Tam quan Văn Miếu nên quét màu gì?

18/09/2009 15:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tam quan hiện nay được quét màu ghi xám. Tuy vậy, cách làm này cũng chỉ có chừng mươi năm lại đây, không phải là cách làm của người xưa. Kết quả là Hà Nội đã xuất hiện nhiều tam quan khá ảm đạm bởi màu ghi xám. Bài viết này xin bàn về một vấn đề nhỏ: Tam quan Văn Miếu nên quét màu gì?

1. Như chúng ta đều biết Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi thờ Khổng Tử và 72 vị tiên hiền, cũng là “trường đại học đầu tiên” của Việt Nam.

Văn Miếu được xây dựng năm 1070, còn Quốc Tử Giám được xây vào năm 1076 đời Lý. Như vậy ngay từ đầu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã song tồn hai chức năng: Nơi diễn ra các nghi lễ thờ tự và các hoạt động giáo dục.

Vừa qua, khu nhà Thái Học được tôn tạo, đã làm tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tự Giám có vị thế quan trọng trong quần thể các di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội. Nhà Thái Học nhấn mạnh đến chức năng thứ hai của quần thể di tích: Hoạt động giáo dục.


Trụ biểu Văn Miếu.

2. Xưa kia, cung vua, trường học, chùa chiền và những nơi thờ tự đều được quét màu vàng. Trong truyền thống văn hóa của người Phương Đông, màu vàng được giữ một vị trí hết sức quan trọng, cao quý. Dưới thời phong kiến xưa màu vàng là đặc quyền của vua chúa. Khi ông vua mặc áo hoàng bào ra ngự triều, ông ta giống như mặt trời ban tỏa hào quang vậy.Trong tâm thức của người Việt ta xưa màu vàng cũng luôn gắn với sự thiêng liêng. Bởi thế nên có những câu chuyện về mây vàng, rùa vàng, trâu vàng..... và rồng vàng từng xuất hiện trong câu chuyện dời đô của Lý Công Uẩn.

Khi bàn đến màu vàng, Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, viết “Nó truyền dẫn sự trẻ trung, sức mạnh, sự vĩnh cửu của thần thánh. Nó là màu sắc của các thần linh: Theo Anquetil, Zoroastre có nghĩa là thiên thể vàng óng chói lọi, phong khoáng thiên thể sống động. Om, động từ thiêng của người Tây Tạng, có bổ từ chỉ tính chât zéré có nghĩa là vàng óng. Vishnu là người mặc quần áo vàng và quả trừng vũ trụ của Brahma lóng lánh như vàng”.

Trong các tam quan, theo cách làm truyền thống có hòa sắc vàng làm chủ đạo sẽ cho nhiều ưu điểm. Sắc vàng rất dễ chế biến từ các nguyên liệu lấy từ thiên nhiên, nguyên sắc không phải chế biến phức tạp. Màu vàng đi với đen và trắng tạo nên vẻ trang nghiêm mà tươi tắn. Tam quan thường viết các câu đối, chữ đen trên nền vôi trắng. Nhìn chung kiến trúc cổ của Bắc Bộ luôn giữ vẻ khiêm nhường, nhỏ bé ẩn mình dưới các tán cây. Giữ hòa sắc vàng chủ đạo, các tam quan. Vì thế không bị các tán cây che lấp, trái lại khi có ánh sáng rọi vào thì bừng chói lên một cách rực rỡ hơn bất cứ hoà sắc nào. Khí tượng thủy văn cho biết tổng số ngày mưa và nhiều mây ở Hà Nội chiếm hơn 1/3 tổng thời gian trong năm. Ưu điểm của hòa sắc lấy màu vàng làm chủ đạo là di tích bao giờ trông cũng sáng sủa. Quét vôi màu vàng theo cách xưa khi nắng hửng thì thành vàng mơ, khi nắng to thì thành vàng chanh, khi mưa xuống tường ngấm nước thì thành vàng thư. Trong kiến trúc, mầu vàng là màu chuyển được nhiều cung bậc nhất theo các điều kiện ánh sáng và khí hậu. Ngay cả khi di tích bị rêu phong, mầu vàng sẽ chuyển sang màu xanh rêu rất đẹp.

3. Theo cách làm truyền thống, màu vàng dùng để quét tường. Chữ Hán dùng màu đen, phần nền chữ Hán để nguyên vôi trắng. Cách làm như hiện nay ở Tam Quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhược điểm là hòa màu ghi xám cho một cảm giác nặng nề. Những dòng chữ Hán viết bằng mực đen trên nền ghi này rất tối và khó nhìn. Những đường nét tinh tế của các nét phù điêu và tứ linh bị che lấp, các khối không được cộng hưởng với các hiệu ứng ánh sáng. Trên các đầu đao, trụ biểu vật liệu phục chế dùng quá nhiều xi măng, và cũng có màu ghi xám trông rất cứng.

Có thể hiểu được rằng, khi dùng màu ghi xám này những người tôn tạo các di tích lịch sử muốn nhuộm vẻ thời gian, sự uy nghi cho các công trình. Có thể hình dung mong muốn biến vôi vữa thành đá như các cổng chào ở Trung Hoa. Song họ không hiểu rằng màu sắc luôn hàm chứa những ý nghĩa triết học, đặc biệt với truyền thống Phương Đông. Hòa sắc ghi xám này nếu dùng thì chỉ thích hợp cho các khu lăng mộ.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm qua, hôm nay và mãi mãi trong tâm thức người Hà Nội là một biểu tương vô cùng đẹp đẽ của học vấn, của truyền thống hiếu học. Ngự ở trung tâm Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải giống như ngọn đuốc trí tuệ sáng ngời đưa đất nước vào một thiên niên kỷ mới của Tri thức. Khôi phục lại hòa sắc truyền thống cho tam quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là việc chính danh. Tương truyền từ lúc sinh thời ba màu y phục mà Khổng Tử thường mặclà: Đen- Trắng - Vàng.

Trần Hậu Yên Thế(Họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm