Nghệ sĩ Nguyễn Việt phục hồi gốm cổ, gửi tặng Tổng thống Pháp

22/06/2011 10:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tháng 6 này, qua đường ngoại giao, Nguyễn Việt đã gửi tặng Tổng thống Pháp một con nghê, một bình củ tỏi và một bình tì bà với hi vọng men ngọc mà ông dày công phục hồi sẽ đến tay ngài Nicolas Sarkozy.

Chuyện là cách đây ít tháng, một họa sĩ Pháp đến Bát Tràng để tìm men ngọc, đã vào nhà Nguyễn Việt. Anh ta tâm sự rằng, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang sửa lại một nhà thờ và vị Tổng thống này yêu cầu các họa sĩ Pháp phải dùng men gốm phương Đông, mà cụ thể là VN để khắc họa lại những hình ảnh, hoa văn trên các bức tường trong nhà thờ. Đó là lý do họa sĩ Pháp đã trải qua hàng chục giờ bay để tới tận nhà nghệ sĩ Nguyễn Việt...

Nghệ sĩ Nguyễn Việt (78 tuổi) - hiện ẩn cư ở thôn An Đà, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội - sau nhiều năm say mê, lăn lộn với gốm, vừa phục hồi thành công dòng men ngọc (celadon) của bà Bùi Thị Hí (1420-1499)- nữ thương nhân đầu tiên ở VN, chủ nhân của hàng loạt sản phẩm gốm Chu Đậu, có từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc với đỉnh cao hưng thịnh vào thế kỷ 14, 15, 16. Hơn 500 năm trước, bà Hí đã mang sản phẩm của mình vượt đại dương, đến bán ở 46 quốc gia trên thế giới. Khi bà 75 tuổi quay về không đi buôn nữa, thì Cristoforo Colombo mới giương buồm và tìm ra châu Mỹ.

Nguyễn Việt, cạnh mẻ gốm vừa mở lò, chưa dội men

Phục hồi dòng men ngọc 500 năm tuổi

“Sáng như gương, mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông’’- từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... của gốm Chu Đậu đều đẹp hoàn hảo, một cái đẹp rất VN và rất khác đồ gốm cổ Trung Hoa. Tuy nhiên, qua nhiều thời kỳ hoàng kim, gốm Chu Đậu lụi tàn và đang được thế giới săn tìm...

Ngày nay, gốm Chu Đậu được biết đến qua việc trục vớt con tàu đắm ở vùng biển cù lao Chàm (từ 1990-2010), với trên 240.000 hiện vật còn nguyên vẹn và hàng vạn mảnh vỡ gốm sứ. Nhiều sản phẩm đặc sắc như: Chiếc bình tì bà (men hoa lam, trang trí cúc đại đoá, cao chỉ 24 cm) đã được bán đấu giá ở Mỹ và ông Jules Speelman (người Anh) mua với giá kỉ lục hồi đó là 521.000 USD.

Một trong những hiện vật gốm Chu Đậu nổi tiếng nhất và có lẽ đắt giá nhất thế giới là chiếc bình hoa lam cổ (hình củ tỏi, cao 54 cm) hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Topkapi Sary (Thổ Nhĩ Kỳ), được coi là bảo vật của nước này. Chiếc bình được mua bảo hiểm với giá 1 triệu USD và được rao bán với giá 521.000 USD. Trên vai bình có dòng chữ: Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hí bút (nghĩa là ở phủ Nam Sách, năm Thái Hòa thứ 8, họa sĩ Bùi Thị Hí vẽ). Ngoài ra, còn có một chiếc bình rồng Chu Đậu cổ đã được đem giới thiệu tại Liên Hiệp Quốc như một trong những biểu trưng của văn hóa VN.

Nghệ sĩ Nguyễn Việt chia sẻ: “Cách làm gốm Chu Đậu của tôi cũng như những nơi khác và giống với những gì ở Hải Dương, hay Bát Tràng hiện nay đang làm, chỉ khác là bí quyết làm men. Đến giờ này, tôi có thể khẳng định rằng, tôi có khả năng phục dựng toàn bộ những sản phẩm giống y hệt các màu men mà bà Hí ngày xưa đã làm. Các nước men này làm bằng than tro, chứ không phải là dùng mực kim loại, pha ô-xít sắt theo tỉ lệ như ở các lò gốm hiện đại ở VN hay Trung Quốc đang làm hiện nay. Men của tôi không phải là men hữu cơ, mà hoàn toàn là than tro lấy từ rơm rạ, cây cỏ tự nhiên...’’.


Con nghê tặng Tổng thống Pháp

Bỏ nghề đạo diễn, đi nghiên cứu... gốm

Để có được những gì của ngày hôm nay, Nguyễn Việt đã phải “trả giá’’ bằng cả cuộc đời đam mê, nhiều lúc đến cay nghiệt. Ông nguyên là Trưởng đoàn múa ballet đầu tiên của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN. Cách đây 40 năm ông từng tạo được tiếng vang trong nghề đạo diễn, từng dàn dựng nhiều vở ballet nổi tiếng như: Xô viết Nghệ Tĩnh, Phá lao Thừa Phủ...

Khi đã ở đỉnh cao của nghề đạo diễn thì ông “chán’’ và trở lại với nghề gốm, vì “tôi vốn sinh ra từ lò gốm ở Móng Cái, 7 tuổi đã đi làm gốm, trở thành tên đạo diễn “dở hơi” để làm gì?”’. Ông từng vào Đồng Nai xây dựng một lò gốm. Cũng tại đây ông đã tiếp xúc với các nghệ nhân trứ danh như: Nguyễn Văn Màu, Nguyễn Văn Pháp... Ông thành công với men gốm nhẹ lửa, nung chiếc đầu rồng nặng 1 tấn (cao 2,23m, dài 2,20m, rộng 0,85m) dâng Đại lễ (từ năm 2005), nhưng vẫn không thỏa mãn... Ông đi Thanh Hóa, rồi Hải Dương... tiếp tục tìm men gốm và cuối cùng về thôn An Đà ở ẩn, xây 2 lò nung gốm và “lao đầu” vào nghiên cứu hệ men Lý – Trần, mà đỉnh cao là những sản phẩm của thương nhân Bùi Thị Hí.

Sau bao lần thất bại, gia tài của cải lại đội nón ra đi, nhưng giờ Nguyễn Việt đã thành công. Khắp nhà ông, là những con nghê, bình chích chòe, bình tì bà... đủ mọi kích cỡ với màu men ngọc xanh, lam, ngà, nước dưa khú... bóng mịn, có hồn, khác với men sứ Trung Quốc, Nhật Bản, Ba Tư... không thể lẫn vào gốm Bát Tràng hiện đại hay gốm sứ Đồng Nai, Sông Bé. Bí quyết duy nhất với ông chỉ khác ở vùng nguyên liệu để sản xuất, ở việc tạo màu men bằng các loại tro, giống những gì ngày xưa, thương nhân tài hoa Bùi Thị Hí đã làm’’.

Hy vọng phục hồi 24 vạn cổ vật

Ông cầm hàng chục con nghê đặt lên bàn nước tâm sự: Con nghê này trước đây vẫn còn một nửa là hữu cơ, qua các lần thứ nghiệm với các con nghê khác (ông chỉ cho tôi các ký hiệu dưới mặt đáy), thì đến con nghê mới nhất 100% là men tro, chỉ có men tro mà thôi. Nhìn vào màu men, chất ngọc hiện lên lung linh, huyền ảo. Cầm con nghê mới nhất này, so với con nghê trong ảnh về gốm Chu Đậu 500 năm trước, 2 màu men giống y chang, chỉ khác hiện vật xưa, đã bị chôn vùi bởi thời gian, bị ố bởi thời tiết, nhưng hoa văn và màu men thì vẫn vẹn nguyên, sâu lắng...

Nguyễn Việt hi vọng có một đơn vị hợp tác, đầu tư tiền để ông sản xuất, phục hồi 240.000 sản phẩm của bà Hí, rồi triển lãm, sau đó bán hoặc xuất khẩu. Họ cho ông bao nhiêu phần trăm cũng được, miễn là ông vẫn được ở cái lò gốm này để làm gốm, cho ra đời những tác phẩm gốm!...”.

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm