Bệ phóng cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam

27/06/2011 11:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Nếu tính từ dấu mốc Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập (1925), đến lúc có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1966), có thể thấy rằng Bảo tàng đã ra đời tương đối muộn. Nhưng trong lịch sử 45 năm, Bảo tàng đã lưu giữ được rất nhiều tác phẩm quý; và các họa sĩ tiền bối cũng đã để lại những tác phẩm được cho là nền cốt đối với nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn lưu giữ được những hiện vật cổ của di sản Mỹ thuật Việt Nam mà những hiện vật ấy, di sản ấy cũng là bệ phóng cho mỹ thuật hiện đại Việt nam phát triển rực rỡ”.

Đó là quan điểm của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) khi trao đổi với TT&VH bên lề Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (26/6/1966 - 2011) được tổ chức sáng qua tại Hà Nội.

1. Trải qua 45 năm, đến thời đại mới, có thể nói, trách nhiệm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam càng nặng nề hơn. Bởi Bảo tàng không thể đóng khép lại với những cái gì đã có và đã qua mà vẫn phải tiếp tục lưu giữ những tác phẩm mới nhất của đời sống mỹ thuật đương đại. Có như thế, chúng ta mới hoàn thành được nhiệm vụ đưa nghệ thuật bước nhanh ra thế giới bên ngoài.

Có một thực tế hiện nay là thế giới đang rất quan tâm đến mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đến các xu hướng, khuynh hướng của nó. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn thật kỹ thì sẽ thấy những hình ảnh đó còn quá thiếu và ít trong Bảo tàng của chúng ta.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Khánh Hải chúc mừng lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật VN
nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng

“Mặc dù vào những năm cuối của thế kỷ 20 đến 10 năm đầu của thế kỷ 21, Bảo tàng cũng đã lưu giữ được một số tác phẩm hiện đại của các họa sĩ đương đại Việt Nam, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nhà nước, Bộ VH,TT&DL cần phải quan tâm, đầu tư hơn nữa để bảo tàng lưu giữ được nhiều hơn nữa những tác phẩm quý” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong thời kỳ hội nhập, các “đại gia” Việt Nam cần phải vào cuộc để xã hội hóa việc lưu giữ mỹ thuật, bởi nếu không có sự tham gia của họ thì Nhà nước cũng không đủ khả năng mua những tác phẩm quý với giá rất cao được. Đây là thời kỳ đột phá rất thuận lợi để các “đại gia” vào cuộc, mua những tác phẩm có giá trị tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại trong tương lai. Hiện nay, Việt Nam chưa có Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại nhưng ý tưởng về việc xây dựng Bảo tàng này cũng đã nằm trong kế hoạch của Bộ VH,TT&DL rồi. Phần còn lại là chờ đợi 5 hay 10 năm tới, Bảo tàng sẽ được xây dựng ở đâu tại Hà Nội mà thôi.

Nếu có được bảo tàng này, ông Lương Xuân Đoàn tin rằng Mỹ thuật Việt nam sẽ có được một khuôn mặt khác, đúng với thực chất của nó, đúng với những gì đời sống mỹ thuật nước nhà đang có và đang phát triển.

2. Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó GĐ Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam chia sẻ: “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang sở hữu được một khối lượng hiện vật rất quý của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Để phát huy giá trị của nó, chúng tôi đã có kế hoạch quảng bá những bộ sưu tập đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là trên cơ sở “khảo sát” nhu cầu công chúng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ cố gắng đẩy mạnh hơn nữa những cuộc triển lãm Mỹ thuật lưu động đến các địa phương để di sản Mỹ thuật Việt Nam được sống với tất cả công chúng ở mọi vùng miền của đất nước”.

Hy vọng, bước vào một thời kỳ mới, một trách nhiệm mới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ là một địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với những kiệt tác mỹ thuật Việt Nam, khẳng định tên tuổi và trở thành một trong những Bảo tàng Mỹ thuật có vị thế trong khu vực và thế giới!

Phạm Anh Trúc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm