, đôi khi cầu kỳ ở ta, nhưng uy tín và tầm ảnh hưởng có thể ngược lại). Tên chính thức của Oscar là Giải thưởng Viện Hàn lâm (Academy Awards), do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (Academy Of Motion Picture Arts And Sciences, viết tắt là AMPAS) trao tặng. Cho đến nay vẫn không có ai biết đích xác cái tên Oscar xuất phát từ đâu.

Ai là giám khảo của Oscar?
 
Đó là các thành viên AMPAS và phải có lời mời chính thức của Hội đồng quản trị AMPAS mới được tham gia quá trình lựa chọn đề cử và bầu ra người thắng giải. Những người được mời cũng phải qua một quá trình đề cử hoặc lựa chọn dựa trên sự cống hiến của họ cho ngành công nghiệp điện ảnh. Việc đề cử các thành viên mới cho công tác tuyển chọn được tiến hành hàng năm. Hiện nay có gần 6.000 người được mời tham gia quá trình xét giải theo từng nhóm. Các nhóm này gồm: diễn viên, chỉ đạo nghệ thuật, quay phim, đạo diễn, phim tài liệu, quản trị, dựng phim, hóa trang, âm nhạc, sản xuất phim, quan hệ công chúng, phim ngắn và phim hoạt hình, âm thanh, kỹ xảo, biên kịch. Theo quy định, tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, các thành viên sẽ bầu chọn ứng cử viên cho những hạng mục thuộc nhóm tương ứng của mình, riêng hạng mục Phim xuất sắc nhất thì tất cả đều có quyền tham gia đề cử. Những người thắng giải sẽ được lựa chọn bằng vòng bỏ phiếu thứ hai, trong đó mọi thành viên đều được phép bầu ở hầu hết các hạng mục, kể cả hạng mục Phim xuất sắc nhất.  
 
Các phim thắng lớn nhất tại Oscar
 
Bộ phim The Curious Case Of Benjamin Button
Với 14 đề cử tại Oscar 1998, bộ phim bom tấn đẫm nước mắt Titanic của hãng 20th Century Fox và Paramount Pictures đã nhận về 11 giải thưởng. Cũng nhận được 14 đề cử còn có All About Eve (hãng 20th Century Fox) tại Oscar 1951 nhưng phim này chỉ đoạt 6 giải. Cùng đạt kỷ lục 11 giải Oscar với Titanic, dù có số lượng đề cử không nhiều bằng, là hai bộ phim kinh điển: Ben-Hur (phát hành năm 1959) và The Lord Of The Rings: The Return Of The King (2003).
 
Năm nay, bộ phim The Curious Case Of Benjamin Button nhận được 13 đề cử.
 
Oscar cũng bị chỉ trích
 
Dù rất danh giá, được bầu chọn theo những quy định nghiêm ngặt và do các công ty kiểm toán uy tín giám sát, nhưng Oscar cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích, chủ yếu tập trung vào việc tác phẩm nhận giải Phim xuất sắc nhất có thật sự xứng đáng hay không.
 
Một số Phim xuất sắc nhất bị xem là ít giá trị trường tồn như Around The World In 80 Days hay The Greatest Show On Earth. Ngược lại, một số phim được đánh giá rất cao đã không được trao giải thưởng Phim xuất sắc nhất. Chẳng hạn như bộ phim kinh điển Citizen Kane được giới phê bình ủng hộ nhiệt liệt, có tới 9 đề cử Oscar nhưng chỉ mang về duy nhất một giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Tuy thế, Citizen Kane vẫn được coi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh Mỹ. Một bộ phim xuất sắc khác là The Shawshank Redemption được 7 đề cử Oscar nhưng thậm chí không đoạt giải nào, mặc dù nó vẫn luôn nằm trong nhóm những bộ phim hay nhất của mọi thời đại trên trang web uy tín IMDb...
 
Một vấn đề khác của Oscar là việc các đề cử hầu như chỉ dành cho phim nói tiếng Anh, trừ đề cử ở hạng mục Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Cho đến nay, mới chỉ có 8 bộ phim tiếng nước ngoài được đề cử cho hạng mục Phim xuất sắc nhất, gồm: The Grand Illusion (tiếng Pháp, tại giải Oscar 1938), Z (tiếng Pháp, 1970), The Emigrants (tiếng Thụy Điển, 1973), Cries And Whispers (tiếng Thụy Điển, 1974), The Postman (tiếng Italia và Tây Ban Nha, 1996), Life Is Beautiful (tiếng Italia, 1998), Ngọa hổ, tàng long (tiếng Quan Thoại, 2001) và Letters From Iwo Jima (tiếng Nhật Bản, 2007). Tuy nhiên, chưa có tác phẩm điện ảnh nào không sử dụng tiếng Anh đoạt giải Phim xuất sắc nhất.
 
Oscar 2009, ai sẽ tỏa sáng?
 
Sự khởi sắc của điện ảnh Hollywood từ mùa Hè năm 2008 được xem như “liều thuốc tinh thần” trong những ngày tháng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế đang bao phủ nước Mỹ. Nó cũng khiến cho đêm hội Oscar lần thứ 81 (sẽ diễn ra tại Nhà hát Kodak, Los Angeles, vào ngày 22/2 tới đây) tiếp tục tỏa hào quang sau một lễ trao giải buồn tẻ hồi năm ngoái (đêm trao giải Địa cầu Vàng 2008 trước đó thậm chí còn phải hủy bỏ!). Năm nay có 112 ứng cử viên tranh tượng vàng Oscar ở 24 hạng mục giải thưởng, bao gồm:
 
- Phim xuất sắc nhất
- Đạo diễn xuất sắc nhất
- Kịch bản gốc xuất sắc nhất
- Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất
- Nam diễn viên chính xuất sắc nhất
- Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất
- Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất
- Quay phim xuất sắc nhất
- Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất
- Nhạc nền xuất sắc nhất
- Ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất
- Thiết kế trang phục xuất sắc nhất
- Dựng phim xuất sắc nhất
- Hóa trang xuất sắc nhất
- Âm thanh xuất sắc nhất
- Dựng hiệu ứng âm thanh xuất sắc nhất
- Kỹ xảo xuất sắc nhất
- Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất
- Phim hoạt hình xuất sắc nhất (giải Oscar mới nhất, được trao từ năm 2001)
- Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất
- Phim tài liệu xuất sắc nhất
- Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất
- Phim ngắn xuất sắc nhất
 
Slumdog millionaire và...
The Reader - hai ứng cử viên của Oscar 2009
 
 Ngọc Hương (tổng hợp từ Wikipedia)
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm