Họa sĩ Vương Văn Thạo: “hóa thạch” văn hóa làng

20/05/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Năm 2008, họa sĩ Vương Văn Thạo từng tạo một cú sốc không nhỏ trong giới mỹ thuật Hà Nội khi anh “hóa thạch” những ngôi nhà cổ và biển tên phố cổ Hà Nội được gắn trên các cột điện. Chiều qua, 19/5, anh lại tiếp tục giới thiệu với công chúng hơn 40 khối hóa thạch mới, những cổng làng, cổng đình, cổng ngõ và dụng cụ thiết thân với nhà nông như cuốc, xẻng, tại L’Espace trong triển lãm tiêu đề Làng trong phố.

Vẫn một “công thức” như đã từng áp dụng với việc hóa thạch nhà cổ và tên phố cổ, Vương Văn Thạo tiếp tục rong ruổi một mình với chiếc máy ảnh lang thang qua nhiều con phố trong nội đô Hà Nội và mở rộng dần bán kính, tính từ hồ Hoàn Kiếm. Anh chụp ảnh lại những chiếc cổng làng còn sót, lẩn khuất trong các khu dân cư sầm uất nay đã được thay tên bằng phố, phường.

Đi tìm 36 cổng làng, cổng ngõ

Hà Nội là một cái làng mở rộng, điều này ai cũng có thể nói được và dễ dàng nhận thấy qua nhiều hành vi ứng xử, nếp ăn ở, thói quen suy nghĩ của con người. Đó là cạnh khía vô hình. Còn những thứ hữu hình, ghi dấu lại tư duy, thẩm mỹ, mong ước và trình độ văn minh của những người làng xưa thì mặc nhiên dần dần bị biến mất.

Không kể những di tích có tính chất biểu tượng của một vùng miền, một triều đại, một tôn giáo... những chiếc cổng làng hay đình, chùa của một làng thực sự là chứng tích quý giá và là biểu trưng của văn hóa làng của người nông dân Việt xưa. Mỗi một chuyến đi không chỉ đem lại cho họa sĩ niềm vui thích riêng tư là được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp mộc mạc khác biệt của từng chiếc cổng mà còn để lại trong anh những suy nghĩ về sự biến mất của những vẻ đẹp ấy trước tốc độ đô thị hóa một cách chóng mặt ở Hà Nội hiện nay.

Anh đã lập ra một bản đồ địa danh để đi, chụp ảnh cổng, cứ xa dần tính từ tâm điểm là hồ Hoàn Kiếm. Anh từng dự tính sẽ đi, chụp ảnh và “hóa thạch” hết các cổng làng còn lại ở khắp vùng đồng bằng Bắc bộ. Trước mắt, anh tạm dừng lại với 36 chiếc cổng làng, đình, ngõ thuộc Hà Nội, gần là dọc phố Thụy Khuê ven hồ Tây, xa là Nghĩa Đô, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông...

Tiếp sau việc chụp ảnh là việc lựa chọn ra những cái cổng để “hóa thạch”. Con số 36 cái cổng làng (đình, ngõ) như một đối trọng thú vị với “36 phố” từng được triển lãm 3 năm trước. Những khối thạch vuông vắn, cùng kích thước 30cm x 30cm x 16cm, trong suốt nhờ chất liệu composite trong, bao bọc bên trong đó những hình dáng chiếc cổng làng được được thu nhỏ theo đúng tỷ lệ thực và được tạo dựng trong cố gắng giữ nguyên kiến trúc tổng thể, dáng vẻ, sự rêu phong, cũ kỹ thân thuộc, cả những bảng tên chữ Nho, chữ quốc ngữ... Ngắm kỹ 36 khối thạch này, thấy chúng như một khảo sát xã hội thú vị, sự khác nhau trong kiến trúc và mỹ thuật của các cổng làng hé mở cho mỗi người xem biết bao điều về đời sống của người dân Hà Nội một thuở cũng như về sự thay đổi của thành phố hôm nay.

Những “hóa thạch” cổng làng

Một mình một lối đi

Những khối tác phẩm được kê trên bục gỗ trắng, bên trong có đặt bóng đèn rọi để phản chiếu ánh sáng lên tác phẩm, kết hợp với ánh sáng tự thân của khối tác phẩm. Ba hàng bục gỗ đều tăm tắp, mỗi hàng có 12 chiếc, được xếp chính giữa sảnh triển lãm. Xung quanh đó, nghệ sĩ bày thêm một hàng những lưỡi cuốc, xẻng được đổ khuôn đều đặn và cùng một màu đỏ tươi...

Một mình lặng lẽ lựa chọn lối đi riêng biệt giữa thế giới nghệ thuật đương đại nhiều ồn ào ở đô thị hiện nay, Vương Văn Thạo khiến người viết bài đôi khi liên tưởng đến hình ảnh một người nông dân thuần hậu, chăm chỉ cần mẫn thâm canh trên thửa ruộng của riêng mình, mặc kệ ai đó bên cạnh, loay hoay với nào tăng năng suất, tăng sản lượng, bội thu...

Anh sẽ còn tiếp tục “hóa thạch” rất nhiều thứ khác nữa trong cuộc sống này, những thứ mà theo anh, sẽ sớm vĩnh viễn biến mất trong dòng chảy của đô thị hóa, công nghiệp hóa hoặc nên/cần phải được bảo tồn để bù đắp phần thiếu hụt trong đời sống tinh thần của con người đô thị.

Hy vọng là cùng với sự cần mẫn đáng quý ấy, anh sẽ tìm kiếm được những giải pháp để đưa “nông sản” - nghệ thuật - của anh đến với người xem một cách trọn vẹn, đúng với tinh thần và thông điệp nghệ thuật của anh, thông qua những giải pháp trưng bày hiệu quả thực sự. 

Nhị An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm