Chuyển thể Tư bản luận của Karl Marx thành phim

12/01/2009 15:33 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - 2.000 trang của bộ sách Tư bản luận, trước tác của Karl Marx, nhà tư tưởng vĩ đại và là một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, vừa được người Đức chuyển thể thành một bộ phim dài 10 tiếng và ghi vào 3 đĩa DVD.

Ý tưởng khởi thủy của đạo diễn Nga Eisenstein

Ngày 12/10/1927 đạo diễn phim Xô viết Sergei Mikhailovich Eisenstein ghi vào nhật ký: “Nhất định phải dựng phim dựa trên tác phẩm Tư bản luận của Karl Marx. Không có phương tiện nào thích hợp hơn”. Ở thời điểm đó ông vừa hoàn tất phim Mười ngày rung chuyển thế giới sau khi nổi danh với tác phẩm điện ảnh kinh điển Chiến hạm Potemkin 2 năm trước đó.
 
Tư bản luận của Karl Max

Lượng phim đã quay tổng cộng dài 29 tiếng được cắt và dồn gọn vào 90 phút. Eisenstein làm việc bất kể ngày đêm để kịp công chiếu nhân kỷ niệm 10 năm cách mạng thành công. Chính trong thời điểm này nảy sinh ý tưởng về bộ phim Tư bản. Nhưng cả ở Liên Xô lẫn ở Hollywood khi ấy, Eisenstein – đã rời Liên Xô để sang châu Âu và sau đó sang Mỹ làm phim (Một tấn bi kịch Mỹ) theo lời mời của Hollywood - không tìm ra được nhà sản xuất nào đứng ra hoàn thành bộ phim đó để phát hành. Cho đến khi ông qua đời.

Tháng 11/1929 Eisenstein đến Paris thăm James Joyce, tác giả của Ulysses và được coi là một trong những người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại bên cạnh Marcel Proust (Đi tìm thời gian đã mất). Eisenstein học được ở James Joyce phương pháp cắt ghép 18 giai thoại xảy ra cùng một ngày để áp dụng cho tác phẩm đang ấp ủ của mình. Như đã nói, ông đã kém may mắn riêng trong dự án này. Năm 1948 Eisenstein chết vì đau tim trong khi viết một luận văn về lịch sử điện ảnh xô viết.
 
Thêm 80 năm nữa trôi qua

Eisenstein coi Tư bản luận, một trước tác chính trị kinh tế học, như một tác phẩm nghệ thuật, nghĩa là hoàn toàn có thể chuyển thể sang một ngôn ngữ nghệ thuật khác. Song có lẽ tư duy của ông đi trước thời đại quá xa, và thời thế cũng không chiều ông: cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sau sự kiện sập sàn chứng khoán Mỹ 1929 và trào lưu nghệ thuật tiền phong ở Liên Xô đi vào ngõ cụt đã khiến giới văn hóa nghệ thuật xô viết hồi ấy phải đương đầu với những vấn đề khác hẳn. 80 năm sau, người viết tiểu sử Eisenstein mới phát hiện được những ghi chép quan trọng trong nhật ký của ông về dự án làm phim đầy tính tiên phong này.

Đạo diễn Alexander Kluge
Tin này đến tai Ulla Berkewicz, Giám đốc nhà xuất bản Suhrkamp (Đức). Nó trùng với dự định của bà muốn xuất bản một loạt DVD để mở rộng sản phẩm của mình. Nhân dịp Hội chợ sách Frankfurt 2007, bà đem ý tưởng định đó ra bàn với nhà làm phim Alexander Kluge và đề cập tới việc Eisenstein từng có kế hoạch chuyển thể Tư bản luận thành phim. Alexander Kluge ngay lập tức hào hứng với ý tưởng khác thường này, dù ông biết đó là điều vô cùng khó thực hiện. Dĩ nhiên hồi ấy cả bà Berkewicz lẫn ông Kluge đều không thể đoán trước được rằng chủ nghĩa tư bản tài chính toàn cầu đang chuẩn bị lặp “hội chứng” Thứ Sáu đen tối (Black Friday) của năm 1929, điều đã được Tư bản luận của Karl Marx tiên đoán trước đó hơn cả nửa thế kỷ, khiến thời gian qua đột nhiên người ta đổ xô đi tìm đọc bộ sách này, và vì thế nhà xuất bản phải in nối bản liên tục.

Vậy là khi giờ đây bộ phim chuyển thể Tư bản luận dài 10 tiếng, do Alexander Kluge thực hiện, ra đời, bỗng nhiên nó mang tính thời sự nóng hổi. Theo đúng ý của Karl Marx, phim mang tựa đề Tin tức từ thời cổ đại của tư tưởng hệ và nó chứa đựng rất nhiều tài liệu bổ sung nhằm thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa xưa và nay.
 
Người xem thấy gì?

Alexander Kluge, sinh năm 1932, là một trong những đại diện của phòng trào Điện ảnh Đức mới bên cạnh Werner Herzog và Rainer Werner Fassbinder. Trong bộ phim chuyển thể Tư bản luận của mình, ông đã phỏng vấn một loạt các trí thức và nhân sĩ Đức tiêu biểu của thời hiện tại như Hans Magnus Enzensberger, Oskar Negt, Dietmar Dath… giúp người đọc nhận ra mối liên hệ giữa tư tưởng của Karl Marx và tính thời sự của Tư bản luận, tuy nhiên ông không hàm hồ quả quyết rằng bộ phim của ông có thể tìm lời giải đáp cho tình trạng hiện nay của chủ nghĩa tư bản.
 
Một cảnh trong bộ phim chuyển thể Tư bản luận

Giống như cách Karl Marx phân tích trao đổi hàng hóa, giá trị thặng dư, phương tiện sản xuất v.v… cho đến các hình thái tư duy và nhận thức của con người, Kluge huy động hết các khả năng thể hiện của điện ảnh, từ pha trộn phim tài liệu với cảnh đóng hư cấu, từ cách dùng ngôn ngữ điện ảnh và đồ họa, từ cách bổ sung nhạc và thơ để có thể toát ra được những tư tưởng lớn của Tư bản luận. Bước nhảy qua hố sâu khổng lồ từ một tác phẩm triết luận cao siêu sang một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh của Kluge được giới phê bình đánh giá là thành công. Cả Eisenstein lẫn Kluge đều học tập Karl Marx ở cái tài nghệ bắt sự vật cất tiếng để kể ra điều tác giả muốn nói, cũng như chỉ ra được rằng mỗi chi tiết ý đều hàm chứa những ý nghĩa mang tính tổng quan. Trong Nhập đề phê phán chính trị kinh tế học, Karl Marx viết về các thiên anh hùng ca: “Vấn đề không ở chỗ nhận ra nghệ thuật và sử thi Hy Lạp liên quan đến các hình thức phát triển xã hội nhất định, mà ở chỗ nó đem lại cho ta sự thưởng thức nghệ thuật, đồng thời định ra một chuẩn mực hay hình mẫu không sao với tới nổi”.

Sau 10 tiếng xem phim, khán giả sẽ mường tượng ra thế nào là cảm nhận lý luận bằng mọi giác quan và sự vui sướng của hoạt động tư duy – cho dù chưa hiểu hết Karl Marx.

Thế cũng là đủ để khen ngợi Kluge, người đã biến được ước mơ một thời của Eisenstein trở thành hiện thực.
 
Lê Quang 
 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm