Người mẫu “thủy chung” nhất của Bùi Xuân Phái

02/08/2011 13:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhắc đến nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm người ta thường nghĩ đến những biệt danh như Kỳ nhân tiền cổ chốn Hà thành hay Người chép sử bên dòng sông Tô Lịch nhưng ít ai biết ông là người được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ chân dung nhiều nhất. Họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai Bùi Xuân Phái cũng thừa nhận điều này.

Thập niên 60 - 70 thế kỷ trước khi mà danh họa Bùi Xuân Phái vẫn còn sống chật vật thuở hàn vi, khi tranh Phái chưa được thừa nhận rộng rãi thì ông Đạm thường sang nhà chơi, làm bạn với danh họa và những bức chân dung ra đời từ đó.

“Kỳ nhân” Nguyễn Bá Đạm của hiện tại

* Những bức chân dung ông thường được họa sĩ vẽ trong hoàn cảnh nào?

- Thường là gặp đâu vẽ đấy, ngồi đâu vẽ đấy. Tôi với ông Phái rất gần gũi nhau, một tuần tôi thường đến nhà ông ấy 4 - 5 lần. Khi tôi đến chơi, trong lúc vui câu chuyện hay nhấm nháp với nhau chén rượu, tiện tay thì ông ấy vẽ, vẽ xong rồi thì cũng chẳng đưa cho ai. Thỉnh thoảng thấy bức nào hay hay là tôi xin ông ấy luôn. Tính ra, tôi được ông Phái vẽ chân dung nhiều nhất, có khoảng 242 bức. Nhiều người khác cũng chỉ được ông ấy vẽ cho 3- 4 bức mà thôi.

* Có lý do gì đặc biệt để Bùi Xuân Phái vẽ chân dung ông nhiều như thế?

- Lý do thì có lẽ thứ nhất là tôi và ông ấy là chỗ thân tình, rất gần gũi. Thứ hai thì có lẽ do tôi có cái caractère (tiếng Pháp: cá tính riêng, tính cách- PV) nên dễ vẽ. Có những người có khuôn mặt đẹp, đầy đặn nhưng chỉ bình bình không nổi, những người này vẽ khó và không giống. Còn những người như tôi chỉ nhấn mạnh một vài ba nét đã thành một bức tranh. Và không cần chú thích mà người xem vẫn biết đấy là tôi rồi.

* Vậy chuyện vẽ chân dung ông trên vỏ bao diêm là thế nào?

- Với ông Phái thì có đôi khi những vỏ bao thuốc lá, vỏ bánh mứt kẹo cũng thành tranh chứ không cần phải nói đến vỏ bao diêm. Ngày xưa giấy cũng hiếm, có khi còn vẽ cả trên giấy nhật trình. Tôi để ý có những bức mà ông ấy cầu kỳ quá cũng hỏng. Khi vẽ trên những tờ giấy đẹp thì đã phải có sự tính toán, người ta đã tự đặt áp lực lên bản thân mình rồi. Nhưng một tờ báo đáng mấy xu vứt đi không tiếc, anh có thể vẽ ngang dọc tùy ý và có khi lại trở thành một tuyệt tác. Chân dung tôi trên vỏ bao diêm thì có khoảng chục bức. Đây có thể coi là những bức chân dung nhỏ nhất của VN.

Ngoài 90, ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Nguyễn Bá Đạm vẫn còn rất minh mẫn. Ông có thể ngồi nói chuyện hàng giờ về thú chơi tiền cổ mà ông đã dành gần hết cuộc đời đeo đuổi. Trong khi hàn huyên, có đôi lúc ông thoáng buồn, nhớ về những người bạn nổi danh cùng thời như: các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà sưu tập Đức Minh...

* Mỗi bức chân dung của ông thường có giá bao nhiêu?

- Cách đây mấy năm, những chân dung của tôi còn sót lại cũng có giá ít nhất là 20 triệu đồng. Còn bây giờ thì chắc là không ai bán nữa.

* Số phận những bức chân dung đó bây giờ ra sao, thưa ông?

- Hơn 200 bức chân dung của tôi có khổ lớn, khổ nhỏ nhưng giờ chính tôi cũng chỉ có vài bức. Tôi cũng dễ tính, nghĩ là mình giữ cũng như người khác giữ, anh em ở ngoài này, trong Nam hay ở Pháp cứ hỏi xin vài ba bận tôi lại cho. Rồi có thời gian tôi thích gạch, ngói, bát đĩa cổ, người ta thích tranh, tôi nghĩ mình với ông Phái gần gũi nhau, tranh lúc nào cần thì cũng được, có khi hai ba bức tranh tôi đổi lấy viên gạch hay cái bát, cái đĩa. Và có những bức cho bảo tàng, triển lãm mượn hay trong tay những nhà sưu tầm như ông Bổng ở Hàng Buồm, hay ông Đức Minh. Cũng không biết con cái các ông ấy còn giữ hay không.


Và chân dung do Bùi Xuân Phái vẽ

* Được biết, ông là người đã từng bán đi tất cả những gì quý giá trong nhà để sưu tập tiền cổ, trong đó có những đồng tiền thuộc dạng cực hiếm. Nhưng vì lý do gì, ông lại nhượng cả bộ sưu tập của mình cho người khác?

- Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi chuyển nhượng lại bộ sưu tập 70 năm công sức của mình cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Sử. Lúc đó, quả thật tôi thấy day dứt như một con người trong cơn hoả hoạn, bị đốt xé trong lòng. Nhưng rồi cũng tự an ủi rằng, ông Sử còn trẻ, lại là người rất am hiểu về tiền nên ông ấy sẽ giúp mình bảo quản tốt hơn. Bây giờ tuổi đã cao, con cái cũng chẳng đứa nào quan tâm đến bộ sưu tập này, nên tốt nhất hãy để dành nó cho những người đam mê...

* Không còn tiền cổ nữa, vậy trong khoảng thời gian này ông thường làm công việc gì?

- Cũng có nhiều việc, viết sách, viết báo, nghiên cứu những vấn đề lịch sử. Những vấn đề tôi nghiên cứu thì đều là những thứ chưa ai biết, chưa được đề cập đến.

* Xin cám ơn ông và chúc ông mạnh khỏe!

Hoài Ngọc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm