Phục dựng Thăng Long bằng phim 3D

05/02/2009 11:08 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, sáng hôm qua (4/2) tại thành cổ Hà Nội, Công ty TNHH Đồ họa Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa thành cổ Hà Nội tổ chức buổi họp báo ra mắt dự án phim tài liệu nghệ thuật khoa học, sử dụng kỹ thuật 3D, mang tên Thăng Long - Thành phố rồng bay.
 

* Kinh thành Thăng Long trong không gian ảo

Tại buổi họp báo, các nhà làm phim đã giới thiệu 9 phút phim thử nghiệm của dự án đã được các kỹ sư đồ họa 3D thực hiện trong thời gian qua. Hình ảnh điện Kính Thiên (vốn chỉ được lưu lại duy nhất trong một tấm ảnh đã cũ mờ mà người Pháp để lại) đã được tái hiện một cách khá rõ ràng và tổng quát trong không gian 3D. Những bậc đá, những cột trụ hay thậm chí là gạch thông gió đều được tái hiện rõ ràng đến từng chi tiết. Mà nếu như chỉ nhìn những tấm hình tư liệu đã mờ thì không thể nào thấy được.
 
Điện Kính Thiên phục dựng bằng 3D

Các nhà làm phim tiết lộ, để có được những hình ảnh được coi là hoàn chỉnh này, họ đã phải đi khảo sát thực nghiệm trong hơn 2 năm trời tại nhiều tỉnh thành trong cả nước (và tiếp tục sẽ đi tiếp trong thời gian tới). Đôi khi có những sự may mắn và những phát hiện khá lý thú mà chính những nhà khoa học, những nhà lịch sử chưa hề biết tới như trường hợp tái hiện con sấu đá của điện Kính Thiên. Khi tới bảo tàng để nghiên cứu hình ảnh con sấu đá, đoàn làm phim chỉ thấy một cái đuôi mà mất đầu nhưng tình cờ khi đến một làng quê, lại thấy được con sấu đá mất đuôi và có đầu. Sau đó lắp ghép lại thành một con sấu đá khá hoàn chỉnh…

Một điểm khá lý thú của công nghệ 3D là có thể bổ sung và chỉnh sửa lại những chi tiết chưa hoàn chỉnh một cách khá dễ dàng. Và đây cũng là một thuận lợi khi chúng ta tái hiện lại lịch sử, kiến trúc bằng công nghệ này. Theo GS Phan Huy Lê thì chính những tái hiện mô hình 3D này sẽ là cơ sở để sau này chúng ta có thể phục hồi và xây dựng lại những di tích lịch sử như các nước trên thế giới đã và đang làm.

* Thách thức

Tuy nhiên ngay trong buổi họp báo sáng qua nhiều nhà chuyên môn đã chỉ ra những khó khăn sẽ vấp phải khi triển khai dự án này. Phần phục diện diện mạo sẽ được lấy trọng tâm là kinh thành Thăng Long. Một số di tích kiến trúc trọng tâm trong cấm thành sẽ được đặc tả, kết hợp quay toàn cảnh bằng góc rộng nhìn từ trên cao để nhận diện khu vực trung tâm Thăng Long - Hà Nội xưa. Những di vật kiến trúc nổi bật như đầu rồng, đầu phượng, lá đề, đá tảng kê chân cột… được phục dựng riêng biệt trước khi lắp dựng vào kiến trúc tổng thể…
 
Cửa Bắc - hình ảnh kết hợp phục dựng bằng 3D 

Thế nhưng theo GS Phan Huy Lê, những phát lộ trên mặt đất của những di tích lịch sử như vậy không còn nhiều, những nhân chứng lịch sử cũng không còn để biết được tính xác thực của di tích. Đây sẽ thực sự là thách thức khó khăn cho các nhà làm phim hình dung một cách chính xác về “thành phố Rồng bay”.

Tác giả kịch bản phim Thăng Long- Thành phố rồng bay là nhà báo Nguyễn Thu Thủy và họa sĩ Nguyễn Anh Tuấn. Bộ phim được thực hiện dưới sự cố vấn của GS Phan Huy Lê.

Bộ phim sẽ gồm 5 phân đoạn: Sự phát nguyên phong thổ (miêu tả lại vùng đất địa linh thời kỳ tiền Thăng Long); Bình minh thành Đại La (miêu tả hình ảnh thuyền Rồng cập bến sông Nhị sau hành trình rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La của Lý Công Uẩn); Phục diện diện mạo kinh thành Thăng Long; Thăng Long phi chiến địa; và cuối cùng là Hoành tráng, kỳ vĩ thành phố rồng bay.

Giáo sư và một số nhà chuyên môn cũng đã chỉ ra ngay những sai sót trong bản “demo” thể nghiệm của dự án và cho rằng cần có thêm nhiều cố vấn lịch sử hơn nữa để khi bộ phim được công chiếu khán giả có một cái nhìn chính xác nhất về lịch sử.

* Chỉ còn 400 ngày làm phim

Theo họa sĩ Nguyễn Anh Tuấn, những người làm phim đã ấp ủ dự án của mình từ đầu năm 2006. Kinh phí dự kiến là khoảng trên 3 tỷ đồng (thấp hơn nhiều so với các bộ phim dự định được làm để chào mừng 1000 năm Thăng Long). Số tiền này chỉ mới tính chi phí để trả lương cho đội ngũ những người thực hiện bộ phim mà chưa tính tới việc các chi phí đầu tư như máy móc, thiết bị… Tuy nhiên, bộ phim hiện vẫn được triển khai với nguồn vốn tự thân của Công ty TNHH Đồ hoạ Việt Nam và Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội. Tiếp theo bộ phim sẽ tiếp tục vận động kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Theo tính toán của họa sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thời gian thực hiện dự án chỉ còn khoảng hơn 400 ngày bởi tới cuối tháng 2 các nhà làm phim mới biết được kịch bản chi tiết bộ phim được duyệt hay không. Họa sĩ cho biết sẽ đăng ký kỷ lục thực hiện bộ phim trong thời gian ngắn nhất ngay khi kịch bản văn học chi tiết do anh và nhà báo Nguyễn Thu Thủy viết được duyệt.

Thành Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm