Từ cổng chào nhớ tới cửa ô

29/06/2010 10:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau khi đưa ra 5 cổng chào dự kiến xây dựng tại 5 cửa ngõ vào thủ đô, trong tuần này, TP.Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, điêu khắc về các thiết kế này. Theo tính toán mới được đưa ra thì công trình này dự kiến sẽ được làm bằng khung sắt, nhựa composite hoặc cót ép với giá thành thấp, không tới 50 tỷ như thông tin ban đầu đưa ra.

Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của KTS Đoàn Đức Thành.

1. Tiến tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc xây dựng cửa ô là cần thiết. Cũng vì thế, từ năm 2003, Tạp chí Kiến trúc đã tổ chức cuộc thi “Ý tưởng kiến trúc cửa ô phía Nam Hà Nội”. Cuộc thi này đã có 100 phương án tham gia, Hội đồng giám khảo đã chọn được các phương án giải Nhất, Nhì, Ba và 5 giải Khuyến khích. Đầu năm 2004 Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã trao trực tiếp những phương án đoạt giải cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Quốc Triệu.


Phối cảnh cửa ô phía Nam Hà Nội đoạt giải Nhất cuộc thi
do Tạp chí Kiến trúc tổ chức năm 2003

Ngày ấy, trao đổi với TT&VH, tôi đã đặt vấn đề: “Đúng là đến hôm nay vẫn còn bàn về tên gọi của công trình là quá muộn, lẽ ra chúng ta đã phải tiến hành thiết kế, thi công ngay từ bây giờ mới kịp. Những công trình làm theo kiểu nước đến chân mới nhảy thường thì chất lượng không ra sao”(TT&VH số ra ngày 26/12/ 2003). Cũng không hiểu do đâu, từ bấy đến nay, Hà Nội hầu như quên hẳn việc làm này. Giờ đây chỉ còn khoảng 100 ngày nữa đến đại lễ thì UBND TP Hà Nội mới lại nghĩ đến theo cách bỏ “cửa ô” và chuyển gấp rút sang làm “cổng chào”!  

2. Chúng ta đều biết, cổng chào dựng lên trên lối đi để chào mừng dịp lễ trọng thể, là một điểm nhấn, nên yêu cầu phải đạt về cảm xúc đối với nhân dân. Nhưng nhìn vào một số phương án kiến trúc nêu ra, tôi vẫn thấy còn nghèo nàn về ý tưởng, thô vụng về giải pháp kiến trúc và không gian.

Đã là cổng chào thì chỉ xây dựng tạm để phục vụ dịp đại lễ, sau đó thì dẹp bỏ, khác với cửa ô là lối ra vào một kinh đô tồn tại lâu dài nên mới phải xây dựng kiên cố. Vì vậy, một khi nghiên cứu đã chưa sâu, chưa đạt thẩm mỹ, nên chăng chỉ làm bằng vật liệu không kiên cố. Nếu có thiết kế tốt thì sẽ có tác dụng tốt về mọi mặt.


Một trong các thiết kế cổng chào vừa được đưa ra với biểu tượng
cánh chim Lạc Việt (dự kiến đặt trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ)
Nhớ lại, sau ngày Giải phóng thủ đô 10/10/1954, trong hơn một tháng, KTS Nguyễn Văn Ninh đã vừa thiết kế vừa thi công Lễ đài Ba Đình bằng gỗ để ngày 1/1/ 1955 đón Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ về thủ đô. Công trình tuy làm tạm bằng gỗ nhưng do nghiên cứu đường nét, hình khối tốt, mang tính dân tộc sâu sắc nên vẫn gây được ấn tượng tốt đẹp trước quảng đại quần chúng nhân dân.  

3. Trong khi các phương án thiết kế cổng chào chưa được thẩm định rộng rãi trong giới chuyên môn, nên chăng Hà Nội nên khai thác áp dụng phương án cửa ô mang nhiều tính chất cổng như phương án đoạt giải Nhất do Tạp chí Kiến trúc tổ chức trước đây. Tác phẩm chủ đề “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội thượng võ hào hoa” (xem ảnh) của nhóm KTS Công ty kiến trúc HAAI (gồm Trần Nguyễn Hoàng, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Hoành, Nguyễn Đông Giang). Thăng Long - Rồng bay đã gắn liền với thủ đô nghìn năm văn hiến. Hình ảnh rồng trên tàu đao mái đình cũng trở nên gần gũi với bao đời người. Rồng còn thể hiện cội nguồn dân tộc: “Con rồng cháu tiên”.

Bằng hình khối điêu khắc khoẻ khoắn, bay vút, 8 cặp rồng tạo thành một tuyến dài thể hiện khát vọng vươn lên của Hà Nội. Con số 8 cặp rồng còn tượng trưng cho sự phát đạt. Cũng có thể chỉ làm 5 cặp rồng, thể hiện 1.000 năm Thăng Long.

Với ý nghĩa ấy, theo tôi, cả 5 cổng chỉ áp dụng một kiểu thiết kế có chất lượng cao như trên, nhằm gây ấn tượng sâu sắc và thống nhất khi mọi người từ khắp nơi đến với Thăng Long - Hà Nội.

KTS Đoàn Đức Thành

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm