“Dậy sóng” quanh giải Đồng mỹ thuật

26/02/2011 13:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau khi bức sơn dầu Dưới mưa của họa sĩ Nguyễn Đức Khởi (đạt giải Đồng) tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010, trên một diễn đàn mỹ thuật (soi.com.vn) đã xuất hiện một bài viết so sánh tác phẩm này với serie tranh xe đạp của họa sĩ Trần Công Dũng.

Bài viết dẫn: “Anh Dũng (Trần Công Dũng) đã làm serie tranh khắc gỗ, sơn khắc về xe đạp với những mảnh vải mềm phủ lưa thưa bên trên từ năm 1999, với dấu ấn trong năm đó là một bức tranh được lọt vào triển lãm các sáng tác dự giải Mỹ thuật Asean Philip Morris tại Việt Nam. Sau đó là một loạt các sáng tác khác được anh phát triển, biến hóa trên tinh thần series, biến nó thành một motif sáng tạo riêng có của mình.


Bức “Dưới mưa” của Nguyễn Đức Khởi đoạt HCĐ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010.

Nhưng đến triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010, có một sáng tác được giải Ba – tác phẩm Dưới mưa – đã sử dụng motif đó một cách (theo cá nhân tôi nghĩ) là thô vụng. Nếu đặt bức Lấp ló (A) cạnh bức Dưới mưa (B), sẽ thấy có một số điểm khác:

- Về chất liệu (đương nhiên, vì một đằng là sơn khắc và một đằng là sơn dầu; bề mặt sơn dầu trông hấp dẫn hơn và cách tác giả xử lý chất liệu cũng nuột nà, bắt mắt hơn).

- Về nội dung tranh (do cái tiêu đề sáng tác gợi ra).

- Về bố cục (vì tranh A không có hình người còn tranh B thì có). Tuy nhiên, bố cục cơ bản là khối hình xe đạp ở trung tâm của cả hai sáng tác thì thật giống nhau và đó cũng chính là khối hình chính đem lại chất lượng tạo hình của cả hai sáng tác: Khối hình đó khiến sáng tác A có nội dung và hình thức đi cùng nhau; sáng tác B thì có thêm “phụ kiện” là người, khiến bức tranh có tính kể tả văn chương nhiều hơn.

Vậy sự giống nhau hay gần gụi nhau về motif hoặc kiểu thức tạo hình kia có thể gọi là gì? Copy? Mượn? “Chế”? Biến báo?… của nhau hay là sự sáng tạo riêng lẻ và được phép giống trong chừng mực nào đó”?

Bài viết bỏ lửng không kết luận. Tuy nhiên, từ những ý kiến so sánh trên đã làm “dậy sóng” dư luận trong giới.

Sau khi nhận được ý kiến chính thức của họa sĩ Trần Công Dũng về việc tranh của anh bị sao chép, TTV&VH đã trao đổi với cả 2 tác giả này, đồng thời trao đổi với một số chuyên gia trong ngành mỹ thuật. Có thể thấy rằng đây là vấn đề không chỉ của riêng 2 họa sĩ liên quan, mà còn là vấn đề đáng phải suy ngẫm trong đời sống mỹ thuật.

Họa sĩ Trần Công Dũng: “Sáng tác của tôi bị sao chép”

Họa sĩ Trần Công Dũng (sinh năm 1969)  vốn được giới mỹ thuật cả nước biết đến từ lâu nay với dòng sáng tác tranh sơn khắc về xe đạp. Anh cho biết:

- Sự việc này tôi nghe từ lâu rồi. Sáng tác ấy vốn là bài tốt nghiệp của tác giả trong trường Đại học Mỹ thuật VN (tôi không nhớ thuộc hệ đại học hay cao học) năm 2009. Khi ấy, sự việc đã đến tai tôi nhưng tôi lại nghĩ, nếu chỉ là một bài tốt nghiệp có tính chất “nội bộ” như thế thì thôi... Đằng này, người ta dám công khai gửi đến một TL lớn như vậy thì tôi nghĩ, anh tác giả này quá liều. Tôi rất bức xúc. Nhiều bạn bè tôi đến dự khai mạc triển lãm đó đã gọi điện thoại chia sẻ với tôi. Có người còn bảo, thoạt tiên, tưởng mày chuyển chất liệu sang sơn dầu (?!), sau nhìn chữ ký, hóa ra không phải... Rồi sau đó, tôi nghe nói một vị trong một vị trong Hội đồng nghệ thuật (không tiện nêu tên) cuối cùng, cũng đã biết sự việc và nhận thấy sai lầm của mình với tư cách một thành viên Hội đồng. Bản thân ông này cũng từng có mặt trong Hội đồng của giải Philip Morris năm 1999, nơi bức Mảnh hồng của tôi lọt tới top 7 bức để xét chọn lấy 5 bức dự giải toàn khu vực.

Tôi nghĩ rằng BTC và Hội đồng nghệ thuật của TL MTTQ 2010 phải xem xét lại sự việc. Suy cho cùng, tôi  thấy ái ngại cho tác giả của Dưới mưa vì khi đã theo đuổi nghệ thuật thì nên chọn cách đi nào thực sự là của riêng mình. Hãy có một ý tưởng và phải xây dựng cho nó một hành trình, chứ đừng tạt ngang tạt ngửa với ý tưởng của người khác.

* Anh có thể nói lại nguồn gốc dẫn đến ý tưởng vẽ xe đạp trên sơn khắc của anh?

- Tôi quan tâm đến chủ đề này từ khoảng năm 1997. Khi đó, các quán xá vỉa hè HN bắt đầu phổ biến việc dùng những chiếc khăn thấm nước để phủ lên yên xe máy của khách, còn xe đạp cũng đã bắt đầu ít dần trong giao thông ở đô thị rồi. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh về chủ đề này và từ đó nghĩ đến vấn đề tạo hình nghệ thuật. Tôi chọn xe đạp, thay cho hình ảnh thực tế là xe máy, vì thuận hơn về tạo hình; đặc biệt là hình ảnh xe đạp gợi liên tưởng trong mỗi người Việt Nam mình nhiều khía cạnh, từ lịch sử, chính trị đến kinh tế, xã hội. Còn những mảnh mềm phủ bên trên thì không đơn thuần là “bắt chước” thực tế nữa, mà nó còn là sự đối trọng về tạo hình và cảm nhận thẩm mỹ với hình cái xe đạp bên dưới. 

Các bức Mảnh hồng (trên), Lấp ló của Trần Công Dũng

Với dòng sáng tác này, tôi chỉ làm với chất liệu sơn khắc vì tôi cảm thấy giữa ý tưởng và chất liệu có một sự tương hợp. Hơn thế nữa, sơn khắc là một chất liệu rất độc đáo của nghệ thuật tạo hình nước ta, nó ở trên lằn ranh giữa hội họa và đồ họa nên nếu biết cách khai thác, họa sĩ có thể cùng với chất liệu làm được rất nhiều việc. Các sáng tác sơn khắc với xe đạp của tôi, từng bày tại triển lãm Mỹ thuật Asean Philip Morris- 1999 ở Hà Nội, đồng thời tham gia TLMTTQ năm 2000 và 2005. Ngoài ra, tôi cũng có bày bán tại một số không gian nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Đức Khởi: “Tôi không biết Trần Công Dũng là ai”

Trước khi trao đổi, họa sĩ Nguyễn Đức Khởi đề nghị TT&VH cung cấp ảnh chụp bức tranh Mảnh hồng và một số tác phẩm khác của Trần Công Dũng. Anh nói ngắn gọn:

- Tôi không hề biết đến Trần Công Dũng và serie tranh anh Dũng làm sơn khắc về xe đạp. Bức Dưới mưa đúng là bài tốt nghiệp của tôi năm 2009, nhưng thực tế, trước đó, năm 2008 tôi cũng đã vẽ 1 bài chuyên khoa sơn dầu với bố cục tương tự, có giáo viên hướng dẫn. Bức tranh này vẽ từ lúc tôi đi thực tế ở biển về và có ý tưởng vẽ những người lao động đứng trước biển, dưới trời mưa để ngóng đoàn thuyền.

Khi được xem những bức sơn khắc của anh Dũng vẽ về xe đạp,  tôi thấy nếu nói rằng Dưới mưa giống, hay copy thì quá võ đoán. Chúng ta đều biết, hình ảnh xe đạp và áo mưa, hay những "mảnh hồng" là giẻ lau yên xe ở thành phố của anh Dũng đều là những thực tế khách quan, anh Dũng không tự tạo ra motif xe và khăn, tôi không tự tạo ra được xe và áo mưa. Đây đều từ những quan sát thực tế cuộc sống được xử lý qua nhãn quan của họa sĩ. Ngoài ra, chất liệu và cách xử lý bố cục, hình xe đạp của tôi là tả chân (tả thực), của anh Dũng là đã cách điệu nhằm tạo ra 1 hình tượng xe đạp. Xe của tôi phủ áo mưa, hiện ra hình ở phía dưới vì áo mưa trong suốt, đây là thách thức khi vẽ tả thực.

Vậy, anh Dũng hay ai đó đã biết tranh anh Dũng có quyền tự do phát ngôn rằng tranh ấy giống với bức Dưới mưa của tôi. Nhưng nếu nói là tôi bắt chước, hay chép, đạo thì đã xúc phạm tôi bởi thiếu căn cứ và làm tổn hại tới uy tín người khác. Hội đồng chấm giải và các giáo viên hướng dẫn tôi làm bài chuyên khoa, bài tốt nghiệp, chắc chắn đã nói nếu thấy tôi vẽ "giống" của ai đó. Tôi muốn dư luận nhìn nhận khách quan về chuyện này”.

Nhị An – Chiêu Minh

Kỳ sau: Giám khảo nói gì?

Để làm rõ cuộc tranh luận này, TT&VH đã tìm gặp giám khảo của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 và một số chuyên gia nghệ thuật khác. Các câu trả lời sẽ lần lượt được đăng trong các số báo tới.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm