Khuôn mặt thứ hai của Hoàng hậu Ai Cập Nefertiti

02/04/2009 14:36 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đó là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới: bức tượng Hoàng hậu Ai Cập Nefertiti. Để kiểm tra hiện trạng của bức tượng này, các nhà khoa học ở Berlin (Đức) thử đưa nó vào máy chụp cắt lớp dành cho... bệnh nhân. Và họ đã phải kinh ngạc khi phát hiện ra trong ruột của nó còn có một bức tượng thứ hai.
 
Như vậy, bức tượng nổi tiếng của Hoàng hậu Ai Cập Nefertiti mà chúng ta đã biết thực ra chỉ là một lớp vỏ thạch cao khá mỏng manh bọc ngoài. Lõi của nó mới thực sự bền vững: Đó là một bức tượng khác, được tạc từ đá, không kém phần tinh xảo, tuy nhiên có sống mũi không mấy thẳng và vài nếp nhăn trên khóe miệng.

“Mỹ nữ sông Nile”

Bức tượng Hoàng hậu Nefertiti, mệnh danh là “Mỹ nữ sông Nile”, được nhà khảo cổ Ludwig Borchardt phát hiện ở sa mạc Amarna năm 1912 và đưa về Đức một năm sau đó. Bức tượng này từ lâu đã trở thành hiện vật quý giá nhất của Bảo tàng Ai Cập ở Berlin, có giá trị bảo hiểm tới 390 triệu USD. Đơn giản vì đây là một trong những tuyệt tác điêu khắc được tìm thấy nguyên vẹn nhất, tuyệt mỹ nhất và thể hiện người phụ nữ vào loại đẹp nhất thời cổ đại. Đó là Hoàng hậu Nefertiti (khoảng 1370 - 1330 trước Công nguyên), vợ của Pharaoh Akhenaten. Bức tượng mô tả một người phụ nữ có gương mặt khả ái, đầu đội chiếc vương miện độc đáo màu xanh, chiếc cổ thuôn dài vươn cao kiêu hãnh, cùng nụ cười bí ẩn hiện trên đôi môi thắm đỏ. Theo tài liệu ghi lại, ngay cả Adolf Hitler cũng bị mê hoặc bởi tác phẩm điêu khắc này và vì thế đã tìm mọi cách để chối từ khi phía Ai Cập đòi Đức trả lại bức tượng hồi những năm 1930.
 
Hình ảnh Hoàng hậu Nefertiti trên một bức phù điêu

Không chỉ qua bức tượng này, Hoàng hậu Nefertiti còn được mô tả trên nhiều bức phù điêu, trong bộ y phục bó sát thân, đầu đội vương miện hình trụ cao tạo nên sự cân đối cho chiếc cổ dài xinh xắn. Với sắc đẹp lộng lẫy của mình, thậm chí trong sử sách Hoàng hậu Nefertiti còn nổi tiếng hơn cả chồng bà và trở thành thần tượng sắc đẹp của Ai Cập cổ đại.
 
Lần theo quá trình tạc tượng
 
Khi thận trọng thử đưa bức tượng quý cao 47cm nói trên vào một máy chụp cắt lớp dành cho bệnh nhân, tuy đã biết trước nó có cốt bằng đá bên trong lớp vỏ thạch cao, Alexander Huppertz - Giám đốc Trung tâm X-quang của bệnh viện Charite - cũng không thể ngờ được rằng lõi đá này thật ra là một bức tượng hoàn chỉnh.
 
Hình ảnh 3D phục dựng phần tai cho thấy đây là một bức tượng
hoàn chỉnh với những chi tiết tinh tế
 
Tại sao lại có một bức tượng đá ở bên trong như vậy? Ông Huppertz đưa ra giả thuyết Hoàng hậu Nefertiti đã đích thân làm người mẫu cho nhà điêu khắc tạc tượng bà từ đá. Sau đó chính bà hoặc chồng là Pharaoh Akhenaten đã ra lệnh chỉnh sửa một số chi tiết. Kết quả là nhà tạc tượng đã “hóa trang” cho bức tượng đá nguyên mẫu bằng một lớp thạch cao như ta vẫn biết. Có ý kiến cho rằng người ta nên dựng lại bức tượng nguyên mẫu này dựa vào các bức hình 3D thu được qua máy chụp cắt lớp.

Khó trở về thăm lại cố hương

Phát hiện nói trên khiến các nhà khoa học ở Berlin cảm thấy lo lắng. Ông Huppertz cho biết: “Chúng tôi rất lo khi phát hiện ra rằng tính liên kết của các vật liệu cấu thành tuyệt tác này là rất kém. Điều đó ảnh hưởng đến tuổi thọ của bức tượng”. Do các vật liệu cấu thành không đồng chất, thế nên bức tượng rất nhạy cảm với mọi rung động và sự tiếp xúc.
 
Ảnh chụp Hoàng hậu Nefertiti từ 3 góc khác nhau
 
Ý kiến trên của ông Huppertz rất có lợi cho chính phủ Đức trong cuộc tranh cãi với phía Ai Cập về việc liệu có nên để “Mỹ nữ sông Nile” về thăm lại cố hương.

Người Ai Cập muốn chiêm ngưỡng bức tượng này nhân dịp khánh thành Bảo tàng Ai Cập mới ở Gizeh trong năm 2012. Nhưng kể từ thời Quốc xã đến nay, phía Đức đã nhiều lần bác bỏ việc cho phép “Mỹ nữ sông Nile” về thăm quê, với lý do bức tượng này có thể không chịu đựng nổi những chuyến đi xa. Giờ đây, với những phát hiện về kết cấu bức tượng, phía Đức càng có lý do từ chối lời đề nghị đưa “Mỹ nữ sông Nile” một lần rời khỏi Bảo tàng Ai Cập ở Berlin.
Minh Bích

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm