Lặng lẽ triển lãm tranh của những danh họa

24/10/2010 10:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Diễn ra trong một chút lặng lẽ bên cạnh những ồn ào, náo nhiệt của các sự kiện rầm rộ, triển lãm Còn mãi với thời gian (sẽ kéo dài đến 30/10) tại nhà số 16 – Lê Thái Tổ bên Hồ Gươm lại dễ làm nổi sóng cảm xúc trong lòng người yêu hội họa Thủ đô khi thật lâu lắm rồi, họ mới có cơ hội thưởng lãm một số bức tranh nguyên bản của những danh họa đất kinh kỳ: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Tiến Chung, bên cạnh chàng lãng tử của mỹ thuật hiện đại Việt Nam Lưu Công Nhân...

1. Ngôi nhà có vị trí đắc địa bên bờ hồ Gươm, vốn là hội quán của Hội Khai Trí Tiến Đức do học giả Phạm Quỳnh sáng lập và làm tổng thư ký. Mục đích và tôn chỉ của hội là “Mở mang trí tuệ” (Khai trí), “Bồi dưỡng đạo đức” (Tiến đức) trước hết là cho các hội viên của mình, sau đó là cho toàn dân. Hình thức sinh hoạt theo kiểu câu lạc bộ ngày nay, chủ yếu là diễn thuyết, nói chuyện, bình văn và một số hình thức giải trí như cờ người, tổ tôm...

Do tài năng và độ uyên thâm văn hóa của những người sáng lập như Phạm Quỳnh, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim... cho nên hội quy tụ được nhiều nhân tài, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, nhất là trong giới trí thức cả cựu học lẫn tân học. Đóng góp lớn nhất của hội là đã xuất bản được Từ điển Tiếng Việt đầu tiên, và gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt văn hóa trong nước thời ấy...


Tranh "Thúy Kiều- Kim Trọng" của Nguyễn Tư Nghiêm
Thật nhiều cảm xúc khi bước chân vào đây, ngắm nhìn những bức tranh của các bậc tài danh. Những thực hư về tranh Phố Phái hẳn khiến người xem phải dừng chân thật lâu trước bức tranh Phố Hàng Mắm, sơn dầu, khổ chỉ 24cm x32cm. Mấy mái ngói nhà nâu đỏ như trĩu nặng xuống giữa đôi bờ tường cũ kỹ, bên trên những ô cửa thấp tè. Những mái ngói như chiếm hầu hết diện tích bề mặt bức tranh, thoáng chút rêu phong, khiến màu ngói trầm xuống, đẫm màu thời gian.... Có một cảm nhận về sự cũ kỹ phủ trên bề mặt toàn bộ bức tranh, thu hút mạnh mẽ con mắt nhìn của người đối diện. Bức tranh được bày ở vị trí trung tâm của phòng triển lãm, lặng lẽ nói rằng nó đang là tâm điểm của nơi này. Thật khó để rời khỏi chút không gian Phố Hàng Mắm, rời khỏi cái căn nhà một tầng thấp nhỏ nhô ra khỏi trật tự dãy nhà trên phố ấy tuy rằng nó đã được đóng khung và treo lên nơi đây...

Một bức tranh cũng nhỏ xinh khác của cố họa sĩ Nguyễn Tiến Chung có tên Ao làng, sơn dầu, khổ 24 cm x32cm. Hơi ngược lại với bảng màu của Bùi Xuân Phái, bức tranh có cùng kích thước, chất liệu sơn dầu này lại là một hòa sắc tươi vui, màu xanh dương pha xanh lục của mấy dãy núi làm phông nền cho những nếp nhà nhỏ phủ đầy rơm vàng, cho cả cái ao làng nho nhỏ với mấy dáng phụ nữ đang dọn rửa tay chân sau một buổi làm đồng (có lẽ vậy).

Bức tranh chứa đứng sự trong sáng trong cảm xúc sáng tạo của họa sĩ, tuy rằng còn những sự gò bó nhất định trong bố cục không gian, có vẻ như bởi diện tích tranh quá nhỏ hẹp trước cảm xúc của nghệ sĩ...


Phố Hàng Mắm của Bùi Xuân Phái
Nguyễn Tư Nghiêm hiện diện ở đây với một bức tranh bột màu trên giấy nằm trong dòng tranh về những nhân vật trong ký ức dân tộc của ông, bên cạnh dòng tranh con giống trác tuyệt; bức Thúy Kiều- Kim Trọng, khổ 50 cm x38cm. Một bảng màu hư ảo, những gương mặt nhân vật chất chứa tâm sự, bức tranh nhỏ nhưng mở ra một không gian mênh mông cho tâm tưởng người xem; nhất là khi nhìn lại, thấy Thúy Kiều vận khăn vấn, ôm đàn nguyệt, còn chàng Kim tóc búi cài khăn xếp; hai nhân vật đã bước ra khỏi một không gian nghệ thuật ước lệ của bản gốc truyện Trung Quốc, mà gần gụi Việt Nam như bản thơ lục bát của Nguyễn Du vậy...

2. Triển lãm Còn mãi với thời gian còn giới thiệu thêm với người yêu hội họa những bức sơn mài chỉn chu theo kỹ thuật truyền thống, với hòa sắc thâm sâu mà rực rỡ của Văn Bình, Nguyễn Huy Hoàng, bên cạnh nét bút phóng túng tạo nên những bức tranh vẽ hoa quyến rũ của Lưu Công Nhân...

Tiếp sau triển lãm này, được biết nơi đây, dưới cái tên phòng tranh Lạc Thủy, sẽ bày luân phiên tranh của các bậc tài danh nói trên. Những bức tranh này được lưu trong sưu tập của một người có chừng 15 năm gắn bó với công việc tại một số phòng tranh cũng như những sưu tập cá nhân có tiếng ở đất Hà Thành như Hà Thúc Cần, Danh Anh,...

Nếu vậy, hẳn người yêu hội họa Thủ đô sẽ tiếp tục có được những khoảng lặng thú vị bên Hồ Gươm...

Nhị An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm