Người “kỵ sĩ” của sơn mài Việt

17/12/2011 11:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật VN và Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ (HS) Nguyễn Khang.

Đây là dịp để giới mỹ thuật và gia đình HS tưởng nhớ tới một nghệ sĩ lớn, đồng thời là nhà sư phạm, nhà nghiên cứu có uy tín trong đời sống mỹ thuật nước nhà.

Sơn mài Việt “ăn đứt” sơn mài Nhật Bản

Họa sĩ Nguyễn Khang mặc bộ kimono trong một chuyến sang Nhật Bản

HS Nguyễn Khang sinh ngày 16/12/1911, quê gốc ở làng Yên Thái (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông được giới hoạt động mỹ thuật đánh giá là người thành danh nhất trong số những người đã thi đỗ vào khoá 6 (1930-1935) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đặc biệt, HS Nguyễn Khang là một trong những HS Việt Nam đã nghiên cứu và thể nghiệm chất liệu sơn ta cổ truyền, góp phần không nhỏ vào việc đưa chất liệu này vào trong sáng tác hội hoạ VN hiện đại mà giới mỹ thuật gọi bằng thuật ngữ trân trọng: Mỹ thuật sơn mài.

Điểm độc đáo trong nghệ thuật tranh sơn mài của ông là ông đã tìm ra được bí quyết tán nhỏ vàng bạc thành cám rồi dùng sàng mắt nhỏ rắc đều cám vàng lên bề mặt sơn ta rồi lại mài đi. Kỹ thuật này làm cho các tác phẩm hội họa sơn mài trở nên phong phú về chất liệu và màu sắc, không chỉ còn đơn điệu những màu tối trầm của chất liệu sơn mài.

Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, HS Nguyễn Khang được nhà nước cử làm giám đốc kiêm giảng viên đặc trách đào tạo Khoa Sơn mài Trường Cao đăng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là ĐH Mỹ thuật Công nghiệp). Năm 1962, HS Nguyễn Khang được mời sang Nhật Bản để nghiên cứu về sơn mài. Sau chuyến đi ấy, ông đã kết luận: “Sơn mài Việt Nam vừa có độ sâu, trong và óng chuốt giàu tính nghệ thuật hơn là tính mỹ nghệ thực dụng, trang trí của sơn Nhật Bản”.

Nghiên cứu kỹ về sơn mài nhưng về thành tựu nghệ thuật, ông đã để lại một gia tài giàu có và độc đáo gồm cả vẽ tranh lụa, tranh khắc gỗ, sơn mài trên gốm, sáng tác mỹ thuật thực dụng và mỹ thuật trang trí. Trong chiến tranh, HS Nguyễn Khang chính là người đã trang trí nội thất cho nhà khách Chính phủ (khi nhà khách Chính phủ còn ở trong rừng sâu chiến khu Việt Bắc). Hòa bình, trở về thủ đô, cho tới ngày Bác Hồ mất, ông được phân công đảm trách việc trang trí quốc tang Bác Hồ. Trong đó, nổi bật là bức chân dung Bác do ông sáng tác với khổ rộng 30m2 được căng lên trước tòa nhà Quốc hội, nơi đặt thi hài Bác.

“Kỵ sĩ cầm cọ”

Ngày nay, công chúng đến bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (phòng Mỹ thuật hiện đại) vẫn còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài mang vẻ đẹp độc đáo con giữ nguyên không khí lịch sử của ông như: Đánh cá đêm trăng (1944), Hoà bình và hữu nghị (1958), Hành quân qua suối (1962) Đóng thuế nông nghiệp (1962), Vịnh Hạ Long (1963) và Gia đình mục đồng (1982). Tất cả những bức sơn mài này của HS Nguyễn Khang qua năm tháng vẫn toát lên được những nét riêng và chung rất độc đáo trong mấy chữ: trong trẻo, lộng lẫy, âm vang và trầm lắng! Ngôn ngữ bút pháp có sáng tạo, tìm tòi, tạo hình có xu hướng cách điệu dù ông cũng như bao HS mỹ thuật Đông Dương khác được đào tạo theo trường phái hiện thực tân cổ điển.

Năm 1974, HS Nguyễn Khang nghỉ công tác, sau đó chuyển vào TP.HCM sinh sống và không ngừng sáng tác. Ông ví mình như một con ngựa đa màu sắc và đã vẽ về ngựa rất nhiều... Thậm chí ông dự định sẽ làm một cuộc trưng bày, tổng kết cuối đời để nhìn lại một chặng đường mình đã đi qua trong đời sống mỹ thuật nước nhà. Tuy nhiên, hành trình của người “kỵ sĩ cầm cọ” đã phải dừng lại giữa chừng, khi mà thậm chí chưa cả kịp hoàn tất tác phẩm Những người săn hổ; Vinh quy bái tổ... Ông tạ thế ngày 15/11/1989 tại TP.HCM. 11 năm sau, Chủ tịch nước đã kí lệnh truy tặng cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. Một năm sau đó (2001) phần mộ HS Nguyễn Khang và vợ đã được gia đình chuyển về nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội.

Một số giải thưởng của HS Nguyễn Khang

Giải thưởng danh dự tại Triển lãm Mỹ thuật - Kỹ nghệ Paris – Hội chợ Đông Dương 1937; Bằng ngoại hạng Chấn hứng Mỹ thuật 1939; Giải thưởng phòng tranh Duy nhất (Salon Unique) 1944; HS còn được mời vào BGK quốc tế nghệ thuật Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam tại San Francisco – Mỹ 1939 (nhưng không tham dự). Huân chương Lao động hạng Ba 1962. Huân chương Hồ Chí Minh 2002.

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm