"Bức tranh vân cẩu" về môi trường

02/11/2011 10:50 GMT+7 | Biếm Họa

(TT&VH) - Ngày mai, 3/11, Giải biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần thứ III với chủ đề Môi trường và biến đổi sinh thái do báo TT&VH tổ chức sẽ chính thức được phát động. Sau 2 lần tổ chức, họa sĩ biếm họa - kiến trúc sư Lý Trực Dũng vẫn tiếp tục đóng vai trò là cố vấn nghệ thuật và giám khảo. Ông được coi là người khởi xướng và là “Tổng công trình sư” của giải thưởng này bởi tình cảm nồng nhiệt của ông với thể loại biếm họa.

Trước ngày phát động giải thưởng, TT&VH đã có có cuộc trò chuyện với ông.

Họa sĩ Lý Trực Dũng

* Năm nay giải biếm họa sẽ chọn chủ đề về môi trường. Tôi nhớ ông từng vẽ bức tranh biếm về vị đắng Vedan. Ông có nghĩ môi trường hiện giờ cũng đang là “bức tranh vân cẩu”?

- Anh và tôi hiện đang ở Hà Nội, nói chuyện Thăng long 1.000 năm cho gần nhé. “Cụ rùa” Hồ Gươm thì suýt chết không chỉ vì tuổi già sức yếu mà còn vì hồ bị ô nhiễm, làm lắm người suýt chết theo, còn cá hồ Tây thì đang chết nổi lềnh bềnh quanh hồ. Đúng là “bức tranh vân cẩu” siêu thực.

* Ông muốn vẽ gì về trái đất, môi trường cho em bé thứ 7 tỷ người Philippines xem nhân dịp em chào đời?

- Trái đất nở 1 nụ cười chào bé. Có câu hát là “đứa bé chào đời, cho chúng ta nụ cười”.

* Làm thế nào để bức tranh biếm về Bà mẹ trái đất có thể đến với 7 tỷ người? Và giải biếm họa năm nay, ông nghĩ rằng có thể đến được với bao nhiêu người?

- Internet, Internet, Internet! Giải biếm họa năm nay sẽ đến với 100% người quan tâm đến môi trường và yêu thích biếm họa.

* Biếm họa không thể chống lại được nước biển dâng, hay hiệu ứng nhà kính, hay chống lại các nhà máy xả thải như vụ Vedan. Vậy ông hy vọng gì ở các bức tranh biếm về môi trường?

- Tôi mong được thưởng thức một vài bức tranh biếm họa về đề tài này ở tầm tranh cùng đề tài của HS biếm họa Nga Michail Zlatkovsky (xem ảnh dưới). Nó thức tỉnh lương tri của con người về môi trường sống của chúng ta. Bức tranh vẽ trái đất và một người đàn ông nhìn trăng sao, vũ trụ, trong khi anh ta khoác cái áo thủng lỗ chỗ, và các lỗ thủng đó chính là các lục địa.

Tranh của HS biếm họa Nga Michail Zlatkovsky

Chuyển động của biếm họa

* Nhắc lại chuyện cũ một chút. Nghe nói sau một thời gian hô hào cho biếm họa và ngồi ghế giám khảo Giải Biếm họa báo chí Việt Nam, ông trở nên “đắt sô”? Có thật vậy không?

- Đắt sô ư? Nghe “biếm” quá!

* Chứng cớ là có báo đã mời ông giữ mục biếm họa với nhuận bút rất cao?

- Sau khi tự xin rút lui khỏi “Góc Lý Trực Dũng” ở báo TT&VH vì quá bận bịu và cũng vì suốt 6 năm trời luôn phải vẽ đi vẽ lại biếm họa thời sự chống tiêu cực mà chẳng biết tiêu cực có giảm không, còn mình thì sắp “tiêu” vì mệt, tôi tạm dừng không vẽ cho báo nữa. Rồi tháng 7/2011có người ở 1 tờ báo mới xuất hiện đến tha thiết đề nghị tôi vẽ tranh biếm họa na ná như tranh ở “Góc Lý trực Dũng” ở báo TT&VH cho báo này. Họ còn nhờ anh Nguyễn Quân viết E-mail thuyết phục tôi ... Họ nói tranh sẽ được in đen trắng to tối thiểu bằng 1/3 tờ A4... Từ chối không được, đồng ý và nói rõ tôi vẽ cho họ độ 20 số báo đầu rồi sau đó sẽ giới thiệu HS biếm họa khác vẽ thay. Nhuận bút họ trả rất sòng phẳng, không tồi, 500.000 đồng /1 tranh nhưng tranh in thì bé bằng bao diêm! Tôi yêu cầu họ in tranh to ra như đã hứa. Họ nói sẽ xin ý kiến lãnh đạo báo để yêu cầu họa sĩ của báo trình bày tranh với kích thước to lên, nhưng rốt cuộc, tranh in ra vẫn cứ bé bằng bao diêm. Tôi gửi E-mail báo không vẽ cho họ nữa vì họ không thực hiện thỏa thuận ban đầu với tôi về khổ tranh.

* Lại thêm nữa, triển lãm biếm họa của Hội Mỹ thuật vừa rồi, ông đóng vai trò quan trọng? Triển lãm đó ra đời là có vai trò thúc đẩy của ông?

- Đó là một câu chuyện khác.Thời gian qua người ta người ta nói khá nhiều về biếm họa nên Hội Mỹ thuật Việt Nam đã củng cố lại nhóm biếm họa trong Hội để xốc biếm họa nước nhà lên. Anh em HS biếm họa nhất trí gán cho tôi cái chức “tổ trưởng”, chắc vì thấy tôi hay “to mồm” hô hào cổ súy cho biếm họa. Đây có lẽ là chức danh oai nhất trong đời của tôi! Còn “vai trò quan trọng” ư? Bạn phải bỏ thời gian họp bàn với Hội Mỹ thuật về nội dung triển lãm, rồi lo mời anh em HS biếm gửi tranh tham gia, rồi lo viết lời giới thiệu triểm lãm, rồi tự bỏ tiền ra chạy in tranh của các HS biếm phía Nam gửi và mang tranh nộp cho nhà triển lãm đúng hạn... Đúng là anh đầu sai. Nhưng mà có được 1 cuộc triển lãm tranh biếm họa trong năm 2011 do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ở Hà Nội thế là mừng rồi.

* Quả thực, sau một thời gian hô hào, biếm họa đã thực sự khởi sắc đấy chứ? Ông có cho là như vậy?

- Quả là có chuyển động. Xin cám ơn các bạn phóng viên báo chí và TV, Đài Tiếng nói Việt Nam và đặc biệt là Báo TT&VH đã quan tâm và ủng hộ, cổ súy rất nhiều cho biếm họa.

Trở lại bức tranh biếm giao thông

* Giải biếm họa lần trước là về chủ đề giao thông. Nhưng có vẻ như muối bỏ bể, vì giao thông bây giờ vẫn giống... bức tranh biếm lắm. Ông có quan tâm đến tình hình giao thông bây giờ?

Mời bạn đọc truy cập chuyên trang riêng về Biếm họa của báo Thể thao & Văn hóa tại đây.

 - Tôi thực sự quan tâm đến giao thông vì đó là vấn đề sát sườn. Với tư cách là một kiến trúc sư cách đây 4 hôm tôi vừa có 1 cuộc trao đổi về quy hoạch đô thị mà cốt lõi là giao thông đô thị với 1 đồng nghiệp người Đức và 1 đồng nghiệp người Việt liên quan đến 1 dự án thoát nước Hà Nội. Cuối tháng 2/2011 trường Đại học Bremen mời tôi sang Đức tham gia 1 dự án về giao thông đô thị và họ cũng đề nghị tôi cho phép họ được đăng tranh biếm họa về giao thông của tôi trong tập san chuyên đề của họ.

* Tôi nghĩ có khi chúng ta thay vì tuyên truyền các khẩu hiệu giao thông, nên in một bức tranh biếm thật to rồi treo ở ngoài đường như pano, áp phích? Ông nghĩ có nên không, và nếu có ông sẽ chọn bức nào để treo?

- Nên. Tôi chọn bức tranh của họa sĩ NOP, cái tranh vẽ anh chàng đi xe máy bị tai nạn băng bó đầy mình đang nằm trên giường bệnh ngước mắt lên trần học luật giao thông đường bộ. Đây là bức nằm trong chùm tranh đoạt giải Nhất, Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần II.

* Nghề nghiệp kiến trúc sư của ông có quan hệ gì với biếm họa không?

- Kiến trúc và biếm họa cùng có cái chung: Phải rất trí tuệ. Kiến trúc phục vụ con người bằng cái vỏ vật chất. Biếm họa giúp hoàn thiện con người một cách thâm thúy, sâu cay, hài hước phần phi vật chất.


Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm