Phan Cẩm Thượng: Không viết sách có lẽ tôi có đến 3- 4 cái nhà

08/10/2011 14:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuốn nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt (NXB Tri Thức, 2011) dày gần 700 trang, khổ 18x24cm, trong đó có đến 959 ảnh và 505 minh họa vẽ, “…một công việc đồ sộ, khảo cứu một diện tư liệu mênh mông quá sức một cá nhân” (lời nhà nghiên cứu Nguyễn Quân) của nhà nghiên cứu/ phê bình/ nhà giáo/ họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã tái bản ngay sau tháng phát hành.

Nổi tiếng là một trong hai “đại thụ” của nền nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam hiện nay, cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, thế nhưng ít ai biết về chặng đường đầu nghiên cứu, viết sách của ông Phan Cẩm Thượng. Lần đầu tiên, ông chia sẻ câu chuyện cá nhân này trên TT&VH.

Tôi có nhiều sai lầm và võ đoán…

* Ông bắt đầu công việc nghiên cứu nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng như thế nào?

 - Khi đi học tôi cũng không hề nghĩ mình trở thành nhà nghiên cứu, hay họa sĩ. Thực sự thì tôi chỉ thích rong chơi. Tôi không hay ghi chép, tra cứu gì, mà nhớ tự nhiên thôi.

Nhưng thầy tôi, ông Nguyễn Quân luôn hướng tôi vào việc viết lách, biên soạn những tài liệu về mỹ thuật để có thể tiến hành phê bình hay lý luận. Ông liên tục đặt tôi viết về những di tích cổ và những nghiên cứu hiện đại, ngay từ khi là sinh viên. Về nghệ thuật cổ hình như nó có sẵn trong tôi, chỉ việc chép ra, có điều lạ là làm sao thầy biết tôi có thể viết được về di tích này nọ. Hai ba cuốn sách đầu tiên cũng là do thầy bảo viết chung với thầy. Tuy nhiên biết là một chuyện, viết ra là chuyện khác.

Viết sách rất cực nhọc, tới mức cứ đụng vào giấy bút là tôi thấy kinh hãi. Thực ra tôi dành nhiều thời gian sống với các di tích nghệ thuật cổ, tôi đến các đình đền chùa chơi và thư giãn. Tôi viết bằng cách mô tả lại đời sống của di tích và của mình với di tích.

 * Bị thầy bảo viết, vậy khi cuốn sách đầu tiên ra đời, ông cảm thấy thế nào?

- Cuốn sách đầu tiên viết chung với thầy (nhà nghiên cứu Nguyễn Quân - PV) có tên là Mỹ thuật với mỗi người, do NXB Đà Nẵng đặt. Chúng tôi biên soạn năm 1985, nhưng sau đó NXB không in và cũng không tìm thấy bản thảo đâu cả. Sau này tôi còn một bản thảo đánh máy và nhờ ông Lương Xuân Đoàn giới thiệu cho một NXB khác, nhưng họ cũng vứt đi nốt. Thế là công cốc.

Cuốn sách Mỹ thuật của người Việt là thứ hai, thầy và tôi biên soạn trong ba năm (1986 - 1988), và xuất bản năm 1989 ở NXB Mỹ thuật. Đây coi như là cuốn đầu tiên được in. Tiền nhuận bút được hai trăm nghìn đồng, giá sách là hai nghìn. Thầy bảo không lấy tiền mà lấy tất sách đem biếu bè bạn. Nhờ công trình này mà tôi được ông Trần Quốc Vượng rất có thiện cảm. Sau đó thầy cho tôi đi chơi một tuần vào TP.HCM. Đến nay cuốn sách vẫn là một tư liệu quý, nhất là đối với những người dạy nghệ thuật cổ và sinh viên mỹ thuật.

* Vậy khi biết cuốn Mỹ thuật với mỗi người “chết” ngay khi chưa được xuất bản trong khi hai ông đã mất rất nhiều công sức chỉ vì sự vô trách nhiệm, ông đã có suy nghĩ và cảm giác như thế nào?


Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

- Cuốn sách đầu tay đó thực ra chưa tốt lắm, nên tôi cũng không quá tiếc, nhưng là kinh nghiệm quý báu để làm bản thảo cẩn thận về sau. Lúc đó chưa có vi tính, photo, nên chúng tôi đưa bản viết tay cho biên tập, mất mát là chuyện thường. Bản thân tôi cũng không quá cẩn thận, nên sau này tôi giao cho một sinh viên tất cả những gì mình viết và đánh vào máy tính. Đó là anh Nguyễn Anh Tuấn, người vẫn giúp tôi công việc làm sách đến giờ. Tôi nghiên cứu tham và rộng, nên làm đến đâu “thanh lý” đến đó, để khỏi bừa bộn, và biết gì thì viết luôn thành bài, tư liệu nằm luôn trong đó, chứ không ghi sổ. Sau đó cái gì thừa thì vứt đi luôn. Các bài viết của tôi luôn nhiều tư liệu, số liệu  vì thế nó đòi hỏi tôi trình bày cho dễ đọc và đó cũng là cách rèn viết. Tôi biết mình có nhiều sai lầm và võ đoán trong nghiên cứu, nhưng tôi cứ trình bày ra, người khác đọc, chỉ ra chỗ sai, cũng là được việc. Tôi nghĩ rằng ta chỉ có thể tiếp cận chân lý, chứ không đến đó được tuyệt đối, đó là khoa học, con đường kế thừa và phủ nhận.

Vì tôi không có học vị…

* Nghiên cứu mỹ thuật vào thời điểm hiện tại đã là việc không dễ, nhưng vì sao ông lại hướng mình đi theo con đường “tái tạo lại lịch sử” mỹ thuật?

- Khi tôi đi học và nhận dạy môn Lịch sử mỹ thuật Việt Nam, tư liệu về môn này hoàn toàn trống rỗng, ngoài ba tập sách Mỹ thuật thời Lý, Trần, Lê sơ của Viện Mỹ thuật và 10 tập ảnh mua của Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Cuốn Mỹ thuật của người Việt thực ra là cuốn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam nhằm bổ khuyết cho sự thiếu hụt của khâu nghiên cứu mỹ thuật cổ. Chúng tôi phải tiến hành xác định nghệ thuật từ thời Tiền sử đến Bắc thuộc, và nghệ thuật từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, lúc đó chưa có nguồn tư liệu nào được công bố. Thực ra Viện Mỹ thuật đã làm phần nào việc này dưới thời ông Nguyễn Đỗ Cung, nhưng mới là các báo cáo điền dã, chủ yếu là các kiến trúc và còn nằm trong kho tư liệu. Tôi có thể biên soạn cho trường cuốn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam không khó khăn gì. Nhưng theo quy định tôi không có học vị nên muốn làm phải đứng tên chung với một giáo sư, tiến sĩ nào đó. Khổ nỗi chẳng ai dám đứng tên chung với tôi, nên cho đến nay không có giáo trình này.

* Ông đã tác nghiệp ra sao để có được những tư liệu chính xác?

- Tôi bỏ ra hai năm đọc tất cả các tư liệu trong thư viện về khảo cổ học, nghiên cứu mỹ thuật, phần nào các báo cáo điền dã, nếu được xem, các bộ sách BAVH (Tập san Đô thành hiếu cổ), BFEO (Tạp chí Trường Viễn Đông bác cổ) được biên soạn từ thời Pháp thuộc, các sách của H. Parmentier, Leopold Cadière, L. Bezacie... là những nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật ở Đông Dương.

Đồng thời tôi đi lại khảo sát tất cả các di tích bằng xe đạp và ô tô khách. Những di tích chính, thầy tôi cử nhà nhiếp ảnh Đỗ Huy đi theo tôi chụp lại. Tôi xác định các tư liệu trên văn bia và thần phả, sắc phong ở di tích. Tinh thần là vừa học vừa làm. Có điều rất thuận lợi là đi đến đâu cũng được nhân dân địa phương giúp đỡ, tha hồ chụp ảnh, dập bia, tạo điều kiện cho ăn ở, không ai hỏi gì về giấy tờ, mục đích công việc. Đó là việc không nhà nghiên cứu nào có được. Cho đến nay tôi cũng lấy làm lạ về việc này.

Ngành lịch sử nghệ thuật ở các nước luôn phải kết hợp với ngành khảo cổ học. Sinh viên học lịch sử nghệ thuật song song với học khảo cổ học. Sự kết hợp này hoàn toàn không được biết đến ở nước ta, nên các tư liệu lịch sử của tác phẩm nghệ thuật khó chính xác. Về cá nhân tôi có quan hệ tốt với ông Trần Quốc Vượng, ông Trịnh Cao Tưởng để hỏi han khảo cổ học. Tiếc thay hai tiên sinh đó đã về trời rồi.

* Với một nhà nghiên cứu “không có học vị” như ông, quá trình tác nghiệp có gặp trở ngại gì không?

- Như trên tôi đã nói việc đi nghiên cứu là hết sức thuận lợi, chỉ có tiền là tôi rất hiếm. Ba năm đó tôi gửi vợ con về nhà ngoại cùng đồng lương ít ỏi. Để có điều kiện đi, tôi nhận dạy học cho các trường Trung học văn hóa nghệ thuật tỉnh. Thứ Bảy, Chủ nhật, tôi theo học sinh về chơi các địa phương quê họ, nhân đó mà đến các đình chùa. Cách này làm tôi đỡ tốn tiền. Đôi khi cũng phải làm vài việc “hiếu hỷ” thú vị. Ví dụ có lần 30 cô thợ thêu mang sổ tay đến nhờ tôi vẽ mẫu thêu. Tôi phải vẽ tất cả các buổi tối, dày đặc các cuốn sổ, hôm nào cũng rất khuya, còn các cô ấy cứ chầu chực bên cạnh. Họ thích xem tôi vẽ và phấn khởi khi có một cuốn sổ như vậy.

* “Chỉ có tiền là hiếm” – tôi không thể tưởng tượng được là đã làm việc trong một hoàn cảnh như vậy?

 - Sau này, trừ đôi lần nhận được hỗ trợ khiêm tốn từ Hội Mỹ thuật và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, vài giúp đỡ của bè bạn, tôi tự lo về kinh phí nghiên cứu. Số tiền cứ lặt vặt, nhưng tổng cộng lại rất lớn. Tiền đầu tư cho một cuốn sách có thể xây được một cái nhà. Nếu không viết sách tôi đã có đến 3 - 4 cái nhà.

Tôi không thích làm phê bình

* Trước khi tiến hành nghiên cứu, ông có bàn bạc với đồng nghiệp không?

- Những năm gần đây, nhiều bè bạn khuyến khích tôi làm sách. Có người sẵn sàng cho tiền in. Trái lại trước kia chủ yếu người ta gàn và cho rằng bây giờ mà ngồi viết sách là hâm. Tôi bàn bạc với vài bạn bè như ông Lương Xuân Đoàn, Đào Châu Hải và trước tiên là trao đổi với thầy tôi. Nhưng tôi không cho ai xem đến khi làm xong.

 * Vì sao nhiều người biết đến ông với tư cách là nhà phê bình, nghiên cứu hơn là một họa sĩ?

 - Cái này cũng dễ hiểu. Ở nước ta người ta không coi những người tự học là họa sĩ. Tôi cũng không gửi tranh đến gallery, triển lãm chung trong nước. Ít người biết tôi vẽ, người biết thì chê, thậm chí có cho cũng không xem. Lúc trẻ tôi hơi chạnh lòng, bây giờ thì rất vui mừng, nếu ai bảo tranh mình xấu như C... Thật sự, nghệ thuật là một thứ tự thức, khó chia sẻ. Nếu một bức tranh vừa đưa ra, tất cả ồ lên khen đẹp, thì có thể là tuyệt tác hoặc là thứ vứt đi.

* Nghiên cứu mỹ thuật, phê bình nghệ thuật và sáng tác... ba công việc này đã bổ trợ nhau như thế nào?

- Thực chất muốn làm phê bình nghiên cứu, thì ít nhất phải biết sáng tác chút ít, mới nắm được ngôn ngữ và xử lý chất liệu kỹ thuật. Tất nhiên, có những người không hề biết vẽ nhưng thẩm mỹ rất cao, đó là ông Đức Minh và ông Thái Bá Vân. Ông Đức Minh có thể phát hiện ra bức tranh chưa ai thấy đẹp và công nhận. Đó là một biệt tài.

* Trong ba công việc nêu trên, ông tự đánh giá mình đã làm việc tốt nhất và ông thích nhất nghề nào?

 - Tôi không thích làm phê bình và cũng ít làm. Ngành này đòi hỏi một không khí rất dân chủ, và những nghệ sĩ cầu thị, điều mà chúng ta còn thiếu. Tôi thích vẽ và nghiên cứu như nhau. Còn theo đánh giá chung tôi làm nghiên cứu tốt hơn. Nhưng chính nhờ có vẽ mà nuôi được nghiên cứu đó.

 * Xin cảm ơn ông!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm