“Nhát cuốc động thổ” cho nghiên cứu biếm họa

10/03/2011 11:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chiều qua 9/3/2011, buổi ra mắt tác phẩm Biếm họa Việt Nam của họa sĩ Lý Trực Dũng đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Tràng Tiền, Hà Nội). Và dù tác giả của nó có khiêm tốn tự nhận cuốn sách chỉ là “nhát cuốc động thổ cho những nghiên cứu hoàn chỉnh hơn về biếm họa Việt Nam”, nhưng tại buổi ra mắt, họa sĩ Nguyễn Quân đã khẳng định Biếm họa Việt Nam là một bức tranh khái quát và sinh động về “Làng cười Việt”.

Không đâu xa, nội dung của Biếm họa Việt Nam vốn dĩ rất gần gũi với độc giả TT&VH - khi hầu hết các bài viết của họa sĩ Lý Trực Dũng đều từng được đăng tải tại chuyên mục Lịch sử biếm họa Việt Nam do TT&VH mở ra trong 2 năm 2007, 2008.

Mê biếm họa, “bỏ quên” nghề kiến trúc sư

Họa sĩ - KTS Lý Trực Dũng tại buổi giới thiệu sách

Vẫn là cách kể chuyện nhẩn nha bằng những câu chữ mộc mạc, vẫn là sự kết nối hài hòa các thông tin báo chí với giai thoại sự kiện, vẫn là cuộc đời và chân dung của những gương mặt nổi trội trong làng biếm họa Việt Nam: từ lớp lão làng Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, qua những họa sĩ của giai đoạn đổi mới như Ớt, Chóe, rồi tới NOP, LEO, LAP - các tác giả từng đoạt giải trong 2 cuộc thi Giải thưởng biếm họa Việt Nam do TT&VH tổ chức vào 2008 và 2010.

Say mê vẽ và nghiên cứu biếm họa từ 30 năm nay, họa sĩ Lý Trực Dũng chân thành chia sẻ về việc gần như “bỏ quên” nghề chính là kiến trúc sư khi nhận lời với TT&VH để đi sưu tầm tư liệu và dựng lại cả một giai đoạn phát triển của lịch sử biếm họa Việt Nam.

Ông kể: “Tôi cũng vào Nam ra Bắc đủ cả, đến gặp gỡ gia đình những họa sĩ đã mất và... chưa mất, rồi hỏi han, phỏng vấn, xin tư liệu, đối chiếu chéo, thậm chí là hỏi nhiều nguồn khác nhau để bổ sung và kiểm chứng thông tin”.

Trước đó, trong một quãng thời gian gần 20 năm kể từ 1988, việc tờ báo Văn nghệ không còn duy trì mục biếm họa trang 16 - do ông tham gia biên tập một cách amateur - đã khiến họa sĩ từng giành một số giải thưởng biếm họa quốc tế này thất vọng và gần như không còn xuất hiện trên các tờ báo trong nước. Việc “bỏ quên” công việc để nghiên cứu và sưu tầm về lịch sử biếm họa ấy, như chính lời ông, đã được tưởng thưởng bằng sự hứng thú và đồng cảm khi tiếp cận với thân phận éo le của nhiều họa sĩ biếm Việt Nam, với những khúc quanh chua chát mà biếm họa Việt Nam đi hết khi luôn song hành cùng lịch sử dân tộc...”.

“Những thói tật cố hữu của người Việt cũng thể hiện rất rõ trong biếm họa Việt Nam ở cả hai chiều: khi được bật đèn xanh đả kích kẻ thù thì rất hăng, nhưng dần nhụt đi khi tự cười về thói hư, tật xấu của chính mình” - ông nói.

Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp là vấn đề tư liệu. Bản tranh gốc của các họa sĩ gần như 99% là không giữ, trong khi các tòa soạn hay NXB khi in xong đều vứt luôn - họa sĩ Lý Trực Dũng kể - Còn ở thư viện, các tờ báo, đặc biệt là báo từ 1955 về trước, đều trong tình trạng bị ẩm, ố, vàng, có khi lại... rách đúng cái tranh mình cần tìm. Bởi thế, như lời chia sẻ của ông: “Cuốn sách chắc chắn chưa hoàn thiện, cũng giống như một xã hội nào phát triển đến mấy thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết”.

Nhưng có sao đâu, bởi chính ông nói, sự khiếm khuyết nào cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật biếm họa phát triển hơn. Cũng giống như trong cuộc triển lãm các tác phẩm biếm họa của mình trước đây, họa sĩ Lý Trực Dũng đã trang trọng dành một góc rộng cho bức tượng biếm họa mà ông tự sáng tác về chân dung. Bởi, “biết tự trào là điều tiên quyết để làm nên một họa sĩ biếm”.


Trí tuệ, trí tuệ và trí tuệ

Trò chuyện với TT&VH, họa sĩ Lý Trực Dũng nói:

- Với tôi, việc ra mắt Biếm họa Việt Nam mang tính chất khép lại một quãng thời gian ngắn nhưng vô cùng vất vả - mà cơ duyên làm việc cùng TT&VH từ năm 2007 về thể loại này chính là điểm khởi đầu. Đến bây giờ, tất nhiên tôi sẽ phải dồn thời gian cho nhiều công việc khác, mà cơ bản nhất là “trả nợ” quãng thời gian tôi bỏ rơi công việc chính là nghề kiến trúc của mình. Rồi cũng phải kể tới hàng loạt nghề phụ khác nữa, trong đó có việc vẽ thể loại tôi thích là tranh lụa.

* Vậy còn thể loại biếm họa thì sao?

- Chắc chắn, tôi không thể dành toàn bộ thời gian cho nó như quãng thời gian vừa rồi. Nhưng chúng ta nên nhìn mọi việc đơn giản hơn: với những gì mà TT&VH triển khai về biếm họa, chắc chắn sẽ có những người khác tiếp tục làm công việc nghiên cứu và sưu tầm để dựng lại hoàn chỉnh lịch sử của bộ môn nghệ thuật nặng tính truyền thông này.

Về phần mình, tất nhiên, khi có hứng thú, tôi sẽ vẫn vẽ tranh biếm. Nhưng, tôi hy vọng có thể hướng tới những bức tranh biếm, vượt khỏi yếu tố thời gian, để người xem dù ở thời điểm nào cũng có thể cầm lên và tủm tỉm cười. Bạn có nghĩ họa sĩ biếm sẽ buồn không, khi năm này qua năm khác, xã hội vẫn luôn có nhu cầu được cười về những chuyện như tham nhũng, y tế, giáo dục, giao thông...?

* Được họa sĩ Nguyễn Quân xếp thứ Nhì trong làng biếm họa Việt Nam (sau Chóe), ông mong gì ở độc giả khi họ xem những tác phẩm của mình? Và ngược lại, ông mong gì khi xem tác phẩm của những họa sĩ biếm khác?

- Xin trả lời câu hỏi thứ hai. Tôi luôn mong được nhìn thấy 3 yếu tố: trí tuệ, trí tuệ và trí tuệ!

* Xin cảm ơn ông.

Chiêu Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm