Slumdog Millionaire làm tổn thương nhiều người Ấn Độ

01/02/2009 11:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Online) - Trong khi cả thế giới còn chưa nguôi ca tụng bộ phim Slumdog Millionaire với thành tích đoạt 4 giải Quả cầu vàng, 10 đề cử Oscar và một lô các giải thưởng khác, thì ở Ấn Độ, nơi bộ phim lấy bối cảnh chính, đoàn làm phim đã bị kéo trở lại mặt đất trước những cáo buộc về cung cách đối xử của họ với những diễn viên bản địa, và cả sự tổn thương mà nhan đề bộ phim đã gây ra cho người dân sống trong những khu ổ chuột.

Hồi đầu tuần vừa rồi, tờ báo Daily Telegraph của Anh đã trích lời phụ huynh hai diễn viên nhí Rubina Ali và Azharuddin Ismail (đóng vai Latika và Salim lúc bé) phàn nàn rằng con họ đã không được những người làm phim chăm sóc tương xứng.
 
Poster phim Slumdog Millionaire ở Ấn Độ
 
Bố của Ismail nói với tờ báo rằng hiện gia đình ông chẳng còn chút tiền nào và ông không hay biết gì về một khoản tiền ủy thác cho tương lai con trai ông. Trong khi đó tờ báo dẫn lời bố của Ali: “Số tiền họ trả cho chúng tôi chẳng là gì cả. Họ cần phải trả thêm”. Bài báo cho biết Ali đã nhận được khoản cát xê 500 Bảng Anh (715 USD), trong khi đó Ismail nhận được 1700 Bảng.

Tuy nhiên nhà sản xuất Christian Colson đã lập tức lên tiếng cho rằng các con số trên là hoàn toàn không chính xác: “Tất cả diễn viên đều được trả công tương xứng với những đóng góp của họ. Con số mà tờ báo Anh đưa ra là không chính xác, và thông tin cho rằng các diễn viên đã phải làm việc trong suốt 1 năm cũng không chính xác”.

Christian nói thêm: “Ngay khi dàn diễn viên được tuyển, chúng tôi đã lên kế hoạch hành động vì cuộc sống tương lai của họ, và những điều này còn giá trị hơn nhiều số tiền cát xê họ được nhận; chúng tôi đã bàn bạc tất cả những vấn đề này với phụ huynh của họ”. Chris còn cho biết những nhà sản xuất đã tạo điều kiện để những diễn viên nhí được đến trường và thành lập một quỹ để chi trả học phí, các dịch vụ y tế khẩn cấp và “những khoản chi tiêu cơ bản”.

Đạo diễn Danny Boyle nói thêm: “Điều bạn cần làm là một kế hoạch đầu tư dài hạn cho bọn trẻ chứ không phải là những khoản chi trước mắt”. Danny cũng cho biết về việc nhan đề của bộ phim bị phản đối.
 
Một cảnh trong phim Slumdog Millionaire

Nicholas Almeida, nhà hoạt động xã hội và cũng là cư dân của một khu ổ chuột (slum), vừa gửi hồ sơ lên tòa án địa phương kiện Boyle và Colson với cáo buộc nhan đề bộ phim (Slumdog) gây tổn thương và hàm ý phân biệt chủng tộc.

Anh nói: “Khi nước Anh xâm lược Ấn Độ, họ gọi người Ấn Độ là ‘chó’. Giờ chúng tôi đã giành độc lập được 60 năm rồi, tại sao chúng tôi lại phải tiếp tục chứng kiến cảnh những đứa trẻ tội nghiệp đó bị gọi là ‘chó’”.

Cũng trong tuần vừa rồi, tại thủ phủ Patna của bang Bihar (Ấn Độ), những người biểu tình, đa phần là cư dân của những khu ổ chuột, đã xé nhiều poster của Slumdog Millionaire và đập phá một rạp chiếu phim.

Boyle cho biết tính phản kháng chính là “một phần của hạ tầng cuộc sống ở Ấn Độ”. Về nhan đề bộ phim, anh nói thêm: “Đối với chúng tôi, ‘slumdog’ là một khái niệm rất có tính biểu cảm… đó là một sự lại căng, một sự nhào trộn giữa underdog (người yếm thế) và căn nguyên của underdog, và một điều rõ ràng nữa là họ đều cư ngụ tại những khu ổ chuột (slum)”.

Một số hãng truyền thông Ấn Độ đã dành cho bộ phim của Boyle những lời nhận xét khá độc địa, họ cho rằng Slumdog Millionaire là thể loại phim “khiêu dâm nghèo nàn” và cáo buộc Boyle chỉ tập trung khai thác những mặt tối tăm của thành phố Mumbai.

Tuy vậy, cũng có rất nhiều người Ấn Độ đã ăn mừng thành công về cả doanh thu lẫn phê bình của Slumdog Millionaire. Đoàn làm phim đã được trao giải “Thành tựu toàn cầu của năm” của kênh truyền hình NDTV.

Trần Việt (theo Reuters)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm